.
.

Kinh tế không tiếp xúc có phải là giải pháp cho thế giới hậu đại dịch?


Các chuyên gia Đại học RMIT khuyến nghị Việt Nam nên xây dựng nền “kinh tế không tiếp xúc” để ứng phó một cách chiến lược với COVID-19.

Mặc dù cuộc đua điều chế vắc-xin đang tăng tốc trên toàn thế giới, một báo cáo gần đây của Đại học Hoàng gia London dự báo rằng cuộc khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài tới hai năm trước khi thế giới có vắc-xin hay đạt miễn dịch cộng đồng, khiến các biện pháp xã hội nghiêm ngặt nhiều khả năng sẽ tiếp tục được áp dụng trong tương lai gần.

“Kinh tế ít chạm” (hay “kinh tế không tiếp xúc”) khuyến khích và buộc giảm thiểu các hoạt động tương tác tiếp xúc gần và tụ tập xã hội trong giai đoạn hiện tại, cũng như tương lai tới đây.

Theo hai giảng viên cấp cao đến từ Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT – Tiến sĩ Phạm Công Hiệp và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thuận, mặc dù Việt Nam đã khống chế khá tốt vi-rút corona, các ca lây nhiễm cộng đồng mới đây đã lần nữa nêu cao yêu cầu phải giãn cách xã hội trở lại để phòng chống dịch.

Hình 1

Theo Tiến sĩ Hiệp, việc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội có thể tác động mạnh mẽ đến cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam, cũng như hành vi xã hội và mua sắm của người dân trong nhiều năm tới.

“Đại dịch đang thay đổi cách chúng ta làm việc, ăn uống, mua sắm, tập thể dục và sử dụng thời gian rảnh rỗi theo cách chúng ta chưa hề nghĩ tới”, Tiến sĩ Hiệp nhận định. “Các cá nhân, tổ chức nên chuẩn bị cho nền kinh tế không tiếp xúc ngay từ bây giờ, bởi những cách sống và thông lệ kinh doanh mới đang xuất hiện xung quanh chúng ta”.

Còn theo Tiến sĩ Thuận, chuyển đổi sang nền kinh tế không tiếp xúc sẽ giúp Việt Nam theo kịp xu hướng toàn cầu mà chúng ta không thể đứng ngoài: “Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ đợt bùng phát dịch bệnh mới nào và kinh tế không tiếp xúc là hướng đi cho tương lai”.

“Một trong những bước chuẩn bị chính là hiểu được các loại hình hoạt động kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất và các quy trình kinh doanh có tiềm năng giảm mức độ tiếp xúc”.

Khung phân loại kinh tế không tiếp xúc

Nhóm chuyên gia RMIT đã đề xuất một khung phân loại kinh tế không tiếp xúc để xác định các loại hình kinh doanh theo số người cần tụ tập cùng một lúc và mức độ tương tác gần (xem Bảng 1).

Hình 2 - Tiếng Việt

Các hoạt động kinh doanh “ít chạm” không đòi hỏi phải tụ tập đông người hay tương tác gần với khách hàng. Nhóm ngành này đã và đang hoạt động khá tốt trong đại dịch COVID-19, khi mà mua sắm trực tuyến, giáo dục trực tuyến, giải trí trực tuyến và thanh toán không tiền mặt đã chứng kiến mức tăng trưởng chưa từng có cả ở Việt Nam và nước ngoài.

“Các doanh nghiệp ‘ít chạm’ có thể ứng dụng công nghệ mới để chăm sóc khách hàng một cách sáng tạo mà vẫn bảo đảm an toàn tối đa cho tất cả mọi người”, Tiến sĩ Hiệp cho biết.

Ngược lại, các ngành kinh doanh “nhiều chạm”, như du lịch và khách sạn, tổ chức hội nghị, hay các khu văn phòng truyền thống, lại cần phải tụ tập đông người và nhiều tương tác gần.

“Những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội và hạn chế đi lại có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp ‘nhiều chạm’ nếu họ không đưa vào các hoạt động ‘ít chạm’ hơn”, Tiến sĩ Thuận nhận định.

Tiến sĩ Hiệp bổ sung rằng yêu cầu chuyển đổi số trong nhiều ngành nghề “chưa bao giờ cấp bách đến như vậy hòng đảm bảo rằng chúng ta có thể chuyển dịch từ mô hình kinh doanh ‘nhiều chạm’ sang ‘ít chạm’ và thậm chí là ‘không chạm’”.

“Mô hình kinh doanh không tiếp xúc đem đến tương tác kỹ thuật số cao và dịch vụ được cá nhân hóa mà không cần dựa vào tiếp xúc gần với khách hàng”.

Việt Nam tiến tới nền kinh tế không tiếp xúc

Để đối phó với COVID-19, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Việt Nam đã khởi xướng nhiều hoạt động trong năm nay nhằm giảm các điểm tiếp xúc nhiều cho nền kinh tế.

Trong đó, Tiến sĩ Thuận đánh giá cao Ngày không tiền mặt – một sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam – diễn ra vào 16/6/2020 vừa qua.

Đại dịch cũng đã đẩy nhanh kế hoạch của Chính phủ đến năm 2030 nhằm cung cấp nhiều dịch vụ công trên các phương tiện truy cập khác nhau (bao gồm điện thoại di động) và xử lý hồ sơ công việc tại các cấp chính quyền trên môi trường mạng.

Một khảo sát gần đây của Hiệp hội Mobile Marketing cho thấy các dịch vụ kỹ thuật số đã tăng trưởng nhờ nhiều khách hàng lần đầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong mùa dịch.

“Việc khách hàng chuyển sang tương tác trực tuyến sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào việc số hóa các quy trình cốt lõi”, Tiến sĩ Thuận nhận định. “Giờ đây, nhiều doanh nghiệp trong nước coi số hóa là chìa khóa tăng trưởng bền vững”.

Hình 3 - Tiếng Việt

Còn Tiến sĩ Hiệp thì nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc cung ứng nguyên liệu sản xuất nội địa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm gián đoạn trong các chuỗi cung ứng thiết yếu và giảm phụ thuộc vào các nhà cung ứng nước ngoài.

“Đối với nhóm nhân viên văn phòng, các tổ chức trong nước nên áp dụng các thỏa thuận làm việc linh hoạt như làm việc tại nhà, cùng đầy đủ các quy định hướng dẫn, máy móc thiết bị và chương trình đào tạo cần thiết để có thể kết hợp hiệu quả giữa phương thức làm việc tại văn phòng và tại gia”, Tiến sĩ cho biết.



Bài viết cùng chuyên mục