Nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng các triệu phú tự thân có xu hướng thực hành một số thói quen khác biệt hoặc thể hiện một cách rõ nét những đặc điểm nhất định giúp họ xây dựng sự giàu có. Điều dễ nhận thấy là họ làm mọi thứ khác với mọi người.
Các triệu phú tự lập phân bổ thời gian và năng lượng khác với đa số chúng ta, họ tập trung nhiều hơn vào việc phát triển cá nhân, suy nghĩ, các lĩnh vực đầu tư và công việc. Họ cũng thể hiện mức độ cao của các đặc điểm như sống giản dị, có khả năng đứng lên sau thất bại, có lương tâm và sự kiên trì.
Mặc dù những người không phải là triệu phú cũng có thể có những đặc điểm này, thì các triệu phú thường thể hiện chúng ở mức độ mạnh mẽ hơn và có tính kiên trì hơn.
1. Sống giản dị
Theo bà Sarah Stanley Fallaw, giám đốc nghiên cứu của Viện xã hội giàu có và là tác giả của cuốn sách “Triệu phú bên cạnh: Chiến lược lâu dài để xây dựng sự giàu có”, bà đã khảo sát hơn 600 triệu phú ở Mỹ và rút ra rằng một trong những nhân tố giúp các triệu phú xây dựng sự giàu có chính là lối sống giản dị, tiết kiệm.
Bà Fallaw cho biết nhiều triệu phú nhấn mạnh: “Nếu bạn chi tiêu vượt quá khả năng của mình, chi tiêu vào khoản tiết kiệm cho nghỉ hưu, chi tiêu thoải mái vì dự đoán tương lai mình sẽ trở nên giàu có, như thế bạn có thể trở thành nô lệ của tiền lương, thậm chí ngay cả khi bạn có mức thu nhập cao”.
2. Chi phí thấp cho nhà ở
Một ví dụ điển hình của sự đơn giản của các triệu phú họ là thường sống trong một ngôi nhà hoặc khu phố mà họ có thể dễ dàng mua được.
Bà Stanley Fallaw cho biết hầu hết các triệu phú trong nghiên cứu của bà chưa bao giờ mua một ngôi nhà có giá cao hơn gấp 3 lần thu nhập hàng năm của họ. Giá trị nhà trung bình cho các triệu phú trong nghiên cứu mới nhất của bà là 850.000 đô la (gấp 3,4 lần thu nhập hiện tại của họ), với giá mua ban đầu trung bình là 465.000 đô-la.
3. Tiết kiệm các khoản thu nhập
Sống thanh đạm và sống trong một ngôi nhà giá cả phải chăng cho phép các triệu phú tiết kiệm. Họ nhận ra rằng chỉ trông chờ vào thu nhập thì chưa đủ, họ phải tiết kiệm những gì họ đang kiếm được.
Ông John, người điều hành blog tài chính cá nhân ESI Money và đã nghỉ hưu ở tuổi 52 với giá trị tài sản 3 triệu đô-la, ông đã phỏng vấn 100 triệu phú trong vài năm qua và thấy rằng một triệu phú trung bình chi khoảng 90.000 đô-la/năm trong khi kiếm được khoảng 250.000 đô-la thu nhập/năm, họ tiết kiệm 64% khoảng thu nhập. Số tiền tiết kiệm cho phép họ tái đầu tư. John nhấn mạnh: Điều đáng nói là các triệu phú tiết kiệm một phần lớn thu nhập của mình. Nếu bạn kiếm được nhiều tiền và chi tiêu tất cả, bạn sẽ không còn gì vào cuối năm.
4. Không lập ngân sách
Nhiều triệu phú mà John phỏng vấn cho biết họ có thể tiết kiệm mà không cần ngân sách. Trong một bài đăng trên blog, John viết: “Mặc dù điều đó không được mong đợi, nhưng lý do các triệu phú không cần ngân sách là bởi họ kiếm được rất nhiều và có quyền tự chủ. Nói cách khác, họ kiếm được một tấn nhưng chỉ tiêu một phần trong số đó và còn dư rất nhiều. Ai cần ngân sách chứ?”
Ông nói thêm: “Ngân sách rất tốt cho các giai đoạn đầu của kế hoạch tài chính, nhưng nếu bạn có thể tăng thu nhập và phát triển kỷ luật tự giác đối với việc chi tiêu hợp lý, thì ngân sách không còn là vấn đề quan trọng đối với thành công của bạn sau này”.
5. Làm công việc yêu thích
Nhà nghiên cứu Fallaw cho rằng nhiều triệu phú thích làm thêm những việc ưa thích khác trong khi vẫn duy trì công việc chính của mình, bà nói: “Họ tạo thêm nhiều cơ hội để tạo doanh thu, họ có thể chuyển sở thích thành các hoạt động tạo ra thu nhập”. Ông John cũng nhận thấy các triệu phú phát triển nhiều nguồn thu nhập, cho phép họ tăng giá trị tài sản theo cấp số nhân.
6. Đầu tư vào bất động sản
Một kênh đầu tư ưa thích của các triệu phú là đầu tư vào bất động sản. John nhận định: “Đầu tư vào bất động sản dường như là một kết quả tự nhiên khi những điều cơ bản được đảm bảo và lượng tiền mặt dư thừa”.
Theo Dana Bull, một nhà đầu tư bất động sản, lợi thế tài chính của đầu tư vào bất động sản rất dồi dào: dòng tiền dương, giá trị nhà ở cao, đòn bẩy vốn cao và lợi thế về thuế.
7. Nghiên cứu và lập kế hoạch đầu tư
Bà Stanley Fallaw cho biết chiến lược đầu tư ưa thích của các triệu phú có thể được thúc đẩy bởi nghiên cứu của họ. Các nhà đầu tư triệu phú dành nhiều thời gian, trung bình khoảng 10,5 giờ mỗi tháng (nhiều hơn khoảng 2 giờ so với những người tích lũy tài sản dưới mức trung bình) để lập kế hoạch cho các khoản đầu tư.
Fallaw cho rằng: “Sự hiểu biết của họ trong các vấn đề tài chính sẽ giúp họ phán đoán tốt hơn về các rủi ro liên quan đến đầu tư. Việc chấp nhận rủi ro tài chính ở mức cao hơn giúp họ mở rộng tầm nhìn trong tương lai, vì vậy thời gian các triệu phú dành cho việc quản lý và nghiên cứu đầu tư giúp ích cho việc ra quyết định”.
8. Chú trọng phát triển cá nhân
Các triệu phú dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào sự phát triển cá nhân. Họ dành khoảng 5 tiếng rưỡi/ tuần để đọc sách và gần 6 tiếng/ tuần để tập thể dục, trong khi người Mỹ trung bình dành khoảng 2 tiếng/tuần và 2 tiếng rưỡi/tuần cho các hoạt động đó.
Bà Stanley Fallaw viết: Các cá nhân thành công nhận thức sâu sắc về cách họ sử dụng tài nguyên, bao gồm cả tài nguyên cảm xúc và nhận thức của mình.
Tương tự, Thomas C. Corley, tác giả của cuốn “Thay đổi thói quen của bạn, thay đổi cuộc sống của bạn” đã dành 5 năm để nghiên cứu thói quen hàng ngày của 177 triệu phú tự thân và thấy rằng họ dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục và đọc sách. Các triệu phú có xu hướng đọc ba loại sách: tiểu sử của những người thành công, sách tự giúp đỡ hoặc phát triển cá nhân, và sách lịch sử.
9. Ngủ ít hơn và làm việc nhiều hơn
Các triệu phú tận dụng tối đa thời gian của mình. Họ ngủ ít hơn khoảng 8 tiếng/ tuần và làm việc nhiều hơn khoảng 6 tiếng/ tuần so với người Mỹ trung bình, theo bà Stanley Fallaw cho biết.
Nhiều người thức dậy ít nhất 3 tiếng trước khi ngày làm việc của họ thực sự bắt đầu, đó là một chiến lược để đối phó với sự gián đoạn thường gặp phải hàng ngày. Theo phát hiện của tác giả Corley: “Thức dậy sớm để giải quyết ba điều hàng đầu bạn muốn hoàn thành trong ngày cho phép bạn lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống. Nó mang lại cho bạn cảm giác tự tin rằng bạn thực sự điều khiển cuộc sống của mình”.
10. Suy nghĩ nhiều hơn
Tác giả Corley cũng nhận thấy rằng các triệu phú tự thân là những nhà tư tưởng. Người giàu có xu hướng suy nghĩ độc lập vào buổi sáng và ít nhất 15 phút mỗi ngày. Ông nói: “Suy nghĩ là chìa khóa thành công của họ. Họ đã dành thời gian mỗi ngày để động não về vô số điều của bản thân”.
Họ tự hỏi những câu hỏi như: “Tôi có thể làm gì để kiếm nhiều tiền hơn? Công việc này có làm tôi hạnh phúc không? Tôi có tập thể dục đủ không? Những tổ chức từ thiện nào khác tôi có thể tham gia?”
11. Không chạy theo đám đông
Các triệu phú không theo đám đông, tác giả Corley cho biết: “Họ muốn tách mình khỏi đám đông, tạo nhóm của riêng mình và sau đó mời người khác tham gia”. Việc này giúp họ không thất bại trong việc tách bản thân khỏi đám đông, nhưng thay vì theo đám đông, họ tạo ra nhóm mới của riêng họ.
12. Yêu cầu phản hồi
Các triệu phú tìm kiếm phản hồi để giúp cải thiện bản thân, ông Corley cho biết: “Sợ bị chỉ trích là lý do chúng ta không tìm kiếm phản hồi từ người khác. Nhưng phản hồi là điều cần thiết để biết những gì đang hoạt động và những gì không hoạt động. Phản hồi giúp bạn nhận ra liệu bạn có đang đi đúng hướng hay không. Phản hồi dù tốt hay xấu, là một yếu tố quan trọng cho việc học hỏi và phát triển”.
Nó cho phép các triệu phú tự thay đổi và thử nghiệm với một loại hình kinh doanh mới. “Phản hồi cung cấp cho bạn thông tin cần thiết để thành công trong bất kỳ liên doanh nào”, ông Corley nhấn mạnh thêm.
13. Bền bỉ và kiên trì
Theo Stanley Fallaw, các triệu phú tự lập sử dụng đặc điểm của những người nghỉ hưu sớm và doanh nhân thành đạt sớm, đó là khả năng phục hồi và sự kiên trì để xây dựng sự giàu có.
Bà cho biết: “Để xây dựng sự giàu có, xây dựng doanh nghiệp của riêng mình, bỏ qua các nhà phê bình, truyền thông hoặc cả hàng xóm, bạn phải có quyết tâm tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình trước sự từ chối và nỗi đau. Các triệu phú và những người Mỹ thành công về kinh tế, họ là những người theo đuổi sự tự chủ, quyết định leo lên nấc thang của công ty hoặc cố gắng tạo ra một lối sống độc lập tài chính sớm bằng cách kiên trì tiến lên”.
14. Ưu tiên bốn mối quan hệ
Các triệu phú không thể xây dựng sự giàu có nếu không có sự giúp đỡ của người khác. Chris Hogan, tác giả của cuốn “Triệu phú hàng ngày: Những người bình thường xây dựng sự giàu có phi thường – và bạn cũng có thể làm được”, đã nghiên cứu 10.000 triệu phú Mỹ – những người có giá trị tài sản ròng ít nhất 1 triệu đô-la, trong bảy tháng và thấy họ đã đạt được số tài sản triệu đô với bốn mối quan hệ chính: một huấn luyện viên, một người cố vấn, một người cổ vũ và một người bạn.
Nhà nghiên cứu Corley cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một người cố vấn riêng: “Tìm một người cố vấn đưa bạn đi nhanh hơn trên con đường tích lũy tài sản”.
15. Thực hiện có mục tiêu
Tác giả Hogan cho rằng các triệu phú thường có trách nhiệm cá nhân, thực hành có chủ đích, hướng đến mục tiêu và làm việc chăm chỉ. Mặc dù đây có thể là những phẩm chất của nhiều người, nhưng những đặc điểm này không thể kết hợp với nhau nếu không có sự kiên trì, các triệu phú thường nhận ra và làm được điều này.
Hogan viết: “Bạn có thể chịu trách nhiệm, bạn có thể có chủ ý, bạn có thể đặt mục tiêu và bạn có thể làm việc chăm chỉ. Nhưng nếu bạn không làm những việc này nhiều lần, năm này qua năm khác, thập kỷ này qua thập kỷ khác, thì bạn sẽ không bao giờ có được kết quả như mong muốn. Các triệu phú có được kinh nghiệm rằng xây dựng sự giàu có là một kế hoạch dài hạn và họ thấy rằng việc bám sát kế hoạch trong nhiều thập kỷ sẽ dẫn đến thành công”.
16. Sống thiện lương
Nhà nghiên cứu Jude Miller Burke đã nghiên cứu 200 triệu phú tự thân trong 3 năm, thấy rằng họ có xu hướng sống thiện lương và thể hiện đặc điểm này ở cấp độ cao hơn những người ít thành công hơn.
Tương tự, theo bà Stanley Fallaw, hầu hết các đặc điểm và thói quen của các triệu phú đều có ý thức, có mối tương quan chặt chẽ với giá trị tinh thần đạt được: “Bất kể bạn bao nhiêu tuổi hoặc mức thu nhập bao nhiêu, bất kể bạn sống giản dị, có kế hoạch, trách nhiệm, thì mọi thứ phải gắn liền với sự thiện lương trong tâm hồn, điều đó rất quan trọng trong việc hướng đến thành công theo thời gian”.
Theo DKN