Ở thành phố cảng Amsterdam, không chỉ có đặc sản là nhiều xe đạp mà còn có màn… câu xe đạp đặc sắc.
Nhắc đến những nơi có người dân đi xe đạp nhiều nhất trên thế giới, không thể không nhắc tới Amsterdam của Hà Lan. Thành phố cảng có tới gần 60% số hành trình đi lại tại đó được thực hiện bằng xe đạp và có tới khoảng 880 nghìn- 1triệu chiếc xe đạp trong thành phố, thậm chí còn nhiều hơn 20% dân số của thành phố này. Cũng vì nhiều xe đạp như thế, lại còn lắm sông hồ kênh rạch, lâu lâu vui vui rơi vài ba chiếc xuống nước nên tại đây hình thành một nghề khá hot- nghề “câu xe đạp”.
Amsterdam có nghề câu xe đạp vô cùng nổi tiếng.
Ở Amsterdam có khoảng 165 con kênh, tổng độ dài lên đến 100km. Con số nhiều đến như vậy nên số xe đạp rơi xuống nước cũng “kha khá”. Kha khá ở đây là khoảng 15.000 chiếc mỗi năm. Nếu cứ để yên cho hàng chục nghìn cái xe đạp ngâm dưới nước không thèm vớt, chẳng mấy chốc nước sông ở Amsterdam sẽ chỉ toàn là gỉ sắt độc hại.
Mỗi năm người ta trục vớt được khoảng 15.000 chiếc xe đạp.
Vì vậy, cái nghề trục vớt xe đạp không phải là nghề thời vụ ở Amsterdam, mà nó đã trở thành một nghề chính thống và có những nhân viên câu xe đạp chuyên nghiệp. Diane Kleinhout, đại diện của Waternet, công ty chịu trách nhiệm vệ sinh làm sạch các con kênh trên khắp lãnh thổ thành phố Amsterdam cho biết ngành trục vớt xe đạp đã có từ thập niên 60 của thế kỷ trước, tồn tại và phát triển cho đến tận bây giờ.
Người ta sử dụng những cần trục có móc sắt lớn để câu xe đạp từ dưới lòng sông lên. Cái móc sắt khổng lồ ấy được gắn cố định trên sà lan, cứ ngày ngày đều đều lại đi vớt xe đạp, trả lại sự trong sạch cho nhữg con kênh Amsterdam. Cái hay ở đây là, chẳng ai biết được chỗ minh trục vớt có xe đạp hay không, cũng như bạn vục tay vào vũng bùn, mò mò mẫm mẫm, nhặt được cái gì ra thì nhặt. Thế mà nhặt được cũng lắm xe đạp ra phết.
“Cần câu xe đạp” đang thực hiện chức năng.
Câu hỏi vì sao nguời Amsterdam lại thích vứt xe xuống nước thế vẫn chưa có lời giải. Có người chán, buồn tay, tiện thấy hồ nước xanh quá thì vứt luôn xuống cho đỡ phải nặng gánh, người thì để quên, làm rơi, người lại phi xe xuống nước, người về nhưng xe ở lại làm bạn với cá tôm. Nói phũ phàng thì kênh rạch của thành phố cảng chẳng khác gì cái nhà vệ sinh công cộng hay bãi rác khổng lồ.
Và đến khi được trục vớt, những biểu tượng của Amsterdam này sẽ kết thúc cuộc đời ở lò tái chế rác công nghiệp. Mà đặc sản dưới nước không chỉ có mỗi xe đạp, mà còn cơ man là những tủ lạnh, điều hoà, TV hay thậm chí là xe hơi. Mỗi năm, Waternet trục vớt được khoảng 30-50 xe hơi dưới lòng nước, hầu hết số xe này là nạn nhân của những vụ tai nạn nhưng đôi khi nguyên nhân đơn giản chỉ là vì người ta thích thế.
Ngoài xe đạp, người ta còn vớt được cả xe hơi.
Bắt đầu từ năm 1860, chính quyền Amsterdam đã phát hiện ra “có gì đó sai sai” ở dưới lòng nước trong thành phố cảng, sau đó họ bắt đầu tiến hành công cuộc làm sạch kênh rạch trong thành phố. Mặc dù đã hết lòng khuyến cáo người dân đừng có coi kênh rạch là những cái thùng rác đi đâu cũng thấy, bạ cái gì cũng vứt nhưng có lẽ nỗ lực này chẳng được coi trọng. Chắc cũng bởi cái lý do này mà nghề câu vật thể lạ dưới nước ở Amsterdam mới ra đời.
Không chỉ là một ngành nghề, câu xe đạp giờ đây đã trở thành một nền văn hoá của Amsterdam, trở thành đặc điểm thu hút khách du lịch đến với thành phố cảng này. Người ta đến để chiêm ngưỡng những cần câu, thọc thẳng xuống lòng nước, mò mò mẫm mẫm rồi tự dự đoán xem thứ được vớt lên sẽ là gì.
Câu xe đạp giờ đã trở thành một nghề.
Nhiều du khách đến thăm Amsterdam không chỉ để xem người ta đi xe đạp, mà còn để xem người ta vớt xe đạp.
Theo Tri Thức Trẻ