Đâu mới là thước đo an toàn cho thức ăn chúng ta mua hàng ngày? Và liệu những thông tin ghi trên bao bì đáng tin đến mức nào?
Thực phẩm bẩn đã trở thành một chủ đề mang tính thời sự trên toàn thế giới. Vâng, không lầm đâu, toàn thế giới chứ không phải ở một vài nước đang phát triển.
Nhân loại ở khắp nơi nơi đều phải nơm nớp lo sợ với “căn bệnh nan y” này. Từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây, nhiều loại thực phẩm giả hay kém chất lượng vẫn đang hằng ngày đội lốt “sạch, chuẩn vệ sinh” để được bày bán trên các quầy hàng.
Thực phẩm bẩn len lỏi mọi ngỏ ngách
Dựa vào kết quả phân tích nhiều lô bột kinh giới khô (oregano), một loại gia vị đồng thời cũng là thảo dược bày bán trên thị trường, xét nghiệm viên tại Phòng thí nghiệm trường ĐH Belfast (Anh quốc) nói rằng họ thấy tương đối thường xuyên các sản phẩm được trộn thêm thành phần không ghi trên bao bì.
Thậm chí, một số trường hợp đến 40% cái gọi là bột “kinh giới khô” thực chất lại đến từ lá của loại cây khác như oliu hoặc sim.
Ngoài việc bị trộn thêm hàng giả có giá rẻ hơn để nhà sản xuất thu lợi, thì các sản phẩm bột thảo mộc này còn trực tiếp gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dùng do khâu sơ chế không đúng cách. Theo Chris Elliott, Giám đốc Viện An ninh Lương thực toàn cầu, khi kiểm tra nồng độ thuốc trừ sâu trong các gói bột thì ông không hiếm bắt gặp những mẫu vượt ngưỡng cho phép.
Ví dụ nêu trên, chỉ là “hạt cát” trong rất nhiều trường hợp thực phẩm bẩn bị phát hiện trên thế giới, mà thậm chí là ngay tại Anh, đất nước có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vô cùng nghiêm ngặt.
Thịt bò hay thịt ngựa?
Một scandal động trời khác cũng xảy ra tại xứ sở sương mù là vào năm 2013, một số sản phẩm thịt bò chế biến sẵn bị phát hiện có chứa thịt ngựa với hàm lượng cao, dựa trên kết quả phân tích ADN. Trong đó có sản phẩm còn hoàn toàn thuần “ngựa” 100% chẳng thèm thêm tí “bò” nào.
Các sản phẩm bò giả hay bò độn như vậy đáng ngạc nhiên lại được trưng bày chễm chệ trên quầy hàng các chuỗi siêu thị lớn như Tesco, Aldi và được cung cấp cho trường học, bệnh viện, khách sạn trước khi bị vạch trần bởi một cuộc thanh tra thực phẩm.
Và càng có cơ sở lo ngại khi biết rằng gần như bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể bị tẩm hóa chất độc hại, không ngoại lệ gì cả. Chẳng hạn thuốc nhuộm công nghiệp, thứ dùng để nhuộm màu cho quần áo chúng ta, đôi khi được thêm vào gia vị để tạo nên màu sắc thẫm hơn.
Ngay cả đối với sữa, là mặt hàng dành cho trẻ nhỏ yêu cầu độ an toàn cao thì cũng không thoát khỏi “nạn dịch”. Kể từ khi giá của các sản phẩm sữa được thiết lập theo hàm lượng protein chứa bên trong, những kẻ lừa đảo đã cố tình thêm các nguồn protein khác vào trong sữa đã pha loãng, như protein từ gạo hay… da động vật phế liệu thủy phân, trích theo báo cáo của Trung tâm An toàn thực phẩm Hồng Kông năm 2011.
Còn trước đó, hẳn chúng ta chưa quên vụ bê bối sữa chứa melamine tại Trung Quốc năm 2008. Tuy không phải protein thật, nhưng khi trộn lẫn melamine vẫn làm tăng khống hàm lượng protein, do phương pháp kiểm tra thông qua lượng nitơ khi đó không phân biệt nitơ có trong melamine và axit amin.
Và hậu quả khi hấp thụ melamine là gì? Nếu thẩm thấu lâu ngày qua đường tiêu hóa, melamine có thể gây sỏi thận, ung thư bàng quang và tổn thương khả năng sinh sản.
Nhưng như thế có vẻ chưa đủ độc, các hóa chất còn kinh khủng hơn đã được cho vào loại thực phẩm nhạy cảm này. Do sữa dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển, đặc biệt tại các quốc gia có thời tiết nóng nên một số nhà sản xuất vô lương tâm đã dùng chất bảo quản, vốn bị cấm hay được cho phép với lượng rất hạn chế có mặt trong sữa.
Thế nhưng, tại Brazil tình trạng lén thêm chất bảo quản vô tội vạ đã trở thành một vấn nạn nhức nhối. Và thật đáng sợ khi biết rằng các chất thêm vào được phát hiện gồm có cả formaldehyde, hydrogen peroxide, natri hypoclorit hay còn gọi là thuốc tẩy… Chúng đều vô cùng nguy hại với cơ thể khi uống phải.
Nguồn gốc của thực phẩm bẩn
Không khó để giải đáp tại sao người ta lại tạo ra thực phẩm bẩn: chính là tiền. Thay thế hàng thật bằng hàng “fake” có giá rẻ hơn, thêm hóa chất để bảo quản, nâng cao giá trị cảm quan của thực phẩm. Tất cả chỉ nhằm mục đích giảm chi phí bỏ ra nhưng tăng lợi nhuận thu vào trong thời buổi kinh tế thị tường.
Vì tiền thôi…
Hơn nữa, hiện tại thị trường bán lẻ thực phẩm toàn cầu như một mảnh đất màu mỡ trị giá lên tới 4.000 tỉ USD (khoảng 88 triệu tỉ đồng) và đang trên đà phát triển nhanh chóng, dẫn đến thu hút số lượng lớn khâu trung gian tham gia. Tuy nhiên, khi con đường thực phẩm đến tay người dùng càng trở nên phức tạp thì độ rủi ro lại càng tăng.
Theo Chris Van Steenkiste – điều tra viên chuyên về hàng giả tại Europol, những thương vụ thực phẩm bẩn không chỉ tự phát, mà một số còn có sự nhúng tay của tội phạm có tổ chức hay mafia.
Vậy đối phó cách nào đây?
Về phía người tiêu dùng, dẫu biết trong “ma trận” thực phẩm bẩn đang bủa vây ngày nay việc phân biệt thật giả rất khó khăn, tuy vậy cẩn trọng chẳng bao giờ thừa.
Lựa chọn kĩ lưỡng nguồn cung, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, cập nhật thông tin nhận biết hàng kém chất lượng là cách tốt nhất bạn có thể tự thực hiện để bảo vệ chính mình.
Hãy tự giúp bản thân trước khi ai khác có thể
Còn với những nhà khoa học đi đầu trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, họ cũng đang phát triển phương pháp kiểm tra chính xác và tiện lợi hơn như thiết bị đo quang phổ cầm tay, hình ảnh tia X, hay dao “thông minh” giúp phân tích thành phần thức ăn chỉ qua một vết cắt.
Tóm lại, bi quan mà nói việc xóa bỏ hoàn toàn vấn đề gian lận thực phẩm là rất khó. Tuy nhiên, ít nhất hãy tự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân, hạn chế ăn uống tại những nguồn không đảm bảo. Bạn sẽ ổn thôi!
Nguồn: BBC Future