Theo các chuyên gia, nước nấu sôi để nguội nếu không bảo quản, che chắn kỹ sẽ bị nhiễm bụi, nhiễm vi sinh và có thể gây ngộ độc cho người uống.
Hiện nay ngoài nước đóng chai, rất nhiều gia đình nấu nước sôi để nguội để dành uống. Nhưng “để dành” trong bao lâu, “để dành” như thế nào thì không phải ai cũng biết và làm đúng.
Theo bác sĩ Lê Thảo Nguyên – khoa dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) – nước đã nấu sôi có thể bảo quản trong 6 tháng ở nhiệt độ thường. Tuy nhiên lưu ý nước phải được đun sôi đúng, bảo quản đúng.
Đun sôi nước đúng cách là đun cho đến khi nước sôi mạnh và tiếp tục nấu trong 1 phút.
Bảo quản đúng là đựng nước trong các hộp/chai đã được khử trùng, tránh mở nhiều lần và đặt ở những vị trí có nhiệt độ phòng không quá 21 độ C.
Tuy nhiên, với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, nhiệt độ thường xuyên trên 21 độ, cộng thêm việc bảo quản không đúng cách, nước dễ bị nhiễm bẩn, do đó chúng ta chỉ nên dùng trong vòng 24 giờ và để ngăn mát tủ lạnh, tránh ánh nắng trực tiếp. Trước khi cho vào ngăn mát tủ lạnh, phải để nước sôi nguội dần ở nhiệt độ phòng.
Chúng ta cũng có thể cho nước vào bình to đã khử trùng, đậy nắp kín, rót ra bình nhỏ sử dụng để tránh mở nắp nhiều lần.
Việc để nước quá lâu mới uống có thể gây nguy hại cho sức khỏe vì một số chất để lâu sẽ lắng thành muối, cộng thêm quá trình bốc hơi làm nước và muối cô đặc lại hơn.
TS.BS Trần Quốc Cường – giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – lưu ý thêm nước sôi để nguội nếu không che chắn kỹ thì có thể bị nhiễm bụi.
“Nước là một chất không hỗ trợ vi trùng sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên nếu nước chứa trong các vật dụng không được vệ sinh thường xuyên hoặc không được che đậy cẩn thận thì có thể nhiễm vi sinh gây ngộ độc.
Do đó nước sôi để nguội nên được bảo quản trong các vật chứa sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên và có nắp đậy. Khi uống thì rót ra ly, tránh uống trực tiếp từ bình chứa, vật chứa”, bác sĩ Cường nói.
Theo THU HIỂN – tuoitre.vn