.
.

8 sự kiện chấn động thế giới năm 2015


Thế giới năm 2015 đầy biến động với hàng loạt sự kiện chấn động như tấn công khủng bố liên hoàn đẫm máu ở Paris; Nga tham chiến tại Syria; khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, Biển Đông dậy sóng vì các hoạt động bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc…
1. Tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris

Đêm 13.11.2015, Paris rung chuyển bởi  các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại nhiều địa điểm như ở nhà hát Bataclan, sân vận động quốc gia Stade de France, nhà hàng Le Petit Cambodge và Le Carillon, quán café La Belle Equipe…

Các tay súng và những kẻ đánh bom tự sát đã “tắm máu” thủ đô nước Pháp, cướp đi sinh mạng của tổng cộng 130 người vô tội và làm hàng trăm người khác bị thương. Tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm dàn dựng và thực hiện các vụ tấn công.

8 su kien chan dong the gioi nam 2015 hinh anh 1

Một người đàn ông áo dính đầy máu, may mắn sống sót sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris đêm 13.11

Theo BBC, vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris đêm 13.11.2015 được xem là “vụ 11.9.2001” của Pháp. Hãng tin này bình luận, nếu vụ tấn công khủng bố đánh sập Tòa Tháp đôi ở New York ngày 11.9.2001 đã làm thay đổi nước Mỹ và nền chính trị thế giới nói chung, thì có thể nói rằng, vụ khủng bố liên hoàn ở Paris đêm 13.11 cũng có tác động tương tự lên nước Pháp cũng như nhiều quan hệ quốc tế khác.

Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Pháp François Hollande ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước và ra lệnh đóng cửa biên giới để ngăn những kẻ khủng bố chạy trốn. Ông Hollande còn kêu gọi kiểm soát chặt chẽ biên giới giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước ngoài EU và giữa các nước EU với nhau để ngăn chặn làn sóng các chiến binh thánh chiến trà trộn vào dòng người tị nạn xâm nhập vào Lục Địa già.

Đặc biệt, sau khi tuyên chiến với IS, Tổng thống Pháp cũng đi tiên phong trong việc kêu gọi liên minh phương Tây trong đó có Mỹ, Anh hợp tác với Nga để tiêu diệt tổ chức khủng bố này. Sau vụ tấn công Paris, dễ nhận thấy, không chỉ Pháp mà Mỹ và Anh cũng tỏ thái độ muốn bỏ qua bất đồng, hiềm khích để bắt tay hợp tác với Nga chống IS.

2. Nga phát động chiến dịch chống IS tại Syria

Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự chống IS và các nhóm khủng bố khác ở Syria kể từ ngày 30.9, sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ chính thức từ chính phủ Syria. Tính đến đầu tháng 12, quân đội Nga đã tiến hành khoảng 4.000 cuộc không kích, tấn công và tiêu diệt khoảng 8.000 mục tiêu khủng bố ở Syria.

8 su kien chan dong the gioi nam 2015 hinh anh 2

Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch chống IS và các nhóm khủng bố khác ở Syria từ cuối tháng 9.

Động thái can thiệp quân sự vào Syria của Nga được đánh giá là rất đúng thời điểm, khi chiến dịch không kích IS của liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu ở Syria (và cả Iraq) tỏ ra kém hiệu quả, IS vẫn lớn mạnh thêm và không ngừng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả thế giới.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria được nhận định là có hiệu quả rõ rệt, là cách ông Putin gửi thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây rằng, Nga nắm giữ “quyền lực” đặc biệt quan trọng tại “đấu trường” Trung Đông cũng như trong nền chính trị thế giới.

Giới lãnh đạo phương Tây cuối năm 2015 không còn tẩy chay, cô lập Nga, mà tỏ ra sốt sắng “nói chuyện” với Tổng thống Putin, thể hiện thái độ muốn dẹp bất đồng, hiềm khích để “bắt tay” hợp tác với Moscow trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như nhiều vấn đề toàn cầu khác.

Tuy nhiên, Nga cũng chịu mất mát lớn khi một máy bay chở khách bị rơi ở sa mạc Sinai, Ai Cập, khiến 224 người thiệt mạng ngày 31.10. Vụ việc có thể là một đòn trả đũa của IS sau khi Nga tham chiến tại Syria. Nga cũng thông báo đây là một vụ khủng bố.

3. Khủng hoảng nhập cư làm chao đảo châu Âu

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ngày 22.12 cho biết có hơn 1 triệu người di cư và tị nạn từ các khu vực chiến sự và nghèo đói như Trung Đông, châu Phi đã đến châu Âu trong năm 2015. Trong số đó, hơn 970.000 người chọn tuyến đường biển nguy hiểm vượt qua Địa Trung Hải, còn khoảng 34.000 người khác chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria và Hy Lạp.

Số phận bi thảm của người tị nạn đã được phản ánh chân thực và trần trụi trong bức ảnh thi thể bé trai tị nạn người Syria 3 tuổi Aylan Kurdi bị chết đuối, dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9. Sau bức ảnh này, các nước châu Âu không thể thờ ơ với tình cảnh của người nhập cư được nữa.

8 su kien chan dong the gioi nam 2015 hinh anh 3

Bức ảnh bé trai tị nạn Syria chết đuối, dạt vào bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2.9 khiến cả thế giới xót thương.

Tuy nhiên, dòng người tị nạn ùa vào châu Âu quá đông dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại nhiều nước. Một số quốc gia như Ý, Hy Lạp chưa bao giờ lại “ngập lụt” bởi dòng người nhập cư như hiện nay.

Cho đến nay, các thành viên EU vẫn bất đồng và chia rẽ sâu sắc trong chính sách đối với người tị nạn và người di cư, nên cuộc khủng hoảng nhập cư tại Lục Địa già vẫn chưa tìm được lối thoát, thậm chí có nguy cơ đẩy liên minh đến bờ vực tan rã, theo lời Thủ tướng Áo Werner Faymann.

4. Biển Đông dậy sóng vì Trung Quốc bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo phi pháp

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 8, Lầu Năm góc (Mỹ) báo động việc Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.

Bản báo cáo có tựa đề “Chiến lược An ninh Biển châu Á-Thái Bình Dương” của Lầu Năm góc nêu rõ, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, bồi đắp trái phép hơn 1.170 hecta đất đá trên trên một chuỗi đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, tăng gần 50% so với hồi tháng 5 vừa qua.

8 su kien chan dong the gioi nam 2015 hinh anh 4

 Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang nạo hút cát tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Động thái trên được cho là nhằm giúp của Trung Quốc củng cố yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông đồng thời gia tăng ảnh hưởng của nước này trong toàn bộ khu vực khi Bắc Kinh có thể sử dụng các đảo nhân tạo để phục vụ cho các mục đích quân sự. Bắc Kinh đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines…

Washington cũng nhiều lần tuyên bố không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép. Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Mỹ đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường cùng máy bay ném bom chiến lược B-52 đi qua khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.

5. Thông qua TPP – “Hiệp định thương mại của thế kỷ 21”

Ngày 5.10, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài nhiều năm cuối cùng cũng chính thức kết thúc. Các bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, sau gần 6 năm ròng rã đàm phán.

Được đánh giá là thỏa thuận thương mại quan trọng nhất thế giới trong hai thập kỷ qua, TPP hứa hẹn sẽ tự do hóa thương mại và đầu tư giữa 12 nền kinh tế thành viên, vốn đóng góp tới 40% GDP toàn cầu, 30% kim ngạch xuất khẩu và 25% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu.

8 su kien chan dong the gioi nam 2015 hinh anh 5

Hiệp định TPP đã được 12 nước thành viên thông qua ngày 5.10.2015.

Mỹ xem TPP là “hiệp định thương mại của thế kỷ 21”, mang đến cơ hội thúc đẩy thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Obama đang thực thi chính sách “xoay trục” về khu vực này. Là một thành viên của TPP, Việt Nam được cho là sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này về cả mặt kinh tế lẫn chính trị.

Về mặt kinh tế, TPP có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP, xuất khẩu, và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Trong khi đó, về mặt chính trị, hiệp định sẽ giúp Việt Nam cải thiện vị thế chiến lược của mình, đặc biệt là trong tương quan với Trung Quốc trên Biển Đông, dù tác động như vậy sẽ không diễn ra tức thì.

6. Thông qua thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu 

Một thỏa thuận quốc tế chưa từng có nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đã được đại diện 195 quốc gia thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 21 của Liên Hợp Quốc (COP21) ở thủ đô Paris, nước Pháp đêm 12.12.

Thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2020, giúp nền kinh tế thế giới hướng tới mô hình thải khí các-bon thấp bằng cách loại bỏ dần các năng lượng hóa thạch (than đá, dầu lửa, khí đốt) hiện đang thống trị trên toàn cầu, để chuyển sang năng lượng tái tạo.

Việc thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được coi là bước đột phá trong nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái Đất tăng lên.

7. Đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 14.7, Iran và 6 cường quốc hạt nhân trên thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm hạn chế các chương trình phát triển hạt nhân tham vọng của Tehran sau những nỗ lực đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ qua.

8 su kien chan dong the gioi nam 2015 hinh anh 6

Đại diện Iran và 6 cường quốc hoan hỉ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Theo thỏa thuận, Iran phải cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, xuống còn khoảng 6.000 máy và loại bỏ 98% lượng uranium đã làm giàu. Đổi lại, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc sẽ gỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Iran trong thời gian qua.

Nhà Trắng (Mỹ) tuyên bố, thỏa thuận mới sẽ ngăn chặn “mọi con đường tiến tới sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran”. Trong khi đó, Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh, đây là một chiến thắng dành cho Iran. Ngoài ra, đa số các quốc gia trên thế giới đều lên tiếng hoan nghênh và đưa ra những bình luận tích cực về thỏa thuận này.

8. Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 Nga

8 su kien chan dong the gioi nam 2015 hinh anh 7

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lún sâu vào cuộc “chiến tranh ngôn từ” sau vụ Su-24 bị bắn hạ.

Ngày 24.11, Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến đấu cơ F-16 bắn hạ máy bay ném bom Su-24 đang tham gia chiến dịch chống IS của Nga tại Syria với cáo buộc Su-24 xâm phạm không phận nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, một thành viên của NATO bắn rơi máy bay Nga, chọc giận Moscow.

Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố, Su-24 bị bắn hạ khi đang bay trong không phận Syria. Vụ máy bay Su-24 Nga bị bắn hạ tại Syria không chỉ hủy hoại quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ mà còn làm gia tăng căng thẳng Nga –  NATO khi Moscow cáo buộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cố tình bênh vực một cách mù quáng cho hành động sai lầm của Ankara.

Để trả đũa việc Su-24 Nga bị bắn hạ, Tổng thống Vladimir Putin sau đó đã ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, theo đó cấm các nhà tuyển dụng Nga thuê lao động Thổ Nhĩ Kỳ, cấm nhập khẩu một số loại mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ chế độ miễn thị thực cho các du khách nước này…

Theo Dân Việt 



Bài viết cùng chuyên mục