Hãy dành sự kiên nhẫn của mình tới cuối câu chuyện, bạn sẽ thắt lòng trước số phận của người xe ôm này.
Hằng ngày, ở ngoài kia, chúng ta đều gặp gỡ vô số những người mới lạ, đi kèm theo đó là hàng vạn câu chuyện vui có, buồn có. Đó dường như là dòng chảy của cuộc sống, là thứ khiến cuộc sống luôn chuyển động không ngừng. Nhưng trong số những câu chuyện bạn được nghe trong 1 ngày, có câu chuyện nào cứ ám ảnh bạn không thôi? Và một phần nào đó, nó cũng giúp thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới này? Chắc hẳn câu chuyện dưới đây mang ý nghĩa như vậy.
Được đăng tải bởi anh chàng có tên Hồng Hải, chỉ trong 12 tiếng, câu chuyện đã nhận được hơn 4 nghìn lượt thích và hàng nghìn lượt chia sẻ. Được biết, đây là câu chuyện thật mà anh từng trải qua cách đây 1 năm. Hôm đó, vào lúc 9 giờ tối, anh vừa xuống bến xe miền Tây thì có 1 chú xe ôm tới nài nỉ anh đi giùm chú cuốc này. Và hành trình ngồi trên xe hơn chục cây số về Tao Đàn, anh đã“được nghe một chuyện đời, một chuyện tình đẹp tái lòng” từ chú xe ôm tật nguyền, khắc khổ.
(Ảnh: Internet)
Xin trích đăng nguyên văn câu chuyện đầy cảm động về người xe ôm dưới đây:
9 giờ tối, Xa Cảng Miền Tây,
Xách túi đồ dợm bước ra taxi, nhận một cái níu tay, tui quay lại, chú xe ôm đứng cong người nài nỉ “Đường giờ này mát mẻ lắm, con đi giúp chú cuốc xe đi. Ai thấy chú tật nguyền vầy cũng ngại đi nên chú chạy ế lắm. Con yên tâm đi, chú chạy được, chạy cẩn thận lắm”.
– Dạ được rồi, con đi.
Và cái đoạn đường hơn chục cây số từ đó về Tao Đàn, tui đã được nghe một chuyện đời, một chuyện tình đẹp tái lòng.
Chú năm mươi tám, ở quận 7, mỗi chiều năm giờ ra bến, chạy đến năm giờ sáng hôm sau. Ráo cũng như mưa, chục năm nay không dám nghỉ ngày nào. Mỗi đêm thường kiếm được trăm mấy hai trăm, mỗi tháng đóng tiền bến hết chín trăm.
Cô thì đi nấu cơm cho công an phường, lương có triệu mốt nhưng được cái họ hay bỏ bữa, cô mang thức ăn về, nhà khỏi đi chợ. Cô đòi đi kiếm chỗ làm thêm, chú không cho. Chú biểu để mình chú cực là được rồi. Kể tới đây, chú cười hịch hạc: Đàn ông mình, cỡ nào cũng phải sống mà lo cho gia đình được, há con?
Tui bắt đầu thấy ngưỡng mộ chú rồi đây, sau cái câu này.
Bạn bè đang đợi, tui thì trễ hẹn nhưng bị cuốn vào câu chuyện tươi sáng của chú nên nghĩ mình cũng chẳng cần phải nhanh hơn. Tới đâu đó Thuận Kiều, thấy vai chú run run, tui hỏi thăm, chú biểu cái chân tật của chú, hễ trời lạnh lại nhức.
– Thôi chú dừng xe lại đi, con chở cho.
– Đâu có được, ai làm vậy được con? Chú không sao, ráng chạy chút nữa, về bóp dầu.
– Chú sợ con cướp xe hả? Xe chú cà tàng lắm rồi nha. Với lại con sẽ đưa túi xách con cho chú đeo. Chú dừng lại đi.
Tui cũng chạy chậm, như chú. Thanh thản lắm, như đang chở ba mình đi dạo vậy.
Ngồi sau lưng tui, chắc ấm được chút đỉnh nên chú trải lòng hơn.
Chú khoe hồi trẻ cô đẹp lắm, con gái Cai Lậy mà. Cô lên Saigon ở mướn cho nhà chủ mà chú làm bảo vệ. Ba má cô đâu có chịu chú bởi họ chê thằng này mồ côi mồ cút, nghèo mà còn què quặt nữa. Họ sợ cô khổ khi về với chú. Nhưng cô hổng sợ, cô bỏ nhà theo chú. Ba má cô từ con gái. Ngày ba cô nhắm mắt, ông còn chưa tha cho cô mà. Chú phải đưa cô về, nửa đêm quỳ ngoài hàng rào lạy vọng vào. Rồi đi.
– Chú biết cô thương chú lắm nên chú muốn cô được sung sướng. Mà muốn vậy thôi chứ tới giờ cô cũng chưa được sướng ngày nào.
– Sướng chứ chú. Làm lụng thì ai cũng phải làm thôi, chỉ cần có người chồng thương mình như chú, con nghĩ cô sướng trong dạ lắm đó chớ.
– Thiệt hôn con?
– Hổng tin, bữa nào chú về hỏi cô đi.
– Ừ. Mà tết nhứt tới bên nách rồi con há. Chắc chú phải ráng cày thêm chút đỉnh, vài bữa mua cho cô cái áo kiểu đẹp đẹp mặc Tết với người ta…
Tui nghe chừng trong lam lũ một trời yêu thương. Cái yêu thương không phải đôi vợ chồng đủ đầy nào cũng có được.
Rồi chú khoe hai thằng con, thằng lớn hai mươi, thằng nhỏ mười ba, thằng nào cũng ngoan.
– Em lớn đang còn đi học hay đi làm rồi chú?
– Nó học giỏi lắm con, học năm ba Đại học Sư Phạm. Mà thằng đó đẹp trai à nha, nó giống cô. Nó có hiếu lắm, hổng bao giờ dám xài tiền.
– Nói vậy thôi chứ con nghĩ hồi trẻ chú cũng đẹp trai mà. Nghe em nó được vậy, con cũng mừng cho cô chú.
– Ừ…thì…
Sao tui nghe câu trả lời như vướng đâu đó trong cổ họng.
Câu chuyện còn đang dang dở, hai chú cháu đã tới nơi. Xuống xe, chú biểu bớt hai chục ngàn, cho cái công tui chở chú.
– Chú bớt phân nửa luôn đi. Hehe
– Sao cũng được mà con.
Trả tiền xe xong, tui dắm dúi một ít vô tay chú, dặn dò:
– Chú về mua cho cô cái áo đi, áo màu tím nghen chú. Con tin cô sẽ thích. Mà cũng phải mua thêm cho chú một cái nữa. Cô mặc áo đẹp mà áo chú cũ quá, hổng xứng đâu nha. À quên, hai thằng nhỏ, mỗi thằng một cái nữa nhe.
Chú cúi sát nhìn thứ tui vừa đưa, tay run run.
Chào nhau, chú lại níu tui. Tui ghẹo:
– Tính cám ơn con nữa hay gì đây? Thôi khỏi, mai mốt có gặp nhau, chú chở rẻ cho con là được rồi.
– Hổng có, hồi nãy chú hổng dám kể hết. Thằng con lớn của chú đó, là chú…nhớ nó quá nên chú tưởng tượng vậy thôi chứ sau khi thi đậu đại học, nó bị tai nạn…mất rồi con ơi. Tới giờ mà chú còn chưa tin là nó hổng còn… Đêm nào cha con chú cũng nói chuyện… Nhưng con yên tâm, chú cũng sẽ lấy tiền này mà mua cái áo mới, để lên bàn thờ cho nó.
Trời ơi!!! Sao tự nhiên tui muốn quỳ xuống đường mà tế sống người đàn ông này”
Anh Hồng Hải – chủ nhân của câu chuyện kể trên.
Bên dưới câu chuyện, rất nhiều người thổ lộ rằng họ rơi nước mắt ngay lập tức khi đọc tới đoạn cuối, và đây xứng đáng được vinh danh là Người cha của năm, bởi sự hy sinh của ông dành cho gia đình. “Đúng như anh nói, vợ và các con anh sẽ rất vui và tự hào khi có 1 người chồng, người cha như thế này. Mỗi người một số phận. Cái chính là mình cứ sống tử tế, thì tức khắc cuộc đời sẽ đền đáp, không bằng cách này thì bằng cách khác” – trích bình luận của bạn V. Vương.
Bài đăng nhận được rất nhiều sự chia sẻ của mọi người.