Ngay từ khi trẻ còn nhỏ hãy rèn cho trẻ những thói quen tốt để góp phần định hình tính cách và nhịp sinh học trong cơ thể bé. Hơn thế, chắc chắn trẻ khi lớn sẽ thông minh hơn và thành công hơn trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia nhi khoa, mẹ càng rèn con sớm các thói quen tốt, thì việc nuôi và chăm con càng nhẹ nhàng dễ dàng cho mẹ. Sau đây là những kĩ năng dạy con hình thành các thói quen tốt này cho bé từ: như thói quen ăn uống, thói quen đi ngủ, thức dậy đúng giờ… là những thói quen tốt cha mẹ nên khuyến khích trẻ.
1. Thói quen ăn uống
Ngày nay, vấn đề cân nặng của trẻ liên quan rất nhiều đến sức khỏe của chúng, cũng giống như tình trạng của người lớn vậy. Dạy trẻ có được cơ thể khỏe mạnh từ thói quen ăn uống thông qua kim tự tháp thực phẩm, từ đó trẻ sẽ có thói quen ăn uống khỏe mạnh khi trưởng thành.
2. Vệ sinh răng miệng
Sức khỏe răng miệng là chìa khóa cho sức khỏe của một đứa trẻ. Vì vậy, chúng ta cần dạy cho chúng biết vệ sinh răng miệng theo đúng cách. Điều này bao gồm việc đánh răng sau bữa ăn và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần, tránh đồ ăn ngọt và đi kiểm tra, chăm sóc răng miệng hai lần trong một năm. Bạn không nên chỉ đưa con vào phòng tắm và hướng dẫn bằng lời, hãy giám sát và giúp đỡ cho trẻ đến khi chúng có thể tự đánh răng và dùng chỉ nha khoa một cách thành thạo.
3. Tập thể dục
Hãy khuyến khích trẻ tập thể dục ngay từ bé. Trước đây trẻ con được chơi ở ngoài trời nhiều hơn chơi trong nhà. Nhưng điều này không còn đúng nữa vì ngày nay là thời đại phát triển của truyền hình, trò chơi video và máy tính, chúng khiến con bạn dành thời gian chơi ở trong nhà nhiều hơn. Vì vậy, những lợi ích của việc tập thể dục là một trong các điều quan trọng mà bạn cần dạy cho trẻ biết. Điều tốt nhất để dạy cho trẻ điều này chính là bạn trở thành một trong những bằng chứng hùng hồn và cụ thể nhất.
4. Đọc sách
Kỹ năng đọc sách là một trong những kĩ năng rất quan trọng cho sự tiến bộ của trẻ ở trường học sau này. Đối với trẻ con, ít nhất là đến lớp 3, bạn nên tập cho trẻ thói quen đọc sách khoảng 20 phút một ngày, không quan trọng là phải đọc những gì, chỉ cần rèn luyện kỹ năng đọc mà thôi. Bạn sẽ nhận thấy khả năng nhìn mặt chữ của trẻ tiến bộ rõ rệt; đồng thời, khi kỹ năng đọc được cải thiện thì trẻ sẽ có cơ hội cải thiện các kỹ năng khác nữa.
5. Rèn cho trẻ thói quen biết sắp xếp
Những ngày đầu đến trường, cha mẹ có thể sắp xếp cặp xách thay cho con nhưng dần dần về sau, hãy hướng dẫn trẻ cách tự sắp xếp để cặp sách luôn gọn gàng, sạch sẽ và chỉ đựng những thứ cần thiết. Đối với sách vở, dù trẻ chưa biết đọc nhưng vẫn phân biệt được sách, vở nào của môn gì bằng các hình vẽ và ký hiệu.
6. Dạy bé đi vệ sinh đúng giờ
Tạo thói quen cho bé đi “tè” trước khi đi ngủ và ngay sau khi ngủ dậy để bé khỏi bị tè dầm, bạn cũng nên hạn chế mang bỉm cho bé, dù thuận tiện nhưng lại khiến bé “đi tè” tự nhiên không có ý thức, sẽ không tốt cho bé sau này, đồng thời bỉm khiến “vùng kín” của bé bị ẩm ướt, nóng nực không tốt, dễ gây viêm nhiễm vùng kín.
7. Tạo thói quen cho bé đi ngủ và thức dậy đúng giờ
Không nên cho bé ngủ thoải mái lúc nào muốn thì dậy vì nó sẽ ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học cơ thể của bé, đi ngủ và thức dậy đúng giờ sẽ giúp cho những hoạt động cơ thể của bé đi vào ổn định, “có giờ giấc” và góp phần nâng cao sức khỏe của bé ngay từ nhỏ. Vì thế hãy tạo cho bé thói quen ngủ đúng giờ giấc, tới giờ thì phải đi ngủ, và gọi trẻ dậy vào giờ nhất định mỗi ngày.
8. Để trẻ tự giác tập làm việc cá nhân
Trẻ 2 tuổi luôn có ý muốn làm giỏi những việc của mình: rửa tay, buộc dây giày, cài cúc áo. Ba mẹ sẽ cảm thấy thật mất thời gian khi thay vì chỉ mất 1 phút giúp con đi giày thì bây giờ phải mất 10 phút khi con yêu cầu để con tự đi. Tuy nhiên, những việc này dù có mất thời gian cũng phải để trẻ tự làm. Ba mẹ hãy cố gắng giành nhiều thời gian, chịu khó dạy trẻ 2 tuổi cách làm để trẻ có học được những thói quen tốt từ sớm, vì đây có thể nói là giai đoạn “vàng” hình thành nên tính cách của trẻ sau này.
9. Tránh ăn kem quá nhiều
Kem là món ăn mà các bé rất thích nhưng bé không được ăn quá nhiều kem vì nó sẽ khiến niêm mạc dạ dày và huyết quản của bé thu lại làm giảm dịch vị từ đó làm giảm ham muốn ăn uống, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hư men răng của bé. Bố mẹ không nên chiều con mà hãy tập cho bé thói quen ăn kem với một liều lượng vừa phải, có chừng mực nhé.
10. Dạy trẻ biết tiết kiệm
Yêu cầu trẻ tiết kiệm ít nhất 25% tiền tiêu vặt hoặc bất cứ khoản tiền nào mà các bé nhận được. Thói quen tiết kiệm có thể giúp đứa trẻ trở thành một người độc lập về tài chính, biết tiêu tiền một cách cẩn thận trong tương lai.
Theo : thethaovanhoa