.
.

Nghe nhạc cản trở hiệu suất sáng tạo của não?


Nghe nhạc khi làm việc không những không thúc đẩy khả năng sáng tạo, mà còn khiến não thêm trì trệ.

Nhiều người trong chúng ta có thói quen nghe nhạc trong khi làm việc, và nghĩ rằng âm nhạc sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo. Nhưng nghiên cứu của trường đại học Lancaster (Anh) mới đây lại chỉ ra một điều ngược lại: nghe nhạc khi làm việc chỉ khiến não thêm trì trệ.

Nghe nhạc cản trở hiệu suất sáng tạo của não? - 1

Các nhà nghiên cứu đến từ trường đại học Lancaster kết luận rằng, nghe nhạc lúc làm việc thực ra không có lợi cho trí thông minh của não.

Từ trước đến nay, người ta luôn quan niệm âm nhạc có tác động ý nghĩa đối với não bởi nó kích hoạt cảm xúc, tác động tích cực tới các khu vực của não bộ và thậm chí còn được chứng minh là cải thiện khả năng chơi thể thao. Thậm chí, một nghiên cứu tiến hành vào năm 2015 còn chỉ ra rằng, nghe các bài hát của rapper người Mỹ Eminem còn giúp các vận động viên bơi lội bơi nhanh hơn 10% so với thông thường.

Tuy nhiên, phần não sử dụng cho sự sáng tạo lại là một phần khác nên câu chuyện ở đây cũng tiến triển theo một hướng hoàn toàn ngược lại.

Nghiên cứu của trường đại học Lancaster đã được công bố rộng rãi trên tạp chí Applied Cognitive Psychology.

Để đưa ra kết luận này các nhà khoa học đã mời nhiều tình nguyện viên sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Các tình nguyện viên này cũng không chịu sự tổn thương nào liên quan đến thính lực và thị lực.

Sau đó, họ sẽ tham gia 3 thử nghiệm. Tại đây, họ được giao một loạt các nhiệm vụ chủ yếu được sử dụng để đánh giá khả năng sáng tạo ngôn ngữ, chẳng hạn như một người sẽ được giao cho 3 từ gồm stick (cái gậy), maker (người sáng tạo) và point (chỉ chỏ), sau đó được yêu cầu tìm từ nối(match).

Trong mỗi thử nghiệm, người tham gia được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của mình trong môi trường yên tĩnh và sau đó là môi trường có tiếng nhạc hoặc môi trường xung quanh nhiều tiếng ồn.

Trong thử nghiệm đầu tiên, các tình nguyện viên phải hoàn thành nhiệm vụ của mình khi nghe những bài hát mà họ chẳng hiểu lời của nó là gì. Cụ thể, ngôn ngữ mẹ đẻ của họ là tiếng Anh nhưng họ lại được cho nghe một ca khúc bằng tiếng Tây Ban Nha khi hoàn thành nhiệm vụ 1.

Trong thử nghiệm thứ 2, người tham gia được nghe 1 ca khúc không lời,nhưng lại là một giai điệu quen thuộc mà họ có thể hiểu. Còn thử nghiệm cuối cùng, các tình nguyện viên phải thích nghi với điều kiện ồn ào trong thư viện với vô vàn âm thanh lộn xộn như những bài diễn văn văng vẳng từ nơi xa tới, âm thanh khó chịu của máy photocopy, tiếng gõ bàn phím hay tiếng giở sách vở sột soạt.

Nhóm nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng,khả năng sáng tạo của các tình nguyện viên giảm đáng kể khi nghe nhạc ở cả 3 phần nhiệm vụ khi so với lúc họ được phép hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường yên tĩnh. Ngay cả những tình nguyện viên tuyên bố rằng, âm nhạc, nhìn chung cải thiện tâm trạng của họ, thì tới phần nhiệm vụ thứ 3, âm nhạc vẫn làm giảm sự sáng tạo của họ.

Nghe nhạc cản trở hiệu suất sáng tạo của não? - 2

Các nhà nghiên cứu tin rằng, chính những thay đổi ở quãng trưởng và cao độ âm thanh của âm nhạc có thể quấy rầy phần trí nhớ làm việc lời nói (verbal working memory).

Theo các nhà nghiên cứu, các giai điệu âm nhạc dù có lời hay không có lời vẫn được đặc trưng bởi những thay đổi ở quãng trưởng và cao độ của âm thanh. Do đó, họ tin rằng, chính những thay đổi này có thể gây cản trở, thậm chí là gián đoạn hoạt động của não bộ bởi chúng quấy rầy phần trí nhớ làm việc lời nói (verbal working memory). Đây là vùng trí nhớ đảm nhiệmkhả năng giữ, chuyển dịch, và chỉnh sửa từ ngữ trong trí nhớ, có liên quan đến trí nhớ ngắn hạn.

Trong khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra âm nhạc gây bất lợi cho khả năng sáng tạo của não bộ,thì điều kiện ồn ào ở thư viện lại không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động này.

Cùng lúc, không có sự khác biệt quá lớn trong việc thể hiện các nhiệm vụ liên quan tới ngôn ngữ của não bộ giữa các điều kiện ồn ào trong thư viện và môi trường yên tĩnh. Các nhà nghiên cứu cho biết, lí do nằm ở chỗ, sự ồn ào trong thư viện là môi trường ổn định, nên không gây nên sự phá vỡ, cản trở.

Giáo sư Neil McLatchie, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã tìm ra bằng chứng xác đáng về tình trạng trì trệ của não do phải hoạt động trong môi trường âm nhạc khi so sánh với các môi trường yên tĩnh còn lại”.

“Tóm lại, kết quả của chúng tôi ở đây thách thức quan điểm phổ biến rằng, âm nhạc thúc đẩy sự sáng tạo. Và  thay vào đó, chúng tôi chứng minh được rằng, âm nhạc (kể cả có sự hiện diện của nội dung ngữ nghĩa gồm: không lời, lời quen thuộc hay lời không quen thuộc), thì vẫn cản trở hiệu suất sáng tạo của não trong giải quyết vấn đề”,giáo sư McLatchie cho biết thêm.

Âm thanh ảnh hưởng đến hiệu suất công việc như thế nào là chủ đề nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trong hơn 40 năm qua,và được quan sát qua một hiện tượng gọi là hiệu ứng âm thanh không liên quan. Về cơ bản, hiệu ứng này có nghĩa là hiệu suất kém hơn khi một nhiệm vụ được thực hiện với sự hiện diện của âm thanh nền (âm thanh không liên quan mà bạn bỏ qua), so với sự yên tĩnh.

Theo Hoài Thanh (Đ.H Lancaster)


Related articles
Bài viết cùng chuyên mục