Cuộc sống giống như đồng tiền xu. Mặt trái chính là chúng ta cần phải chấp nhận mất mát, học cách buông bỏ. Thế giới này không bao giờ hoàn hảo, cuộc sống luôn có những thiếu hụt. Nếu con không có một quá khứ tiếc nuối thì khó có thể kết nối được với cuộc sống hiện tại. Với mỗi cuộc đời, không hoàn hảo chính là sự tồn tại khách quan, không cần phải ca thán quá nhiều làm gì.
Mất chính là được
Một bác nông dân ở vùng sâu vùng xa vì hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống rất vất vả nên đã đi khắp nơi để tìm cách làm giàu.
Một hôm, ở nơi đất khách quê người bác nông dân được một thương gia tặng cho món quà rất đặc biệt – hạt giống táo. Trong ánh nắng lấp lánh buổi ban mai, những hạt giống táo trông rất đỗi bình thường. Nhưng theo lời thương gia thì đây không phải hạt giống tầm thường, mà là hạt giống của một loại táo rất đặc biệt. Gieo hạt lên đất chỉ hai năm sau thôi cây sẽ cho rất nhiều quả. Táo chín hái ra chợ bán sẽ kiếm được nhiều tiền.
Bác nông dân mừng lắm, cẩn thận cất những hạt giống vào túi. Nhưng trong lòng thì vẫn nghĩ ngợi, quả táo bán được giá như thế liệu có ai lấy trộm không nhỉ? Chính vì vậy, sau khi trở về quê nhà bác nông dân đã chọn một mảnh đất hoang vắng để trồng loại táo quý giá này.
Sau hai năm chăm chỉ trồng trọt, chăm bón, từ những hạt giống nhỏ đã mọc lên những cây táo to và ra rất nhiều quả. Đúng là bõ công chăm nom! Bác nông dân vui mừng khôn xiết.
Cuối cùng cũng đến ngày thu hoạch, một sáng nọ bác nông dân vui mừng dậy từ rất sớm để đi hái táo.
Khi leo lên đỉnh núi mờ sương, ông giật thót mình, cả vườn cây đầy táo nay đã bị chim chóc, muông thú ăn hết sạch chỉ còn lại toàn hạt.
Nghĩ đến quãng thời gian làm lụng và ước muốn đổi đời, bác nông dân tuyệt vọng quá, khóc tu tu.
Giấc mộng kiếm tiền của bác nông dân nghèo phút chốc tan thành mây khói. Từ đây cuộc sống của ông vẫn vất vả như xưa.
Rồi đến một ngày, bác nông dân vô tình đặt chân đến khu vườn táo trên đỉnh núi hồi nào. Bác ngẩn người vì trước mắt là rừng táo rộng mênh mông, sai đầy những quả.
Những cây táo này là của ai nhỉ? Bác ngơ ngác mãi và rồi cũng tìm ra câu trả lời cho chính mình. Vườn táo này chính là của mình mấy năm trước. Mấy năm rồi chim chóc, muông thú ăn táo xong nhả lại hạt. Những cây táo lại mọc lên và trở thành một rừng táo rậm rạp. Nếu hồi đó chim thú không ăn táo thì chắc chắn ngày hôm nay không có rừng táo này.
Giờ đây bác nông dân không phải lo về cơm áo gạo tiền cho cuộc sống thường ngày nữa. Cả rừng táo này đã đủ cho bác có cuộc sống no đủ.
Con yêu, con hãy nhớ rằng trong cuộc sống, cánh cửa này bị đóng lại thì chắc chắn sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mất đi thứ này con sẽ được thứ khác. Con cần phải có thái độ lạc quan, tin rằng có mất thì sẽ có được. Con cần phải biết cho đi, nhìn nhận đúng đắn về cái mình đã mất, mất đi thì mới có. Nhiều khi mất chính là được.
Con người không có ai hoàn hảo
Con yêu, người thông minh giỏi giang đến mấy thì cũng có thiếu sót, kẻ dại dù dại đến mấy thì cũng có ưu điểm. Con cần phải biết đánh giá con người một cách thẳng thắn, chính diện, đừng nhìn khuyết điểm bằng lăng kính phóng đại. Trong cuộc sống chúng ta cần phải nghiêm khắc với bản thân nhưng phải khoan dung với mọi người. Đừng quan sát mọi người bằng con mắt của chủ nghĩa hoàn hảo, hãy bao dung với những khuyết điểm của họ.
Người theo chủ nghĩa hoàn hảo là người tự phụ, nhưng sâu thẳm trong lòng lại rất tự ti. Vì họ ít khi nhìn thấy ưu điểm, chỉ luôn để ý đến khuyết điểm. Nếu không biết hài lòng với những gì mình có, không khẳng định được mình thì không có cơ hội để có được lòng tự tin. Không biết đủ sẽ không biết vui vẻ, đau khổ sẽ mãi ở bên con, những người xung quanh con cũng không hạnh phúc. Con hãy nhớ rằng, con người không ai hoàn hảo cả, chấp nhận sự thiếu sót của mình và mọi người sẽ làm cho cuộc sống của con thanh thản hơn nhiều.
Con người ai ai cũng có khuyết điểm và thiếu sót, nhưng là một con người độc lập, lạc quan con cần tin là mình có nhiều ưu điểm hơn thiếu sót, mình cần tô điểm thế giới này bằng những ưu điểm ấy.
Đa số mọi người hay than thân trách phận là vì những thiếu sót của mình, từ đó họ đánh mất sự tự tin và sẽ thành người tự ti. Con người không ai hoàn hảo, ngọc còn có tì vết huống là con người. Lẽ nào cứ có khuyết điểm là phải sống trong đau khổ, là phải âm thầm chịu đựng, không dám mơ đến thành công. Cuộc sống đâu phải vậy. Con chỉ cần đừng quá chú ý đến khuyết điểm của con thì nó sẽ không là trở ngại với con. Con hãy cải biến những khuyết điểm ấy để tạo nên giá trị riêng của con.
Đừng hận mình vì không hoàn hảo. Bạn bè con cũng không có ai hoàn hảo cả. Những người giả vờ hoàn hảo thực ra là họ đang đùa với hạnh phúc của chính mình. Bởi vậy, con hãy chấp nhận chính bản thân mình, sống thật tự tại.
Buông bỏ là để có sự lựa chọn tốt hơn
Con yêu, đôi khi chấp nhận buông bỏ là để có sự lựa chọn tốt hơn. Giữa cái được cái mất, thứ con có được sẽ quý giá hơn nhiều so với cái mà con đã mất đi. Câu chuyện thành công của vị tổng giám đốc hãng đồng hồ Seiko là một điển hình.
Hãng đồng hồ Nhật Bản nổi tiếng thế giới Seiko được thành lập vào năm 1881. Sản lượng tiêu thụ chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới trong thời gian dài. Hãng đồng hồ này có được thành công như ngày hôm nay hoàn toàn nhờ sự quyết định của tổng giám đốc Tadashi Hattori. Ông đã biết buông bỏ khi cần thiết.
Năm 1945, ông được chọn làm tổng giám đốc của Seiko. Thời điểm ấy đất nước Nhật Bản vẫn còn đầy thương tích vì vừa trải qua chiến tranh thế giới thứ II. Lúc đó, Thụy Sĩ không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nên đồng hồ của đất nước này chiếm ưu thế trên thị trường thế giới. Còn Seiko lâm vào khủng hoảng trầm trọng.
Trong bối cảnh ấy, tổng giám đốc Tadashi Hattori đề ra chiến lược “không dừng bước, không nôn nóng” bắt đầu tập trung vào chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với đồng hồ Thụy Sĩ. Hơn 10 năm trôi qua, Seiko đã dành được những thành công vang dội. Nhưng dù Seiko có chú ý đến chất lượng thế nào vẫn không thể sánh kịp tiêu chuẩn chất lượng của đồng hồ Thụy Sĩ.
Phải làm sao đây? Tiếp tục chú trọng chất lượng hay tìm cách khác? Ông suy nghĩ rất nhiều, muốn vượt qua chất lượng của đồng hồ Thụy Sĩ là điều không thể. Vì thế, ông quyết định buông bỏ chiến lược chất lượng để tìm một hướng đi mới, khai thác những sản phẩm mới.
Sau vài năm cố gắng, ông và đội ngũ nhân viên của mình đã nghiên cứu thành công đồng hồ điện tử. So với đồng hồ cơ, đồng hồ điện tử chạy rất chuẩn chỉ sai số 15 giây trong khi đồng hồ cơ là 100 giây.
Năm 1970, đồng hồ điện tử được tung ra thị trường và đã làm chấn động cả thị trường quốc tế.
Sau khi đồng hồ điện tử đứng vững trên thị trường, ông đã mua lại một hãng đồng hồ của Thụy Sĩ và cho ra thị trường loại đồng hồ cao cấp nạm vàng và kim cương và nó trở thành biểu trưng cho hàng hóa chất lượng cao.
Hiện nay mọi người đã quen với tâm lý hiển thị chỉ thích khoe khoang, chỉ nói đến những điều tốt đẹp, mà quên đi phân tích một cách lý trí về những khó khăn, lựa chọn và biết buông bỏ. Suy cho cùng, buông bỏ chính là trí tuệ chiến lược. Học cách buông bỏ là cách để con học cách giành được.
Với những người thích tận hưởng cuộc sống đơn giản và vui vẻ thì họ mới biết được lúc nào nên tiến lúc nào nên lùi và biết cân nhắc thiệt hơn. Cuộc sống luôn có hai mặt. Một mặt nó khiến ta lưu luyến món quà của cuộc sống, mặt khác nó lại bắt chúng ta phải bỏ qua món quà này. Sống ở trên đời con hãy nhớ, lúc cần giữ thì cố gắng hết mình, lúc cần buông thì hãy nhẹ buông con nhé!