.
.

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở TP.HCM: Trao gửi những giọt yêu thương


Khắc khoải trước hình ảnh bà mẹ trẻ dù mất đi đứa con vừa chào đời nhưng vẫn đều đặn hiến sữa nuôi dưỡng những em bé sinh non “khác máu”, ý tưởng về ngân hàng sữa mẹ đã được ấp ủ và hình thành.

Đây không chỉ là chia sẻ nguồn sữa ngọt lành mà cao cả hơn là chia sẻ tình yêu thương, giúp những trẻ sinh non thêm cơ hội sống…

4 năm “nuôi” ý tưởng

Ngày 10-4, Ngân hàng sữa mẹ thuộc Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ chính thức đi vào hoạt động. Đây là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của khu vực phía Nam, là thành quả đầy tính nhân văn giữa sự kết hợp khoa học và tình yêu thương.

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở TP.HCM: Trao gửi những giọt yêu thương - 1

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại khu vực miền Nam được chính thức đưa vào hoạt động. Ảnh: L.N.

Nhớ lại ngày khi tham quan Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng (Đơn vị đầu tiên thực hiện ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam), BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nhớ lại những bà mẹ trẻ dù mất đi đứa con thân yêu ngay khi chào đời nhưng hằng ngày, họ vẫn đều đặn đến hiến tặng dòng sữa non mát lành cho ngân hàng sữa. Hình ảnh đó để lại một ấn tượng sâu sắc, khắc khoải trong lòng ông. Từ đó ông đã ấp ủ cho sự ra đời ngân hàng sữa mẹ cho bệnh viện sản của TP.HCM.

Bắt đầu có ý tưởng từ năm 2014, nhưng quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn với nhiều thách thức từ thủ tục hành chính đến kiến thức chuyên môn, thao tác vận hành, công tác vận động nguồn sữa hiến tặng hay chương trình tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ tại cộng đồng. Một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn sữa hiến tặng, làm sao đảm bảo được số lượng và chất lượng của nguồn sữa hiến tạng là quan trọng nhất, các khâu xử lý, phân phối sữa đã được hoàn chỉnh.

“Với nhiều năm chuẩn bị, thực hiện, và quá trình tìm tòi, tìm hiểu các tiêu chuẩn đến nay những khó khăn đã vượt qua được, niềm vui mới thật sự vỡ òa… Có thể nói đó như một sự đơm hoa kết trái”, BS Thanh xúc động chia sẻ.

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở TP.HCM: Trao gửi những giọt yêu thương - 2

Quy trình tiếp nhận và xử lý sữa theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ảnh: L.N.

Cũng theo BS Thanh, trong tương lai, quá trình vận hành có thể phát sinh nhiều khó khăn mà chưa lường trước được, tuy nhiên bệnh viện sẽ tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện.

Nhiều kỳ vọng ở tương lai

Thống kê của Bênh viện Từ Dũ, trong số 70.000 ca sinh mỗi năm thì có từ 6.000 đến 7.000 trẻ sơ sinh non thiếu tháng với các bệnh lý đi kèm rất cần nguồn sữa mẹ. Đâu đó hằng ngày, vẫn có nhiều mẹ vì lo cho con không có nguồn sữa mẹ khi bản thân vì điều kiện bệnh lý không được phép cho con dùng sữa của mình, hay những bé sinh non tháng cần nguồn sữa mẹ dài hạn để đủ khỏe chiến đấu cùng bệnh tật…

Bất đắc dĩ, trẻ phải dùng sữa công thức và phải đối diện với nhiều nguy cơ. Chính vì vậy, ngân hàng sữa mẹ ra đời sẽ giải quyết được nhu cầu cấp bách này. Trước mắt sữa trong ngân hàng sữa mẹ sẽ được cung cấp cho trẻ sinh non của Bệnh viện Từ Dũ.

Về lâu dài, khi nguồn sữa hiến tặng dồi dào hơn, ngân hàng sẽ cung cấp sữa cho các bệnh viện sản nhi khác trên địa bàn như Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố…

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở TP.HCM: Trao gửi những giọt yêu thương - 3

Quy trình tiếp nhận và xử lý sữa theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ảnh: L.N.

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, trong thực tế có rất nhiều trẻ sơ sinh không được tiếp cận nguồn sữa mẹ với những lý do bất khả kháng như: mẹ qua đời, mẹ mắc các bệnh lý khác, mẹ không thể cho con bú… Do đó, ngân hàng sữa mẹ ra đời sẽ giúp cho số trẻ này được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng sữa mẹ, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý nguy hiểm. Bên cạnh đó, ngân hàng sữa mẹ cũng giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ trong cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chia sẻ thêm, ngoài nguồn sữa của các sản phụ trong bệnh viện, Ngân hàng sữa mẹ cần mở rộng thu gom sữa tại các gia đình, tại các công ty, xí nghiệp – nơi có hàng triệu người phụ nữ đang nuôi con nhỏ sẵn sàng chia sẻ những giọt sữa của mình.

“Về lâu dài, Bộ Y tế chủ trương không chỉ xây dựng 1-2 ngân hàng sữa mẹ mà tất cả các bệnh viện sản, nhi trên cả nước đều phải có ngân hàng sữa mẹ nhằm đảm bảo tất cả mọi trẻ sơ sinh đều được sử dụng sữa mẹ, vì sự phát triển và tương lai nòi giống của người Việt Nam”, ông Nguyễn Viết Tiến khẳng định.

Theo Khampha

 

 



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục