NSƯT Út Bạch Lan, 82 tuổi, được đặt biệt danh “sầu nữ” nhưng nghệ sĩ này tâm sự đầu Xuân rằng bà nghĩ đời mình vui nhiều hơn buồn, những trái ngang, u sầu chỉ như làn gió thoảng.
*Phóng viên: Đầu năm mới, không ít người thường hay ôn lại chuyện cũ, kỷ niệm đã qua. Đôi khi, người ta day dứt với nổi đau, đoạn trường trong quá khứ. Là người từng trải, đau thương không ít, bà có đau đáu nỗi lòng mỗi khi Xuân về không?
NSƯT Út Bạch Lan: – Tôi nhớ câu nói rất hay của nữ nhà văn Mỹ Hellen Keller: “Tôi đã khóc vì không có giày để đi cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để mang giày”. Nếu xe bạn bị hư dọc đường, phải cuốc bộ vài dặm mới tìm ra được nơi sửa xe, lúc đó bạn hãy nghĩ đến những ai liệt cả đôi chân, luôn khao khát được bước đi như bạn. Dù gặp khó khăn vì hư xe nhưng bạn còn đôi chân, nó có thể đưa bạn đến bất cứ nơi đâu. Bạn vẫn rất hạnh phúc và may mắn khi được đi trên đôi chân của mình. Những khó khăn không thể đánh gục bạn nếu nghĩ đến những người có số phận bi thảm hơn.
Hiểu được điều đó, tôi không buồn mà trái lại còn cảm ơn cuộc đời kiến tạo ngang trái để tôi trải nghiệm nhiều hơn, hiểu đời nhiều hơn. Nó giúp tôi thể hiện các bài vọng cổ sâu lắng hơn, dễ truyền đạt đầy đủ cảm xúc đến khán giả. Tết năm nay, tôi đã 82 tuổi, thấy đời mình vui nhiều hơn buồn.
*Đi nhiều hẳn mỏi chân, hơn 80 năm trôi qua không phải quãng thời gian ngắn, có khi nào bà cảm thấy mỏi mệt và những lúc ấy làm gì để vững vàng hơn nhất là ở tuổi về chiều?
– Tôi không vội nản lòng, khó chịu mà có thể dừng lại nghỉ ngơi tạm ở đâu đó lấy lại sức rồi bước tiếp. Cuộc đời có thăng, có trầm, không ai dưới chân chỉ có hoa dại, cỏ êm mà chưa từng dẫm phải chông gai. Sống nhiều, thấy nhiều và hiểu cũng nhiều nên tôi không bắt bản thân mình hoàn hảo, cầu toàn, lúc nào thấy mệt cứ nghỉ ngơi rồi bước tiếp, miễn tâm mình vững vàng.
Nếu bạn cảm thấy đời mình mất mát, bế tắc trong những nỗi đau thì hãy nghĩ đến những người không được quyền sống hết tuổi trẻ của mình để có những trải nghiệm như bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình kém may mắn trong cuộc đời này mà luôn biết trân trọng từng phút giây được sống. Tôi không sợ đôi chân nặng trĩu mà chỉ sợ lòng mình không đủ nhẹ để bước cho vững.
*Đời người không phải lúc nào cũng thẳng bước, cuộc sống của người nghệ sĩ càng nhiều thăng trầm hơn, với “sầu nữ” Út Bạch Lan ngang trái cuộc đời không ít từ hôn nhân dang dở cho đến chuyện nghề. Trước những sự cay nghiệt, nhỏ nhen, nghi kỵ, bà ứng phó như thế nào?
– Tôi tự dặn lòng hãy nhớ nhiều chuyện trên đời này có khi còn tệ hại hơn rất nhiều! Ai đó ghét mình là chuyện của họ, bản thân mình hãy buông xả tất cả, từ bi và độ lượng. Sống là động nhưng lòng không dao động!
Tôi học theo lời dạy của anh hai – Cố GSTS Trần Văn Khê, mỗi sớm mai thức dậy việc đầu tiên là nở nụ cười thật tươi, cảm ơn cuộc sống cho ta được sinh ra, có được một đôi chân vững chãi để bước đi, có được một đôi tay lành lặn để ôm ấp những người mà ta yêu thương, có được một đôi mắt sáng để nhìn ngắm thế giới xung quanh. Với người nghệ sĩ, tôi còn có thêm một giọng ca, một trái tim mẫn cảm, gửi gắm lời yêu thương đến với mọi người.
*Niềm tin, nghị lực của bản thân sẽ giúp mình dễ dàng vượt khó khăn, thử thách nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra điều này, nhất là với người trẻ…!
– Chính vì thế, ta phải cần có cha mẹ, người thân, bạn bè và trên hết là thầy cô giáo bên cạnh, họ sẽ khuyên ta biết nâng niu và trân trọng từng phút giây mà bạn đang có để biết yêu thương được đong đầy như thế nào trong cuộc đời mình.
Nghề hát có câu “Thầy già con hát trẻ”, nghệ sĩ lớn là tấm gương sáng cho đàn em, cháu noi theo và hiểu điều đó nên tôi cũng như nghệ sĩ trang lứa khác luôn dặn lòng phải sống chân thành. Mùa Xuân về, nhà nhà sum vầy, người người tụ hội là dịp để người già truyền đạt kinh nghiệm sống cho con, cháu, giúp người trẻ sớm nhận ra đâu là vốn quý trong cuộc đời. Để từ đó, họ sẽ tự tìm cho mình phương châm sống, cách tạo nên niềm tin, nghị lực cho bản thân.
*Với kinh nghiệm sống của mình, bà lời khuyên nào dành cho nghệ sĩ trẻ nhân dịp Xuân Bính Thân?
– Tôi khuyên các bạn đừng háo thắng và hãy biết nhìn lại mình để tiến bước vững vàng trong nghề. Sự háo thắng của tuổi trẻ dễ khiến con người mệt mỏi vì cứ phải ganh đua, nỗ lực vượt lên trên, vươn lên dẫn đầu mà không hề nghĩ rằng con đường đến đỉnh vinh quang đã mệt, đứng trên đó cũng đâu đã hạnh phúc.
Vạn vật luôn thay đổi, cuộc sống con người cũng thế, như những cơn gió không bao giờ ngưng thổi mà gió trời sao nắm giữ được! Vì thế, biết đủ là đủ, đừng cố gắng bất chấp đuổi theo ánh hào quang, để rồi, khi dừng chân lại đau khổ nhận ra mình không còn lại gì.
Theo tôi biết, có người phí hoài cả một quãng đời son trẻ tìm kiếm vinh quang nhưng không được mà vẫn cứ đau đáu, day dứt khôn nguôi.
Tôi khuyên các bạn trẻ thêm rằng hãy yêu và đừng ngại thất bại. Yêu đời, yêu người, yêu nghề một cách mãnh liệt rồi sẽ được Tổ thương! Nhưng cũng phải tỉnh táo, đừng để tình yêu đó biến mình thành người cố chấp, khư khư giữ lấy một cách bất chấp. Bởi có không ít người như tôi chỉ một sáng tỉnh dậy, thấy lòng hết yêu là hết yêu, nhẹ hơn cả gió thu trên mặt đường. Bởi với tôi, buông tay chẳng qua chỉ là chuyện cầm lên được thì đặt nó xuống được. Con tim một phút còn thay nhịp đập đến mấy chục lần thì sao phải bận lòng đến cử động bàn tay buông hay nắm.
Hết lòng với thế hệ trẻ
Theo NSƯT Út Bạch Lan, nhiều năm qua tuy sàn diễn khó khăn nhưng nhiều thế hệ nghệ sĩ vẫn không nản chí, cùng nhau dìu dắt thế hệ trẻ tham gia các chương trình, vở diễn mới nhằm phục vụ rộng rãi công chúng. Bà nhắc nhiều đến CLB Sân khấu Lạc Long Quân, nơi ươm mầm nghệ sĩ trẻ mà bà gắn bó 4 năm qua.
Sầu nữ Út Bạch Lan chúc mừng sinh nhật 4 tuổi của CLB Sân khấu Lạc Long Quân
CLB này gồm các thành viên diễn viên là: Chấn Cường, Cao Mỹ Châu, Huỳnh Quý, Nguyễn Phi Long, Trung Tính, Trúc Đào, Kiều My, Nguyễn Anh Tú, Lê Mạnh Phương, Huỳnh Trâm và các diễn viên cải lương: NSƯT Phượng Loan, NS Kiều Phượng Loan, Nguyễn Thị Luận (Chuông vàng vọng cổ 2013), Võ Thanh Tiền, Kim Tiến… Tất cả đã thực hiện một chuyên đề sân khấu mang tên: Sầu nữ Út Bạch Lan: “Tâm đời hoa lan trắng”.
“Mùa xuân này thật ý nghĩa khi Đài Truyền hình TP HCM đã thực hiện chuyên đề này, để CLB chúng tôi có dịp giao lưu với nghệ sĩ chuyên nghiệp trong đó có Sầu nữ Út Bạch Lan. Tâm và đời của bà có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho thế hệ chúng tôi học hỏi” – Thái Hạnh tâm sự.