Bộ phim mang tên “Chau, Beyond the Lines” đã lọt vào danh sách 5 đề cử chính thức giải Oscar 2016 ở hạng mục phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất. Phim kể về Lê Minh Châu, chàng trai khuyết tật đầy nghị lực và hiện đang là chủ một phòng tranh ở Sài Gòn.
Hành trình vượt lên số phận của Lê Minh Châu, chàng trai 25 tuổi lớn lên tại Làng Hòa Bình (nơi chăm sóc những đứa trẻ bị chất độc da cam tại TP. HCM) đã được thể hiện suốt 34 phút trong phim “Chau, beyond the Lines”. Bộ phim kể về cuộc đời của chàng thanh niên duy nhất trong gia đình bị dị tật do thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam cách đây hơn bốn thập kỷ.
Tuy gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng Lê Minh Châu luôn mang trong mình ước mơ cháy bỏng sẽ trở thành họa sĩ và nhà thiết kế thời trang để đưa sản phẩm của mình ra với thế giới.
Poster chính thức của phim tài liệu “Chau, beyond the Lines”.
Do nữ đạo diễn Courtney Marsh người Mỹ thực hiện trong vòng 7 năm, bộ phim tài liệu chân thực này đã được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) trao đề cử Top 5 Phim tài liệu ngắn xuất sắc tại Oscar 2016 vào sáng ngày 14/1 vừa qua.
Ở một góc phòng, những chú hamster chạy lăng xăng trong lồng nhựa, dưới sàn nhà là chiếc iPad đang liên tục hiện lên những tin nhắn từ những người bạn của anh trên Facebook.
Châu hiện là chủ phòng tranh trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Đây cũng là nơi làm việc và nghỉ ngơi của anh.
Mỗi ngày, anh bắt đầu vẽ tranh từ chiều cho đến tối khuya, có khi là rạng sáng. Và ngủ bù cho đến trưa hôm sau.
Ở phòng tranh này, anh Châu có tất cả những thứ mình cần, vừa vặn và đủ đầy cho cuộc sống hiện tại. Mọi thứ mà anh Châu có đều do một tay anh sắm sửa từ tiền bán tranh, vẽ áo. Ngày anh rời làng Hòa Bình mang theo ước mơ trở thành họa sĩ và nhà thiết kế, rất nhiều người đã bảo anh nên dẹp mộng hoang đường, vì đôi tay anh vốn không được như người thường, sinh hoạt hằng ngày đã khó, huống hồ là vẽ tranh.
Vậy nhưng anh Châu chẳng để ý gì đến lời nói của mọi người, anh xem đó là động lực để mình phấn đấu nhiều hơn. Đôi chân teo tóp nên anh di chuyển bằng đầu gối, còn đôi tay yếu ớt không thể cầm nắm bút vẽ một cách chắc chắn, thì anh tập vẽ bằng miệng. Anh ngậm cọ vẽ, cúi đầu chấm một ít màu đã pha, rồi quệt những đường nét chuyên nghiệp lên khung tranh, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.
Dù dị tật nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ đam mê của mình. Ngậm cọ vẽ trong miệng, anh bắt đầu vẽ nên những bức tranh ấn tượng.
Anh đã tập vẽ như thế này từ năm 9 tuổi.
Lê Minh Châu kể rằng, năm 9 tuổi, trong một lần Làng Hòa Bình mời họa sĩ đến vẽ trang trí lên tường lớp học, anh đã ngồi nhìn người họa sĩ ấy cả buổi trời và đắm chìm trong những sắc màu, những đường nét xinh xắn đang dần hiện ra trên tường. Khoảnh khắc đó, anh biết mình cũng muốn vẽ, cũng muốn được tô những sắc màu lên bức tranh của riêng mình, vậy là anh bắt đầu học vẽ một cách chăm chỉ, dốc lòng dốc sức cho niềm đam mê cháy bỏng của mình.
“Có nhiều bạn cũng học như tôi, nhưng họ không theo lâu dài mà chỉ một thời gian thì lại nản, cuối cùng chỉ còn mình tôi nán lại với nghề. Tôi vẽ mọi lúc mọi nơi, đến giờ cũng thế, nửa đêm đang ngủ mà có ý tưởng vụt lóe lên, tôi lại bật dậy hí hoáy vẽ cho đến rạng sáng, rồi hôm sau lại ngủ li bì đến trưa. Mệt nhưng vui vì mình được sống với mơ ước bấy lâu nay, mơ ước mà đối với nhiều người là viễn vông, là không thực”, anh Châu cười, chia sẻ.
“Họ nói tôi không thể làm được, và tôi chứng minh được rằng, họ đã sai rồi”, anh Châu nói.
Anh có thể vẽ đa dạng phong cách, từ tranh phong cảnh, chân dung cho đến trừu tượng. Anh cũng có thể vẽ trên áo, thiết kế thời trang và vẽ body painting trên cơ thể người.
Anh Châu luôn tự mình làm mọi thứ, dù anh đi lại tưởng chừng như khó khăn, cầm nắm đồ đạc cũng khiến người khác có cảm giác không chắc chắn, nhưng anh không thích nhận sự giúp đỡ từ bất kỳ ai. Anh muốn tự cho hamster ăn, tự lấy ghế mời khách, tự ngồi lên xe lăn mua cho mình những bữa ăn trong ngày.
Thời gian rảnh, anh vẫn tự bắt xe ôm đi xem phim, ăn hàng, gặp gỡ bạn bè, đi ăn sushi – món ăn khoái khẩu của anh. Ngày trước anh còn tụ tập một nhóm bạn để chơi đá bóng. Anh kể: “Chúng tôi từng tập hợp một đội bóng những người khiếm khuyết, để thi đấu với một đội những người bình thường lành lặn, và hai đội thi đấu một cách công tâm, hết mình, không ai nhường nhịn ai. Tôi rất tiếc khi những tháng ngày đó không còn nữa vì bây giờ ai cũng bận rộn với công việc của họ”.
Đôi tay yếu ớt của anh chỉ có thể làm một số việc đơn giản hỗ trợ lúc anh vẽ.
“Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đã lớn lên ở Làng Hòa Bình từ nhỏ. Tôi biết mình có một gia đình để trở về, nhưng tôi vẫn muốn đi lên bằng những gì mình có”.
Anh Châu có thể nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Nhật. Ở phòng tranh đầu tiên mà anh mở tại quận 7, anh còn mở thêm một lớp học vẽ dành cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi từ mọi quốc tịch khác nhau. Tất cả các em sẽ được học vẽ trong một lớp học sử dụng ngôn ngữ giao tiếp bằng tiếng Anh.
Khi anh phải chuyển phòng tranh về nơi khác, lớp học cũng đã không được duy trì nhưng anh cho biết sẽ khai giảng lớp mới trong thời gian sắp tới, để ươm mầm những ước mơ cho mọi đứa trẻ yêu thích hội họa, như anh ngày trước.
Anh từng là một giáo viên dạy vẽ cho trẻ em nước ngoài.
Tranh của anh Lê Minh Châu không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà nhiều người ở Mỹ, Nhật, Pháp,… cũng đặt mua.
Những bức chân dung rất có hồn của chàng họa sĩ trẻ tài ba.
Những lúc nghỉ “giải lao”, anh tranh thủ lên Facebook để tán gẫu với bạn bè.
Top 5 Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất trong danh sách đề cử của Oscar lần thứ 88:
“Body Team 12”
“A Girl in the River: The Price of Forgiveness”
“Claude Lanzmann: Spectres of the Shoah”
“Chau, Beyond the Lines”
“Lasy Day of Freedom”
Trước khi đến với Oscar 2016, “Chau, Beyond the Lines” từng được vinh danh tại Liên hoan phim Austin 2015 và Liên hoan phim Mỹ 2015. Lễ trao giải Oscar 2016 sẽ diễn ra vào ngày 28/2 sắp tới.