.
.

6 bước cải thiện kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp


Trong nhịp sống hối hả ngày nay, khi mà giao tiếp đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết thì dường như chúng ta lại dành ngày càng ít thời gian để thực sự lắng nghe nhau. Ai cũng cần được lắng nghe và cần biết kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp.

Vì sao kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp lại quan trọng?

Lắng nghe chính là một nghệ thuật cần được mài giũa, giúp xây dựng các mối quan hệ, giải quyết vấn đề, cải thiện hiệu quả giao tiếp, giải tỏa căng thẳng… Trong công việc thì khả năng lắng nghe lại càng quan trọng, là một trong những tiêu chí chủ chốt để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên, dù họ đang tuyển dụng nhân sự tiếng Nhật hay bất cứ ngôn ngữ nào khác.

Logo-1200-careerlink

Vậy làm sao để trở thành một người giỏi kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp? Hãy làm theo 6 bước sau đây nhé!

Nghe để hiểu, không phải chỉ để cho lịch sự

Ai trong số chúng ta cũng đã từng ngồi xuống lắng nghe chỉ vì phép lịch sự tối thiểu, vì lòng tốt chứ không thực sự muốn nghe. Mục đích của việc lắng nghe phải là mong muốn được thấu hiểu thuần túy nội dung câu chuyện, chứ không phải vì bạn chỉ muốn hào phóng bỏ ra một chút thời gian. Nhiều người thậm chí chỉ chờ đợi để xen vào, thay đổi chủ đề hoặc đưa ra quan điểm của họ. Một cuộc đối thoại thực sự không thể diễn ra khi chúng ta giả vờ lắng nghe, câu được câu không và chắc chắn càng không thể diễn ra nếu chúng ta không lắng nghe tí nào. Để đạt được kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp, hãy cố gắng tập trung vào những gì đối phương nói và chấn chỉnh lại ngay lập tức khi sự chú ý của bạn bắt đầu chạy lung tung. Nếu bạn khép lại một cuộc hội thoại mà không biết được thông tin gì mới, bạn đã không thực sự lắng nghe.

Diễn đạt, tóm tắt lại những gì vừa nghe được

Lắng nghe và ghi nhớ nội dung được nói trong một khoảng thời gian dài là một việc không hề dễ dàng. Kỹ thuật rất đơn giản để khắc phục điều này là chọn những điểm chính trong câu chuyện. Sau khi họ nói xong, hãy đề cập đến những điểm mấu chốt mà bạn nghe được và nhờ họ làm rõ bất cứ điều gì chưa hiểu. Ví dụ, nếu cô bạn đồng nghiệp của bạn đã than vãn về khó khăn nơi công sở được quá 5 phút, bạn có thể kết lại rằng: “Nói chung là cậu đang cảm thấy rất A, vì sếp cậu không B, và cậu mong rằng C?” Trong những cuộc hội thoại dẫn đến thỏa thuận về nghĩa vụ hoặc hoạt động trong tương lai, việc tóm tắt lại sẽ không chỉ chứng minh với đối tác rằng bạn đã lắng nghe, mà còn bảo đảm bạn nắm được những thông tin chính xác.

Không chen ngang

Khi bạn bắt đầu nghĩ nên trả lời thế nào khi đối phương còn chưa nói xong, bạn sẽ bỏ lỡ thông tin cũng như trạng thái cảm xúc của người nói. Chúng ta luôn dạy con trẻ rằng nói leo, ngắt lời là không lịch sự, nhưng lại quên mất rằng người lớn không phải lúc nào cũng làm tốt điều đó. Khi có điều không hiểu cần được giải đáp, thay vì ngay lập tức “nhảy vào miệng” đối phương, hãy đợi tới lúc họ nói xong. Đây là điều đặc biệt quan trọng để cải thiện kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp

Đối diện người nói và duy trì giao tiếp bằng mắt

Chắc chắn khi nói chuyện với một người cứ ngó nghiêng, không tập trung sẽ khiến bạn có cảm giác không được tôn trọng phải không? Ngược lại, việc nhìn chằm chằm, không chớp mắt cũng có thể làm không khí nói chuyện không được thoải mái. Trong suốt cuộc nói chuyện, hãy cố gắng duy trì giao tiếp bằng mắt thường xuyên, kết hợp với những hành động bày tỏ sự quan tâm của bạn như gật đầu hay những cụm từ như “Vậy sao?”, “Rồi thế nào nữa?”.

Chú ý cả nét mặt và cử chỉ người nói

Những yếu tố như nét mặt, giọng điệu, hành động của người nói cũng có thể mang lại cho chúng ta nhiều thông tin hữu ích. Mặt đối mặt với một người, bạn có thể phát hiện ra sự nhiệt tình, buồn chán hoặc cáu kỉnh rất nhanh thông qua ánh mắt, ngữ điệu, tư thế… Nhăn mặt, bĩu môi, cau mày, buông thỏng vai, cười nhạt, nói nhanh nói chậm, giọng nghèn nghẹn… là vô số những dấu hiệu không cần phải được nói ra thành lời để được hiểu. Chú ý tới những điều này sẽ giúp bạn phán đoán tâm trạng của người nói và biết cách lắng nghe họ hơn.

Hạn chế những đánh giá cá nhân

Cuối cùng, đừng “cầm đèn chạy trước ô tô”, tức là đừng suy xét mọi chuyện trong đầu mình trước khi nghe xong câu chuyện. Hãy nhớ rằng người nói đang sử dụng trải nghiệm, ngôn ngữ và cảm xúc riêng của họ. Bạn không biết những suy nghĩ và cảm xúc đó là gì và cách duy nhất bạn tìm ra chúng là lắng nghe. Đừng vội đánh giá câu chuyện của họ hay vội vàng đi đến kết luận trong đầu. Hãy đặt bản thân vào những cảm xúc của họ, cố gắng đồng cảm với những gì họ cảm nhận và đợi tới lượt mình nói để đưa ra những ý kiến mang tính đóng góp.

Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp đóng vai trò vô cùng quan trọng cả trong công việc và đời sống hàng ngày. Với các chia sẻ trên đây, hi vọng bạn sẽ sớm trở thành những người giỏi lắng nghe thực thụ!

 



Bài viết cùng chuyên mục