Từ thành phố, nhỏ bạn thời học trường làng về quê ăn giỗ. Mình nói với nó, giỗ xong chiều tới nhà tao nghen.
Có món này hay lắm. Nó nói để mai tính. Đang một bụng “giỗ” no kềnh nè. Giờ có nem công chả phượng cũng “bó miệng” thôi. Mình nói thì mày cứ tới rồi… ngồi chơi khơi khơi cũng được.
Có mấy đứa cùng xóm mình hay nhắc mày luôn. Với lại, “Cá ngon không có bạn hiền / không mua không phải không tiền không mua”. Giờ mày về nên tao mua mồi đãi bạn. Bò gù chính hiệu đó nghen, thịt không là thịt, thơm và béo đến mức…thao thức luôn. Mày tới hay không thì nói cho… dứt “phát”. Nó cười khúc khích, nói rồi rồi, chiều tới. Mày thì bao nhiêu năm rồi vẫn chưa bỏ cái tật “đạo” thơ!
Theo ngư dân làng mình, khi cá bò gù di chuyển ra vùng nước sâu, cách bờ khoảng bốn trăm cây số, chúng sẽ no mồi trên vùng biển đa dạng hải sản, con nào con nấy cỡ ba bốn chục ký trở lên thì được gọi là cá ngừ đại dương. Ngư dân bán gì thì bán nhưng vẫn để lại vài con, xắt lát rồi phân phối “nội bộ”.
Vừa tới hiên nhà nó đã.. la làng, trời ơi món gì thơm dzậy? Mình tâng công ngay, nói tao phải lặn lội xuống bến, nài nỉ “phu nhân” của chủ tàu mới chia được mấy lát cá bò gù đó. (Ở quê, cái gì người ta không bán mà người mua nài nỉ vì rất cần thì gọi là “chia”). Nó reo lên: “Dzậy đó hả?”. Đoạn nó ngồi xuống bên lò than, “giành quyền” tận hưởng mùi hương cá bò gù khi vừa bắt lửa.
Nhỏ bạn vốn xuất thân từ xóm lưới, hôm lên phố học tóc còn vương mùi… rong biển nên nướng cá rất có nghề. Nó xoay trở lát cá sau mỗi mười lăm giây thầm đếm. Nướng cách đó lửa “thấm” từ ngoài vào trong, cá chín đều, mặt lát cá không bị khô, không bị sém, lại có màu vàng hườm, mới nhìn thôi là muốn “động khẩu” ngay.
Một đĩa mắm ớt tỏi được bày ra. Một mớ rau ngò chạy quanh lát cá vàng như… lá mùa thu. Tưởng thế là đủ. Vậy mà nhỏ bạn còn lọ mọ tỉa ớt, tỉa cà cho có chút lá hoa. Nó nói tụi bay có cá, tao có… nghệ thuật. Ăn là phải đẹp vì tụi mình là phái đẹp!
Chai vang nho Đà Lạt đã khui rồi mà nhỏ bạn vẫn… chưa cho ai động đũa. Nó rút di động ra chụp lạch cạch rồi ngắm nghía, nghiêng ngó, nói chờ tao chút, tao cho hình… vỗ cánh bay lên “phây” cái đã. Bảo đảm đám bạn phố của tao chắc phải chép miệng chép lưỡi cho mà coi.
Bốn đứa con gái thân nhau từ thuở tóc đuôi gà ngồi quây quần nhâm nhi món cá bò gù. Loại cá này thịt vốn đã săn chắc, giờ gặp lửa than càng “cô” lại, quá đỗi ngọt ngào.
Chấm miếng cá còn nóng hổi vào chút mắm ớt tỏi, rứt một cọng ngò đệm theo, chầm chậm nhai cùng tí bánh tráng giòn giòn thì ngon đến… ngẩn ngơ, ngon đến độ không có cái ngon nào giữa chiều nay có thể thay thế được. Ai bảo giới… thuyền quyên không nhậu là lầm to. Rượu nho văng một chai rồi đấy. Chai thứ hai đang khui. Nhìn nhỏ bạn ăn “chăm chỉ” như chưa… ăn giỗ, mình mừng lắm. Điều đó chứng tỏ mình chọn mồi không phải tồi.
Nhỏ bạn giơ cao ly rượu, thứ rượu chín phần mật một phần men, nói cụng cái coi, mừng nhóm mình đứa nào cũng biết… nhậu. Một đứa khác bổ sung: Mừng làng mình vào mùa cá bò gù. Mình vẫn không bỏ cái tật “đạo” thơ: “Anh đầu sông, em cuối sông / Nghe bò gù nướng là dông tới liền”.
Theo Trần Cao Duyên web (Ihay)