Đại học RMIT Việt Nam và Robert Bosch Engineering and Business Solutions Việt Nam (Bosch) vừa ký Biên bản ghi nhớ đẩy mạnh hợp tác đôi bên.
Theo thỏa thuận được ký vào ngày 9/1 tại cơ sở Nam Sài Gòn của RMIT Việt Nam, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực gồm học tập theo phương thức kết hợp kinh nghiệm thực tiễn (WIL), tài trợ, học bổng, nghiên cứu, cũng như chương trình thực tập và quản trị viên tập sự. Đại diện của Bosch cũng sẽ tham gia vào Ban cố vấn doanh nghiệp Khoa Khoa học và Công nghệ RMIT Việt Nam để tư vấn cho khoa xây dựng chương trình học phù hợp.
Ông Baskaran Rakkiappan, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam – doanh nghiệp hàng đầu toàn cầu trong cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ, cho biết việc hợp tác với trường đại học danh tiếng như Đại học RMIT là cột mốc quan trọng đối với Bosch.
“Nhu cầu hợp tác giữa các ngành nghề và giới học thuật là rất rõ nét”, ông Rakkiappan chia sẻ. “Bosch có thể làm nhiều việc như hỗ trợ tuyển dụng, thực tập, hợp tác làm dự án, bồi dưỡng tài năng cho ngành kỹ thuật và công nghệ thông tin, và ngay cả lĩnh vực quản trị như nhân sự, phát triển lãnh đạo”.
Ông Rakkiappan bổ sung thêm rằng, việc hợp tác với RMIT Việt Nam sẽ giúp Bosch đóng góp vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang nổi ở Việt Nam và đóng góp cho cộng đồng.
Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng RMIT Việt Nam, cho biết bà rất phấn khởi với thỏa thuận này và ghi nhận những đóng góp của Bosch dành cho trường, trong đó có việc tham gia vào chương trình City Challenge (Thử thách kiến tạo thành phố) kéo dài hai ngày do trường tổ chức gần đây. Chương trình đã thu hút được hơn 400 sinh viên, chuyên gia trong ngành và cố vấn từ khắp thế giới đến thảo luận về đổi mới sáng tạo cho TP. Hồ Chí Minh.
Giáo sư McDonald ghi nhận rằng, sẽ có nhiều lĩnh vực đôi bên có thể hợp tác. “Lĩnh vực hợp tác dễ thấy nhất là mảng kỹ thuật, song thực ra còn nhiều mảng khác nữa, vì các vị sẽ cần nhân viên thiết kế, kinh doanh và nhân sự”, Giáo sư nói. “Chúng tôi có sinh viên tài năng trong nhiều mảng khác nhau sẽ hợp với tổ chức của quý vị”.
Giáo sư McDonald tin rằng trường đã và đang trang bị những kỹ năng cần thiết để sinh viên RMIT Việt Nam có thể phát triển tốt trong những tổ chức như Bosch, nhờ đội ngũ giảng viên tận tụy, chương trình học và giáo trình thường xuyên được cập nhật, đánh giá học tập từ dự án thực tế, cũng như các chương trình rèn luyện kỹ năng mềm như chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân.
“Hơn hẳn việc có được tấm bằng, chúng tôi muốn sinh viên RMIT Việt Nam thể hiện thật tốt. Chúng tôi muốn các em trở thành những người giao tiếp tốt, là thành viên thật sự của bất kỳ tổ chức nào mà các em vào làm việc”, Giáo sư khẳng định.
Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng RMIT Vietnam và Ông Baskaran Rakkiappan, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ vào ngày 9/1 tại Đại học RMIT Việt Nam, cơ sở Nam Sài Gòn.
Theo Biên bản ghi nhớ, Bosch sẽ hợp tác với RMIT trong các môn học theo phương thức học tập kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, theo đó Bosch sẽ đóng vai trò là một khách hàng thật sự với vấn đề thực còn sinh viên RMIT Việt Nam sẽ giúp giải quyết những vấn đề đó. Bosch cũng tạo điều kiện cho sinh viên RMIT tham quan doanh nghiệp, tài trợ trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc dạy và học trong phòng thực hành kỹ thuật, tạo cơ hội thực tập và tham gia chương trình quản trị viên tập sự, hỗ trợ sinh viên làm dự án cuối khóa, tổ chức các buổi trò chuyện và hội thảo, trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu với cán bộ giảng viên RMIT, và tham gia vào Ban cố vấn doanh nghiệp Khoa Khoa học và Công nghệ RMIT Việt Nam.
Lisa/starpressvn.net