Có phim cổ trang đầu tư trang phục vô cùng kỹ lưỡng và chỉn chu, lại có phim nhận được cả tạ “gạch đá” vì sự xuề xòa trong khâu nghiên cứu phục trang.
Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể
“Tấm Cám 2016” hay tên đầy đủ là “Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể” lại là một câu chuyện khác. Được xây dựng từ một cốt truyện cổ tích, phục trang cho phim không chỉ đòi hỏi tính thẩm mỹ mà còn phải khắc họa được văn hóa, lịch sử của đất nước ta. Trước “Tấm Cám 2016” thì không ít phim cổ trang của Việt Nam mắc nhiều sạn về phục trang, đẩy trí tưởng tượng đi quá xa mặc dù đẹp hay không thì còn phải xem xét nhiều.
Không ngoa khi nói mẹ Cám “sành điệu” bậc nhất khi mặc toàn voan, ren trên trang phục truyền thống.
Về vấn đề tính logic của phục trang trong “Tấm Cám 2016”, ekip làm phim đã khẳng định sẽ mang đúng tinh thần, những thứ có thể khẳng định là của người Việt. Những câu hỏi như là áo tứ thân hay áo dài, lớp áo khoác mỏng từ đâu chui ra, mấn đội đầu trang trí cầu kỳ hơn mấn trong thực tế…
Những chiếc mấn đính hoa tinh xảo là một trong những chi tiết tạo nên nét thú vị cho bộ phim cổ trang này.
Nếu tạm gác qua về tính xác thực thì có thể nhận định rằng, ekip tạo nên phục trang cho “Tấm Cám 2016” xứng đáng nhận được những lời khen ngợi vì độ đẹp cũng như khả năng mô tả tính cách từng nhân vật qua váy áo. Phục trang sử dụng nhiều kỹ thuật may thêu cổ truyền của Việt Nam như thêu ruy băng, thêu chỉ nhưng được làm mới bằng chất liệu, màu sắc và họa tiết, bắt kịp xu thế thời trang thế giới.
Để tạo nên thành công về mặt hình ảnh, Ngô Thanh Vân đã có sự trợ giúp từ ekip cố vấn trang phục của phim gồm nhà thiết kế Thủy Nguyễn, nhà thiết kế Tùng Vũ, stylist Hoàng Anh, stylist Lê Minh Ngọc, chuyên gia trang điểm Nam Trung…
Cá tính của từng nhân vật cũng được thể hiện rõ nét qua váy áo. Đây là một thành công của ekip phục trang cho phim.
Mỹ Nhân Kế
Không có mốc thời gian thật, bộ phim lấy bối cảnh nước Đại Việt cổ xưa, giữa nơi rừng thiêng nước độc cách xa thành thị, có một tửu điếm nức tiếng giang hồ mang tên Đường Sơn quán, nơi nổi tiếng hiểm trở, nội bất xuất ngoại bất nhập. Đứng đầu nơi đây là tú bà Kiều Thị (Thanh Hằng đóng) cùng các nữ sát thủ Đào Thị (Ngọc Quyên đóng), Liễu Thị (Kim Dung đóng) và Mai Thị (Diễm My 9x đóng). Kịch tính của bộ phim được khởi đầu với sự xuất hiện của Linh Lan (Tăng Thanh Hà đóng).
“Mỹ Nhân Kế” là bộ phim cổ trang được đầu tư phần trang phục vô cùng kỹ lưỡng.
Trước khi “Tấm Cám” ra đời thì “Mỹ Nhân Kế” chính là bộ phim cổ trang được đầu tư kỹ lưỡng nhất. Và người đã tô sắc vóc cho dàn mỹ nhân chính là NTK Công Trí. Anh làm nhiệm vụ chỉ đạo 1 ekip gồm các NTK trẻ: Tuấn Trần, Hồng Sương, Châu Kha, Trường Duy cùng tham gia việc tạo dựng nhân vật và thiết kế phục trang. Công Trí chia sẻ, điểm thu hút của những mẫu phục trang cho các mỹ nhân trong phim chính là sự không trùng lắp và hoàn toàn thuần Việt.
Cả ekip đã tốn nhiều thời gian để tìm hiểu về trang phục, trang sức cổ của các dân tộc Việt Nam. Và tất cả các mẫu trang phục, trang sức, giày dép đều được làm thủ công bằng tay.
Để đảm bảo yếu tố về giá trị văn hóa dân tộc, anh đã hướng dẫn các NTK trẻ trong ekip tìm hiểu kỹ về trang phục dân tộc, bối cảnh lịch sử, phong tục tập quán… Từ chính chất liệu trong kho tàng văn hóa Việt giúp ekip phác thảo và thiết kế những mẫu váy áo, trang sức, giày cho các nhân vật trong phim. Điểm đặc biệt là tất cả các mẫu trang phục, giày, dép đều được thực hiện thủ công bằng tay để tạo nên độ tinh tế cho từng sản phẩm.
Một điểm thú vị nữa là từng nhân vật đều có màu sắc riêng thể hiện tính cách bản thân. Chẳng hạn như trang phục của Thanh Hằng là tím và đỏ – hai màu sắc trội bật và tương phản mạnh mẽ, phác họa nên một tính cách thủ lĩnh, đầy quyền lực nhưng không kém phần quyến rũ. Trắng lại là sắc màu của Tăng Thanh Hà, nhằm diễn tả sắc thái mỏng manh, dịu dàng và tinh khiết. Các nhân vật còn lại lần lượt là hồng, vàng và xanh.
Tạo hình và cách trang điểm của Thanh Hằng rất đẹp, cầu kỳ nhưng đúng điệu.
Gắn liền với cô là sắc đỏ rực rỡ, thể hiện uy quyền cũng như sự quyến rũ đầy nguy hiểm.
Diễm My 9x được chọn màu vàng và xanh nhã nhặn.
Nhân vật của Tăng Thanh Hà với sắc trắng và xanh nhạt, phần nào thể hiện được tính cách ngây thơ của cô.
Điệu đà bậc nhất là Ngọc Quyên, nên trang phục của cô trông hồng và diêm dúa hơn hẳn các nàng khác.
Mỹ Nhân
Bộ phim cổ trang được lấy bối cảnh thế kỷ XVII, giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, vào đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Nội dung chính của phim xoay quanh những âm mưu thâm độc của các mỹ nhân nơi hậu cung để tranh giành sự sủng ái của nhà vua, khiến triều đình rối loạn.
Cũng gây xôn xao, nhưng khía cạnh được quan tâm của “Mỹ Nhân” lại khác hẳn 2 phim trước. Mặc dù là một dự án phim cổ trang do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng nhưng phim lại có khá nhiều “sạn”, đặc biệt là khoản phục trang. Đáng nói nhất phải kể đến hình ảnh chú sư tử na ná trong phim hoạt hình “Vua Sư Tử” trên quan phục của diễn viên Châu Thế Tâm hay hình thêu rồng lại “cute” như hoạt hình hoạt họa.
Hình ảnh rồng trên áo của chúa Nguyễn Phúc Lan (Trọng Hải) bị cư dân mạng đùa là rồng vẽ theo phong cách hoạt họa vì uy nghiêm chẳng thấy đâu, chỉ thấy buồn cười.
“Đỉnh” nhất là hình “Vua Sư Tử” trên bổ tử của vị quan do Châu Thế Tâm đảm nhận.
Thiết kế rồng này trông cũng hoạt họa không kém.
Và riêng với kiểu khăn quấn đầu của Nguyễn Phúc Tần vừa xấu vừa na ná phim cổ trang Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ngay cả trang phục của các nữ diễn viên cũng khá tẻ nhạt, tưởng chừng như may 1 mẫu với nhiều màu khác nhau.
Triệu Thị Hà có 1 loạt trang phục giống nhau, khác mỗi màu, trông đến là chán.
Còn bộ cánh của Kim Hiền lại được tô điểm bằng chuỗi ngọc trai trông khá “tây”.