Bà Rachel Holthouse, Phó Giám đốc phát triển toàn cầu Học Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (đại học RMIT) và bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (NNQG), bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tặng quà lưu niệm cho bà Rachel Holthouse.
Ngày 16/4, Đại học RMIT và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (BQL Đề án NNQG) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác về giáo dục tại Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Tham dự Lễ ký kết còn có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, bà Rebecca Bryant- Quyền Đại sứ Australia tại Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ GD&ĐT, đại diện lãnh đạo, nhân viên các ban chức năng của Sứ quán Úc và đại học RMIT.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa BQL Đề án NNQG và RMIT, đồng thời nhất trí với các nội dung hợp tác trên. Ông tin rằng đây sẽ là mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin rất hữu ích đối với đề án NNQG.
Bà Rebecca Bryant, Quyền Đại sứ Australia tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi tham dự và chứng kiến lễ ký kết giữa hai trong số các đơn vị năng động nhất trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là mảng giảng dạy tiếng Anh.
Bà Rachel Holthouse (trái), Phó Giám đốc phát triển toàn cầu Học Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) và bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đã ký kết thỏa thuận hợp tác.
Trước đó, ngày 15/3/2018 tại Canberra Australia, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Australia đã ký kết thỏa thuận hợp tác về giáo dục và đào tạo nhằm mục đích tăng cường và thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, thực thi các hoạt động về giáo dục và đào tạo, nghiên cứu phát triển chuyên môn trên cơ sở cùng có lợi.
Để triển khai có hiệu quả thỏa thuận hợp tác đã ký kết, Ban quản lý Đề án NNQG (Bộ GD&ĐT) và đại học RMIT đã bàn thảo nội dung hợp tác và đi đến ký kết, nhằm ghi nhận sự hiểu biết giữa RMIT và BQL Đề án NNQG, qua đó RMIT và BQL Đề án NNQG có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn trên các phương diện như: Phối hợp triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia; Cùng phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để nâng cao trình độ ngoại ngữ và năng lực sư phạm của các giáo viên phổ thông và giảng viên đại học; Hợp tác nâng cao năng lực giảng dạy cụ thể là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa; Tư vấn phát triển, thiết kế nội dung số và nền tảng dạy và học kỹ thuật số; Tư vấn quốc gia về kiểm tra đánh giá trong giảng dạy ngoại ngữ; Thúc đẩy các hệ thống học trực tuyến nhằm tăng khả năng tiếp cận các công cụ học ngôn ngữ hiệu quả, tập trung vào kỹ năng nói và nghe hiểu; Trao đổi tài liệu học thuật cùng các thông tin khác, hỗ trợ quản lý và thực hiện tổng thể Đề án Ngoại ngữ Quốc gia…
RMIT và Bộ GD&ĐT mong muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn và có thể đi tới hợp tác trong các lĩnh vực đã thỏa thuận.
Lisa Thúy/starpressvn.net