.
.

5 vấn đề gây tranh cãi trong “X-Men: Apocalypse”


Hoành tráng, mãn nhãn, nhưng “X-Men: Apocalypse” để lại cảm giác trống trải và thất vọng cho một số khán giả trung thành.

X-Men: Apocalypse thu về hơn 100 triệu USD sau ba ngày chiếu sớm tại các thị trường ngoài Mỹ. Tuy nhiên, bom tấn mới nhất về các dị nhân nhận danh hiệu “cà chua thối” trên Rotten Tomatoes – website phê bình phim chuyên nghiệp. Nhiều khán giả theo dõi loạt phim từ phần một cũng bày tỏ sự thất vọng sau khi suy nghĩ về những gì xảy ra trên màn ảnh. Điều này chắc chắn phải có lý do.

Cùng điểm danh 5 vấn đề không biết nên yêu hay nên ghét của X-Men: Apocalypse:

1. Tạo được nhiều khoảnh khắc xuất thần, nhưng quên mất câu chuyện cốt lõi

Quay trở lại 16 năm trước, X-Men (2000) được coi là tác phẩm điện ảnh hồi sinh thể loại phim siêu anh hùng. Đạo diễn Bryan Singer thay vì tập trung vào các màn hành động, các bối cảnh phim rộng lớn và tốn kém (dù X-Men vẫn ghi điểm ở khoản này), thì lại hướng khán giả tới sự giằng xé nội tâm và mâu thuẫn về quan điểm sống của các dị nhân trong thế giới loài người. Đối đầu với cả xã hội hay sống hòa thuận với họ? Giấu giếm về sự đột biến hay thừa nhận nó? Đứng bên bạn bè hay bảo vệ quan điểm cá nhân tới cùng?

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 1.

Giáo sư X và Magneto đại diện cho hai quan điểm đối lập của người đột biến

Điều này ghi điểm cho loạt phim X-Men. X2 (2003) và X-Men: First Class (2011) đều được tán dương bởi cân bằng yếu tố hành động kịch tính với vấn đề của bản thân nhân vật. X-Men: Days Of Future Past cũng vậy, sứ mệnh cứu tương lai ngàn cân treo sợi tóc có lúc lại dịu đi nhờ câu chuyện giữa Giáo sư Xavier (James McAvoy), Magneto (Michael Fassbender) và Mystique (Jennifer Lawrence).

Với X-Men: Apocalypse, dường như các phân cảnh xây dựng tâm lý nhân vật đã bị cắt bớt để nhường chỗ cho hành động mãn nhãn. Không có câu chuyện chính ẩn sau 147 phút phim. Khán giả xem hết cảnh này đến cảnh khác mà không thấy được sự phát triển nhân vật hợp lý. Người duy nhất có sự giằng xé trong tâm lý là Magento thì phân cảnh lại khá sơ sài, thể hiện theo kiểu cũ kỹ “ngửa mặt lên trời khóc”. Có vẻ bộ phim quan tâm trận chiến sẽ như thế nào hơn là vì sao họ phải đối đầu.

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 2.

Sự thức tỉnh của Apocalypse, màn chiến đấu của nhóm X-Men với Tứ kỵ sĩ hay trường đoạn giáo sư X và Jean Grey hợp lực đấu trí đều để lại ấn tượng thị giác sâu đậm cùng cảm xúc ngộp thở trong rạp. Tuy nhiên, thiếu vắng tính nhân văn và thông điệp xã hội khiến X-Men: Apocalypse không được coi là tác phẩm nổi bật của loạt phim dị nhân.

2. Các dị nhân trẻ không gây thất vọng, nhưng nhóm Tứ kỵ sỹ thì ngược lại

Nhờ sáng kiến du hành thời gian, loạt phim X-Men đưa các dị nhân được yêu quý trở lại màn ảnh trong một diện mạo trẻ trung, tươi mới. Khán giả tò mò xem Bryan Singer sẽ xây dựng Jean Grey, Cyclops, Nightcrawler, Storm, Psylocke… thời trẻ như thế nào.

Đa phần họ đều rất tuyệt vời! Jean Grey trở thành nút thắt quan trọng trong trận chiến, phân cảnh cô giải phóng sức mạnh Phoenix Force ở cuối phim ghi dấu ấn sâu sắc. Cyclops có nhiều điều để bàn luận hơn hẳn các phần phim trước, mối tình của anh và Jean bước đầu được hé lộ. Nightcrawler nổi bật với sự trong sáng, rụt rè và nhiều lần cứu nguy cho cả đội.

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 3.

Mối tình chớm nở giữa Cyclops và Jean Grey

Trái ngược với các dị nhân được đào tạo trong trường Xavier, Tứ kỵ sĩ do Apocalypse thu nhận ít nhiều gây thất vọng. Psylock và Angel được giới thiệu sơ sài, rất ít lời thoại, không có đất thể hiện cá tính riêng. Storm mở màn ấn tượng, nhưng cô gần như bị lãng quên cho tới tận cuối phim. Về động cơ khiến ba kỵ sĩ trẻ chấp nhận đứng chung hàng ngũ với tên ác nhân cổ xưa, khán giả không thấy rõ. Magneto được tập trung hơn cả, tuy nhiên, sự thay đổi trong tâm lý nhân vật khi về phe Apocalypse cũng như khi phản bội hắn lại không đủ thuyết phục.

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 4.

Apocalypse và nhóm Tứ kỵ sĩ

Thêm vào đó, nhiều khán giả bày tỏ băn khoăn vì sao Apocalypse lại chọn Psylocke và Angel một cách ngẫu nhiên đến vậy? Tứ kỵ sĩ gần như không phải chiến đấu, chỉ xuất hiện bên cạnh Apoclypse cho… đẹp đội hình. Đây là những lỗ hổng dễ nhận ra trong câu chuyện của X-Men: Apocalypse.

3. Quicksilver chinh phục khán giả, nhưng anh chẳng có gì mới cả

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 5.

Lấy bối cảnh năm 1983, tức 10 năm sau lần Quicksilver “trổ tài” cứu Magneto ra khỏi nhà tù, dị nhân tốc độ lại được dịp dụng võ khi xuất hiện đúng lúc trường Xavier phát nổ. Phân cảnh của anh kéo dài hơn lần trước và gây ấn tượng không kém. Nhiều khán giả về tới nhà phải bật ngay ca khúc Sweet Dreams của Eurythmics để hồi tưởng lại.

Tuy nhiên, đạo diễn Bryan Singer dường như không sáng tạo gì thêm cho Quicksilver. Màn vừa chạy đua vừa pha trò mất tới gần hai tháng quay phim của diễn viên Evan Peters lặp lại y xì phong cách X-Men: Days of Future Past. Có người còn chỉ trích tại sao lúc này anh đã 27 tuổi mà vẫn sống trong căn hầm của mẹ và không dám nói thẳng với Magneto rằng ông là cha của mình.

4. Oscar Isaac rất cố gắng, nhưng Apocalypse không được đánh giá cao

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 6.

Apocalypse được giới thiệu là “ông tổ của các dị nhân”, là người đột biến đầu tiên với nhiều siêu năng lực vượt trội. Sự thức tỉnh của một trong những ác nhân quyền lực nhất khiến người hâm mộ mong chờ các âm mưu hiểm ác hay cách mà Apocalypse tạo nút thắt cho phim.

Nam diễn viên Oscar Isaac được đánh giá cao khi vào vai Apocalypse. Chỉ hơi tiếc, nhân vật của anh khá “bề nổi” trong tính cách. Người ta vẫn luôn thắc mắc những siêu năng lực Apocalypse sở hữu cụ thể là gì, điểm mạnh và điểm yếu của chúng được phát huy tùy trường hợp ra sao? Nhưng họ không có câu trả lời thỏa đáng. Đó là chưa kể âm mưu thao túng thế giới, loại bỏ các công cụ, đưa vạn vật trở về thuở sơ khai để đón chờ sự tiến hóa mới lại không được hắn nhanh chóng ra tay. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, Apocalypse để việc chính cho Magneto, còn mình thì quay sang… thu phục siêu năng lực của giáo sư X – một thứ hắn chưa sở hữu.

Việc kết nạp các dị nhân trẻ làm thành Tứ kỵ sĩ thoạt đầu rất thú vị. Nhưng khi đội hình đông đủ, người ta không thấy Apocalypse “truyền cảm hứng” cho các cận thần về mục đích mà cả nhóm đứng bên nhau. Vì sao Storm, Angel và Psylocke muốn thế giới bị phá hủy? Chịu thôi!

5. Mystique, Giáo sư X và Magneto – chuyện cũ nhắc lại:

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 7.

Ba nhân vật trụ cột của X-Men có nhiều điểm mới để khai thác. Mystique trở thành thần tượng của các dị nhân trẻ học tập tại trường Xavier sau hành động hồi X-Men: Days of Future Past. Giáo sư X cuối cùng cũng mang mái đầu trọc huyền thoại, còn Magneto hé mở thêm một phần quá khứ khi cố hòa nhập với người bình thường và sống yên ấm bên gia đình nhỏ.

Mới nhưng chưa nới được cũ. Mystique vẫn dùng dằng giữa mối quan hệ với giáo sư X và Magneto. Có ý kiến cho rằng cô trở nên “Katniss Everdeen hóa”, nói nhiều hơn làm, theo phong cách “female champion” gần như bị áp đặt cho Jennifer Lawrence. Còn với hai người đàn ông thủ lĩnh, những cuộc hội thoại giữa giáo sư X và Magneto gần như lặp lại y hệt sáu bộ phim trước. Tất nhiên, đây là mâu thuẫn căn bản giữa họ và cũng là sự giằng xé đại diện cho hai quan điểm điển hình của người đột biến, nhưng khán giả đã phải nghe đi nghe lại quá nhiều.

5 vấn đề gây tranh cãi trong X-Men: Apocalypse - Ảnh 8.

Mystique vừa ra trận đã bị Apocalypse “tóm cổ”

Còn một nhân vật mới xuất hiện ở hầu hết các khoảnh khắc quan trọng của X-Men: Apocalypse – Moira McTaggert, đặc vụ CIA, tình cũ của giáo sư X. Nhưng vai trò của nhân vật này hoàn toàn mờ nhạt, khiến kịch bản của bộ phim lại bị trừ thêm một điểm.

Nếu không quá khắt khe và bận tâm tới 5 vấn đề kể trên thì X-Men: Apocalypse thật sự đáng để ra rạp. Bộ phim 234 triệu USD đã làm tốt phần xử lý kỹ xảo, biên đạo hành động, giữ được mức độ kịch tính dồn dập. Giống như một cô gái có vẻ ngoài hấp dẫn, khán giả hãy ngắm nghía nàng thỏa thích trước khi đánh giá nàng có phải người thông minh hay sâu sắc không!



Bài viết cùng chuyên mục