.
.

Thách thức cho lao động Việt


Bắt đầu từ năm 2018, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong khối ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho lao động Việt Nam

Theo thỏa thuận về lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển trong nội khối gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, y tá và cán bộ hộ sinh, trắc địa viên và các nghề liên quan đến du lịch.

Công nghệ thông tin là thế mạnh của Việt Nam

Số liệu thống kê năm 2013 cho thấy tổng số lao động di chuyển trong nội bộ các nước ASEAN là 6,5 triệu lao động. Trong ASEAN, có 3 quốc gia là điểm đến chính của lao động nhập cư gồm Malaysia, Singapore và Thái Lan. Tại Malaysia, 42,6% lao động nhập cư từ Indonesia. Tại Singapore, 45% lao động nhập cư là từ Malaysia. Tại Thái Lan, 50,8% lao động nhập cư là từ Myanmar.

Với dân số chỉ đứng sau Indonesia trong AEC, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn trong cuộc di chuyển lao động nội khối này. Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394.900 người so với năm 2016. Đây là nhóm tuổi tiềm năng có khả năng tiếp thu được tri thức, kỹ năng mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động ở Việt Nam. Ông Nguyễn Thái Anh Đức, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, bày tỏ: “Việt Nam có thế mạnh lớn nhất là ngành công nghệ thông tin (CNTT). Hiện nay, CNTT của chúng ta phát triển tương đối tốt so với các nước trong khu vực, do đó lao động trong lĩnh vực này khi ra nước ngoài hoàn toàn có thể cạnh tranh được. Hiện lao động ở khu vực kỹ thuật của một số nước như Singapore, Malaysia đang bị thiếu và đây là cơ hội cho lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam có tay nghề cao ở một số ngành nghề như: CNTT, dệt may, giày da, chế biến thực phẩm, một số ngành cơ khí… nhưng năng suất lại chưa cao có thể sẽ là rào cản”. Theo các chuyên gia, lao động trẻ khu vực thành thị của Việt Nam rất năng động nên không khó để họ có thể di chuyển đến các nước có sức hấp dẫn hơn cả về công việc và thu nhập để làm việc.

Thách thức cho lao động Việt - Ảnh 1.

Lao động Việt Nam có ưu thế ở lĩnh vực công nghệ thông tin Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bạn Hoàng Đặng Vũ, hiện làm việc cho một tập đoàn lớn của Singapore ở vị trí lập trình viên cao cấp, cho rằng các bạn trẻ đang đứng trước nhiều lựa chọn để phát triển nghề nghiệp ngay những nước bên cạnh chứ không nhất thiết phải đi xa hơn. Tốt nghiệp chuyên ngành CNTT tại Việt Nam, Vũ chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập tại Malaysia cho vị trí lập trình mảng game. Sau 6 tháng thực tập, Vũ tiếp tục ứng tuyển vào vị trí nhân viên lập trình của Tập đoàn Sea LTD và đã trúng tuyển. Môi trường làm việc chuyên nghiệp, cấu trúc hoạt động chặt chẽ và chế độ lương thưởng khá cao nên Vũ khá hài lòng. “Sắp tới tôi sẽ được điều động sang Indonesia làm việc và rất hứng thú với môi trường mới. Các bạn trẻ Việt Nam nếu muốn sang các nước trong khu vực làm việc thì nên đầu tư tiếng Anh thật kỹ và trang bị thêm các kỹ năng mềm khác” – Vũ chia sẻ.

Năng suất lao động kém Lào

Đại diện Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), ông Nguyễn Quang Việt, cho biết thỏa thuận dịch chuyển lao động trong AEC chủ yếu dành cho lao động có kỹ năng cao, hành nghề chuyên nghiệp. Đây chính là rào cản lớn cho lao động Việt Nam vốn không được đánh giá cao.

Theo ông Việt, mặc dù AEC đã đi vào hoạt động được 2 năm nhưng vẫn còn nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, tiếp nhận của xã hội, tôn giáo, kỹ năng sống đối với lao động di cư. Hơn nữa, sự khác biệt về cơ chế đào tạo, trình độ; quản lý, đánh giá, cấp văn bằng chứng chỉ của mỗi quốc gia vẫn có sự khác nhau. Việc xây dựng niềm tin để công nhận trình độ, kỹ năng của lao động mỗi quốc gia cũng là cả một vấn đề lớn. Nguồn lao động Việt Nam trong khu vực được đánh giá là kém cạnh tranh trong năng suất lao động, kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, thậm chí thấp hơn cả Lào. Tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Về chất lượng nguồn nhân lực, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng (Thái Lan đạt 4,94 điểm, còn Malaysia 5,59 điểm).

Như vậy, lao động Việt phải cạnh tranh với các lao động chất lượng cao ở một số nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan trong khu vực. Mặt khác, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao.

Sẽ có khung trình độ quốc gia theo chuẩn quốc tế

Để giải quyết những hạn chế về nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng kế hoạch thực hiện “Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020”. Các giải pháp trong đề án này tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới…

Đề án này sẽ đưa ra giải pháp triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN đã được phê duyệt, thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ, thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo các lĩnh vực trong 8 lĩnh vực nghề nghiệp đã được ASEAN thỏa thuận.

Theo Giang Nam/NLD



Bài viết cùng chuyên mục