Thông thường, chiếc smartphone của bạn dùng được khoảng 1 ngày nếu được sạc đầy, và khi nó bất ngờ hết pin sớm hơn dù bạn vẫn sử dụng như mọi ngày, đó là lúc cần kiểm tra chiếc máy này.
Pin điện thoại luôn là thứ làm đau đầu người dùng cũng như các hãng sản xuất. Cho dù thời nay, pin dự phòng trở nên bùng nổ và rất đông người dùng luôn mang theo người 1 cục pin dự phòng để đảm bảo điện thoại không bị hết pin, nhưng các hãng smartphone vẫn không ngừng nâng cấp dung lượng pin cũng như làm cho chiếc điện thoại sử dụng được lâu hơn trước khi cần sạc.
Tuy vậy, không phải lúc nào chiếc smartphone cũng ở “phong độ” cao nhất, có nhiều lý do khiến nó bất chợt hết pin nhanh hơn thường lệ, thậm chí sụt pin nhanh tới giật mình. Đó là lúc người dùng cần kiểm tra lại thiết bị.
Tìm ứng dụng ngốn pin nhất
Trên hầu hết các smartphone hiện nay, không khó để tìm ra ứng dụng ngốn pin nhất trên điện thoại. Đơn giản nhất là vào phần quản lý pin ngay trên máy, nó sẽ cho bạn thấy những ứng dụng nào đang chạy và tiêu tốn bao nhiêu năng lượng.
Đây là cách kiểm tra dễ nhất nhưng thực tế khá “vô dụng”, bởi ví dụ bạn sử dụng Facebook và Facebook Messenger nhiều nhất, thì đương nhiên đây là 2 ứng dụng tốn pin nhất, và bạn cũng chẳng thể vì nó tốn pin mà ngừng sử dụng được. Thêm nữa, việc quản lý pin này cũng không phát hiện ra các ứng dụng chạy ngầm, là thứ gây sụt pin bất ngờ nhất
Kiểm tra các ứng dụng khả nghi
Nếu bạn mới cài 1 ứng dụng mới, và điện thoại hết pin nhanh hơn, rất có thể nó chính là nguyên nhân. Thực tế, nhiều ứng dụng chạy ngầm hay chạy ẩn khiến điện thoại sụt pin rất nhanh, vì vậy cho dù bạn không sử dụng nhưng cứ cài vào máy là đã có khả năng làm điện thoại hết pin nhanh hơn thường lệ rồi. Vì vậy, nếu không phải là ứng dụng bắt buộc phải cài, nên gỡ bỏ và tìm ứng dụng khác tương tự thay thế.
Dọn dẹp ứng dụng
Nhiều ứng dụng thừa thãi bạn đã cài vào máy và chẳng mấy khi sờ tới. Bạn có quá nhiều ứng dụng chụp ảnh, tạo hiệu ứng ảnh hay chỉnh sửa ảnh mà chỉ dùng 1-2 cái… Hãy dọn dẹp và xóa bỏ bớt để máy nhẹ hơn và cũng khoanh vùng dễ hơn các ứng dụng gây tốn pin.
Việc gỡ bỏ các ứng dụng cũng có thể khiến bạn vô tình gỡ được những virus hay mã độc ẩn mình trong máy, giúp máy chạy nhanh hơn và ít tốn pin hơn.
Để ý phần mềm bảo vệ máy
Các phần mềm bảo vệ máy cũng gây tốn pin và làm máy chạy chậm hơn. Nếu bạn kiểm soát được hành vi của mình khi sử dụng smartphone (không click vào link lạ, không cài phần mềm lạ…), bạn không cần thiết phải cài phần mềm bảo vệ máy. Chỉ cần thỉnh thoảng bạn quét virus và mã độc bằng ứng dụng bảo vệ, sau đó gỡ bỏ ứng dụng này, là đã đủ an toàn rồi.
Kiểm tra độ sáng màn hình
Chế độ tự điều chỉnh độ sáng màn hình không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất để tiết kiệm pin. Nếu sử dụng quen, bạn hoàn toàn có thể chủ động độ sáng màn hình sao cho hợp với mắt của mình nhất, tiết kiệm pin nhất và tiện dụng nhất.
Kiểm tra cập nhật phần mềm
Nhiều bản nâng cấp hệ điều hành cũng có thể gây ngốn pin nhiều hơn so với bản tiền nhiệm. Thực tế nếu bạn đã bấm nút nâng cấp và gặp hiện tượng hết pin nhanh hơn, thì nên học cách chấp nhận tạm thời điều này. Sẽ có nhiều người gặp phải tình huống như bạn, và nhà sản xuất sẽ sớm đưa ra bản nâng cấp mới để giải quyết lỗi này.
Bạn cũng có thể search trên Internet để tìm ra cách khắc phục nhanh hơn, có thể là quay trở lại phiên bản cũ, cũng có thể có cách xử lý riêng cho từng dòng máy đã được nhiều người dùng tìm ra và chia sẻ trên mạng.
Cài đặt lại máy hoàn toàn
Đây là cách khá hiệu quả để dọn dẹp toàn bộ máy và đưa nó về trạng thái khi mới xuất xưởng. Factory reset – cài đặt lại hoàn toàn máy, sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên máy (trừ các dữ liệu đã được đồng bộ trên các đám mây internet), cài lại hệ điều hành và cho phép bạn sử dụng máy như lúc mới mua.
Sẽ tốn 1 khoảng thời gian để bạn cài lại máy, cài lại các phần mềm quen thuộc, nhưng nó có thể khiến máy không chỉ tiêu tốn ít pin hơn mà còn có thể chạy nhanh hơn. Cài lại máy theo cách này sẽ dọn dẹp lại hệ thống/hệ điều hành, những thứ bạn không thể dọn dẹp bằng tay, và khiến máy trơn tru hơn.
Kiểm tra pin
Nếu bạn đã dùng chiếc smartphone tới 2-3 năm, rất có thể pin đã chai và sẽ nhanh hết hơn so với thời gian sử dụng trước. Với những chiếc smartphone giá rẻ và tầm trung, thời gian chai pin có thể đến sớm hơn.
Bạn cần mua 1 cục pin mới để thay thế, bởi pin chai thì không còn khả năng cứu chữa nữa. Giá cho pin điện thoại cũng không quá đắt đỏ, và nên chọn pin chính hãng để tránh tình trạng xung đột, nhanh chai pin hay cháy nổ.