Nông dân Võ Quan Huy (Út Huy) (ngụ xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An) là một trong những người đang góp phần đẩy sản lượng cũng như chất lượng trái chuối Việt Nam lên vị thế mới. Lão nông này đã thuê hẳn chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam cùng ông trồng chuối.
Trong 2 năm qua, ông Huy – Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015 – đã đầu tư gần 2 triệu USD để trồng hơn 100ha chuối hoàn toàn bằng “quy trình sạch” để đem trái chuối đi “đấu” ở những thị trường khó tính.
Quy trình sạch
Mặc cho giá chuối trong nước lên xuống thất thường, trang trại chuối của ông Huy lúc nào cũng trong tình trạng “sẵn sàng xuất ngoại”. Chuối từ trang trại sẽ được dán nhãn FOHLA, sau đó đóng hộp giấy cùng thương hiệu này. Lý giải cho cái tên FOHLA, nông dân Út Huy hóm hỉnh: “Chuối đi Tây nên lấy cái tên giống Tây. Mà “Phô – la” thì tây hay ta cũng dễ nhớ dễ đọc. Ngoài viết tắt với ý nghĩa Fruit of Huy Long An (trái cây của Huy Long An), Fohla tiếng Bồ Đào Nha còn có nghĩa là chiếc lá. Mà logo của tôi đúng là có hai chiếc lá”.
Tưới chuối bằng 50km ống
Do trang trại quá rộng, để đảm bảo trái chuối không bị va đập trong quá trình vận chuyển vào nhà đóng gói, ông Huy cho xây dựng hệ thống ròng rọc treo dài hàng km bao quanh trang trại. Các buồng chuối khoảng 40kg sẽ theo hệ thống treo “bò” nhẹ nhàng từ trại về khu xử lý. Để tưới chuối, có đến 50km đường ống được xây dựng. Toàn bộ trang trại được đầu tư theo quy trình khép kín, từ khâu giống đến trồng, thu hoạch và đóng gói với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng/vụ.
Nhiều năm trước đây, khi nông dân vùng Đức Huệ (Long An) chật vật vì đất phèn, trồng cây gì năng suất cũng thấp thì ông Huy đã nổi tiếng với trang trại cây ăn trái rộng hàng chục ha lúc nào cũng xanh tốt, năng suất vượt trội. Khi ông Huy đem cây chuối về Đức Huệ, huyện này chưa có ai trồng chuối để bán. Nếu có, dân trồng chủ yếu quanh bờ ao, kiểu trồng cho có, lấy trái cho gia đình ăn.
Từ trang trại bò Úc lúc nào cũng có vài ngàn con, ông Huy đã dùng phân bò cải tạo đất phèn và bắt đầu trồng thử nghiệm chuối.
“Tôi tìm hiểu và thấy ở nước ta, mặt hàng chuối chiếm vai trò quan trọng trong kinh tế nông nghiệp. Theo đề án quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Bộ NNPTNT, chuối là cây chủ lực ở nhiều địa phương. Bộ Công Thương cũng xem việc xuất khẩu chuối là một mặt hàng quan trọng mà Việt Nam có nhiều lợi thế, nên tôi bàn bạc cùng gia đình và quyết định trồng thêm cây chuối” – ông Huy kể.
Vừa trồng thử nghiệm vừa đi các nước tìm hiểu thị trường, ông Huy biết Philippines là nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới. “Khí hậu, thổ nhưỡng của nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Họ có những chuyên gia chuối, cả cuộc đời gắn với cây chuối.
Do đó, tôi đã mời chuyên gia Frederick I. Silvero – có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chuối từ Philippines về Việt Nam. Chuyên gia Silvero sẽ lo khâu kỹ thuật, đồng thời truyền đạt kinh nghiệm cho toàn bộ nhân công người Việt trong trang trại của tôi” – ông Huy cho hay.
Ông Võ Quan Huy chăm sóc chuối. H.D
Theo lời ông Huy, những kiến thức về chuối của vị chuyên gia không chỉ làm trang trại chuối của ông phát triển tốt, mà còn đem lại kiến thức chuyên sâu về chuối cho những nông dân đang làm việc cho ông. “Với kiến thức họ được tiếp nhận, biết đâu trong hàng chục nhân công này, sẽ có nhiều người trở thành những ông chủ trại chuối mới” – ông Huy nói.
Chăm từng trái
Hiện ông Võ Quan Huy đang quản lý hơn 1.000ha đất nông nghiệp với nhiều trang trại ở nhiều địa phương. Trong đó, gần 1.000ha đất chuyên canh tôm, nuôi vỗ béo bò Úc, trồng trà, thì ông Huy dành 140ha trồng chuối. Trại chuối 70ha tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và trại còn lại ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ đều trồng theo quy trình sạch.
Tổng mức đầu tư cho cả hai trại chuối khoảng 50 tỷ đồng. Để tiện cho việc xuất khẩu, ông Huy xây dựng hệ thống diệt khuẩn, nhà đóng gói và kho lạnh ngay trong trang trại. Hàng ngày, các nhân công người Việt, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Philippines chăm sóc chuối theo quy trình hoàn toàn hữu cơ.
Ít ai biết rằng hàng chục triệu trái chuối “Trồng tại Việt Nam” – dòng chữ in trên tem xuất khẩu, đều được chăm sóc theo quy trình “quan tâm từng trái” ngay khi chuối còn nhỏ như ngón tay út.
Chúng tôi theo chân kỹ sư nông nghiệp Võ Quang Thuận – con trai lớn của ông Huy, cũng là một “chuyên gia chuối” thứ thiệt, đi chăm vườn. Cây chuối rất thấp nên anh chàng kỹ sư cao gần 1,9m này phải khòm cả người xuống để hướng dẫn các nhân công chăm sóc chuối.
“Nếu mình để chuối trổ hết thì ra rất nhiều nải, cây nuôi không đủ sức, chuối sẽ không đẹp. Do đó, bông chuối cứ trổ khoảng 10 nải là mình phải bẻ luôn bông, không cho ra trái nữa. Mỗi trái chuối đều phải vặt phần hoa thừa ở chóp trái để trái đẹp. Trái nào sinh đôi thì phải vặt bỏ. Một nải nếu ra quá nhiều trái, cũng phải vặt bỏ, nếu không nải chuối sẽ bị “lòi sỉ” rất xấu. Nói chung, khi thu hoạch tính bằng trăm tấn, ngàn tấn, nhưng chăm sóc chuối thì chăm cho từng trái, có khi chuối còn tính bằng… gram!” – anh Thuận nói.
Chuyên gia Solvero (giữa) và các thương gia Dubai tại vườn chuối. H.D
Sau khi chuối lớn tương đối, từng buồng chuối được “mặc áo” để chống mọi loại sâu bệnh, côn trùng gây hại. Đến khi thu hoạch, nhân viên nhà đóng gói bắt đầu quy trình “xử lý từng trái” – loại bỏ những trái xấu. Có khi, vì một vài trái xấu phải bỏ cả nải chuối.
Sau khi được khử sạch bụi, loại bỏ phần cuống thừa, chuối tiếp tục được thả “bơi” trong hồ khử khuẩn. Sau đó, các nữ nhân viên vớt chuối lên, nhẹ nhàng lau khô, lót lớp xốp mỏng giữa hai lớp chuối trong cùng một nải để chuối không bị thâm, tì vết. Chuối tiếp tục được đưa vào túi nylon, hút chân không và xếp vào hộp. Các hộp này được đưa ngay vào kho lạnh. Từ đây, chuối sẽ theo container ra cảng, theo tàu biển đi Dubai, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Trồng từ cuối năm 2014, đăng ký thương hiệu FOHLA từ giữa năm 2015, đến nay chúng tôi đã xuất khẩu được 500 tấn và được đón nhận khá tốt. Tôi đang thương lượng với các nhà nhập khẩu Nhật Bản, Malaysia để tăng lượng xuất khẩu.
Về chất lượng, tôi tự hào với dòng chữ “Made in Vietnam” dán trên từng nải chuối vì sản phẩm của mình đủ sức cạnh tranh với chuối Philippines. Tôi đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm và đang nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu đó” – lão nông vừa bước qua tuổi 61 chia sẻ.
Sản phẩm chuối sạch của “Hai Lúa” Long An này được kiểm nghiệm chặt chẽ, đủ sức đi các thị trường khó tính, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang các nước Trung Đông. Các thương gia ở Dubai đã tìm về tận khu vườn triệu đô của ông Huy kiểm tra, đánh giá và đã ký nhiều đơn hàng dài hạn để chuối Việt Nam vào các nước thuộc khu vực Trung Đông.
Hiện nay, giá chuối tại vườn được các công ty nhập khẩu trả từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. “Trái chuối dinh dưỡng rất cao nhưng trên bàn ăn của người Việt vẫn chưa có nhiều loại trái này. Ngoài việc xuất khẩu, tôi cũng đang tìm bước đi thích hợp để tăng lượng tiêu thụ từ thị trường nội địa” – ông Huy nói.
Theo www.nld.com.vn