.
.

Theo đuổi hạnh phúc: Tại sao nỗi đau giúp chúng ta cảm thấy vui thích


Nghiên cứu mới về nguyên do tại sao những trải nghiệm đau đớn làm tăng hạnh phúc của chúng ta

Quan điểm cho rằng chúng ta có thể đạt được hạnh phúc bằng cách tối đa hóa khoái lạc và loại bớt những đau đớn đều quá cảm tính và phổ biến. Tuy nhiên sự thật thì khác hẳn: Chỉ mình khoái lạc không thể khiến ta hạnh phúc.

Hãy xem trường hợp của Christina Onassis, con gái của ông trùm vận tải biển Aristotle Onassis. Cô ấy được thừa kế gia tài giàu có ngoài sức tưởng tượng và dành nó cho những thú vui xa hoa nhằm giảm bớt những chuyện khổ sở của cô. Cô qua đời ở tuổi 37, và cuốn tiểu sử của cô có tiêu đề gây ấn tượng mạnh All the Pain Money Can Buy (Tiền có thể mua mọi đau đớn)kể lại một cuộc đời hoang phí không thể tin nổi góp phần vào khổ đau của cô.

Aldous Huxley nhận ra khả năng mà khoái lạc bất tận thực sự có thể đưa đến những xã hội đen tối, sai lạc trong cuốn tiểu thuyết Brave New World (đã có bản dịch tiếng Việt) của ông năm 1932. Dù cái ý tưởng về khoái lạc bất tận có vẻ hấp dẫn, nhưng thực tế lại thường rất khác.

Chúng ta cần đau đớn để mang đến một sự tương phản cho khoái lạc; nếu thiếu nó, cuộc đời sẽ trở nên buồn tẻ, nhàm chán và hoàn toàn không tốt lành. Giống như một người mê socola trong một cửa hàng socola, chúng ta sẽ sớm quên đi điều gì khiến cho những ham muốn của chúng ta là đáng thèm muốn từ đầu đến giờ.

Bằng chứng nổi bật cho thấy đau đớn trên thực tế giúp tăng cường niềm vui và hạnh phúc mà chúng ta có được từ cuộc sống. Như tôi và các đồng nghiệp gần đây đã tóm tắt trong tạp chí Personality and Social Psychology Review, nỗi đau thúc đẩy niềm vui và giúp chúng ta kết nối với thế giới xung quanh mình.

Đau đớn làm nên lạc thú

Một ví dụ tuyệt vời về cách mà đau đớn có thể tăng cường khoái lạc là trải nghiệm thường được gọi là hưng cảm khi chạy “the runner’s high” (trạng thái hưng phấn sau khi chạy liên tục trong một khoảng thời gian dài do chất endorphine tăng lên khi tập thể dục làm cho người chạy cảm thấy “high” như đang dùng cần sa). Sau khi vận động cơ thể ở cường độ cao, người chạy trải nghiệm một cảm giác hưng phấn có liên quan đến việc sản sinh ra chất opioids, một loại hóa chất thần kinh cũng được phóng thích khi cơ thể đau đớn.

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra trải nghiệm giảm đau không chỉ làm tăng cảm giác hạnh phúc của chúng ta mà còn giúp giảm đi những cảm giác buồn bã. Bản thân đau đớn có thể không phải là một trải nghiệm vui vẻ gì, nhưng nó làm nên lạc thú của chúng ta theo những phương cách mà một mình khoái lạc chẳng thể làm nên chuyện. Đau đớn cũng có thể khiến ta cảm thấy có lý do chính đáng để tự thưởng cho bản thân những trải nghiệm thú vị — hãy nghĩ xem có bao nhiêu người nuông chiều bản thân một chút sau khi đi tập gym.

Tôi và các đồng nghiệp đã kiểm tra khả năng này bằng cách yêu cầu người tham gia nắm tay trong một xô nước đá và sau đó cho họ lựa chọn nhận một gói kẹo Caramello Koala hoặc một cây bút dạ quang như một món quà.

Những người không phải chịu đau đã chọn bút dạ quang 74% các trường hợp. Còn những ai chịu đau thì chỉ có 40% trường hợp chọn bút dạ quang: Họ thường có xu hướng chọn kẹo socola. Dường như đau đớn có thể làm con người không cảm thấy tội lỗi khi ăn kẹo socola.

Nỗi đau kết nối chúng ta với thế giới 

Con người không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để làm sáng tỏ tâm trí họ và kết nối với những trải nghiệm trực tiếp của mình. Chỉ cần nghĩ đến sự phổ biến của các bài tập thiền chánh niệm, nhằm mục đích giúp chúng ta tiếp xúc được với trải nghiệm trực tiếp của ta về thế giới. Bởi vậy ta cũng có lý do chính đáng để tin rằng nỗi đau cũng cũng có thể hữu hiệu trong việc đạt được mục tiêu tương tự. Tại sao? Bởi vì đau đớn thu hút sự chú ý của chúng ta.

Hãy tưởng tượng thả một cuốn sách nặng xuống ngón chân của bạn khi đang trò chuyện với mọi người. Bạn sẽ kết thúc cuộc trò chuyện để chăm sóc cho ngón chân của mình chứ? Đau đớn kéo chúng ta về giây phút hiện tại, và sau cơn đau, chúng ta trở nên tỉnh giác hơn và hòa hợp hơn với môi trường cảm giác xung quanh ta— ít bị cuốn vào những suy tư của mình về chuyện ngày hôm qua hoặc ngày mai.

Tôi và các đồng nghiệp gần đây đã kiểm tra giả thuyết rằng liệu hiệu ứng đau đớn này còn có những lợi ích nào khác nữa hay không. Chúng tôi đã yêu cầu những người tham gia ăn một cái bánh quy socola Tim Tam sau khi nắm tay trong một xô nước lạnh trong khoảng thời gian càng lâu càng tốt. Chúng tôi phát hiện thấy những ai trải nghiệm đau đớn trước khi ăn bánh Tim Tam thì thích nó nhiều hơn những ai không phải chịu đau.

Trong hai nghiên cứu tiếp theo, chúng tôi đã chỉ ra cơn đau làm tăng cường độ của một loạt những hương vị khác nhau và làm giảm ngưỡng phát hiện ra các mùi vị khác nhau của con người. Một lý do tại sao con người yêu thích socola hơn sau khi kinh qua đau đớn là bởi vì nó thực sự ngon hơn — mùi vị họ cảm nhận mãnh liệt hơn và họ nhạy cảm hơn với nó.

Các phát hiện của chúng tôi làm sáng tỏ lý do tại sao đồ uống Gatorade có vị ngon hơn rất nhiều sau một cuộc chạy đường dài nhọc nhằn, tại sao một cốc bia lạnh lại tuyệt hơn sau một ngày lao động vất vả, và tại sao một cốc socola nóng khiến ta sung sướng sau một ngày lạnh buốt: Đau đớn theo nghĩa đen khiến chúng ta tiếp xúc với trải nghiệm giác quan tức thì về thế giới của ta, cho phép những khoái lạc có khả năng trở nên thú vị và mãnh liệt hơn.

Nỗi đau gắn kết chúng ta với người khác

Ai đã từng trải qua một thảm họa kinh khủng sẽ hiểu rằng những sự kiện đó mang con người xích lại gần nhau. Hãy xem 55000 tình nguyện viên giúp thu dọn đống hoang tàn sau trận lụt ở Brisbane năm 2011 hay tinh thần cộng đồng phát triển mạnh ở New York như lời đáp trả trước sự kiện 9/11.

Các nghi lễ đau đớn từng được sử dụng xuyên suốt lịch sử để tạo ra tinh thần hợp tác và gắn kết trong các nhóm người. Một nghiên cứu gần đây đã kiểm tra một nghi thức như vậy — kavadi ở Mauritius — phát hiện thấy những người tham gia nào đã trải qua đau đớn thì có xu hướng quyên góp tiền vì mục tiêu cộng đồng, cũng như những người chỉ đơn giản là quan sát buổi lễ. Trải nghiệm về nỗi đau, hoặc nhìn thấy người khác đang đau đớn, khiến con người trở nên hào phóng, rộng lượng hơn.

Dựa vào nghiên cứu này, tôi cùng các đồng nghiệp đã làm cho những người tham gia trải qua đau đớn trong nhóm. Qua 3 nghiên cứu, những người tham gia hoặc là ngâm tay vào nước lạnh và ngồi xổm càng lâu càng tốt, hoặc ăn ớt sống rất cay.

Chúng tôi so sánh những trải nghiệm này với trải nghiệm không-đau có kiểm soát và phát hiện đau đớn làm tăng sự hợp tác trong nhóm. Sau khi chia sẻ nỗi đau, mọi người cảm thấy gắn kết với nhau hơn và cũng hợp tác nhiều hơn trong một trò chơi kinh tế. Họ có nhiều khả năng chấp nhận gánh lấy những rủi ro cá nhân để mang lại lợi ích cho cả nhóm.

Một khía cạnh khác của nỗi đau

Đau đớn thường gắn liền với bệnh tật hoặc bị tổn thương. Thường thì chúng ta không hiểu rõ về đau đớn cho đến khi nó gắn liền với một vấn đề, và trong những trường hợp này, đau đớn có thể có một vài lợi ích. Tuy thế, chúng ta cũng trải nghiệm về đau đớn trong một số hoạt động lành mạnh và phổ biến.

Hãy xem xét về thử thách dội nước đá lên đầu gần đây nhằm nâng cao nhận thức về ALS (xơ cứng teo cơ một bên). Bằng việc bị giội nước đá lạnh lên người, chúng ta có thể dành sự hỗ trợ chưa từng có tiền lệ cho một mục tiêu cao đẹp.

Hiểu rằng đau đớn có thể mang lại nhiều kết quả tích cực không chỉ quan trọng để hiểu rõ hơn về cái đau mà còn giúp chúng ta quản lý cơn đau khi nó trở thành vấn đề. Xem cái đau như một điều tích cực, chứ không phải điều tiêu cực, làm tăng các phản ứng hóa chất thần kinh giúp chúng ta quản lý nó tốt hơn

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-other-side/201706/in-pursuit-happiness-why-pain-helps-us-feel-pleasure

 



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục