.
.

Quán nhậu phải thay đổi để thích nghi Nghị định 100


Từ ngày 1-1-2020, khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia, không lái xe” chính thức được luật hóa.

Cụ thể, một trong những quy định quan trọng tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, thay vì quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu như trước đây.

Cùng với đó, mức xử phạt người vi phạm nồng độ cồn tăng cao theo Nghị định 100/2019 khiến người dân lo sợ và ý thức hơn khi sử dụng rượu, bia. Điều này khiến các nhà hàng, quán nhậu, đại lý bia… vắng vẻ.

Quán nhậu ế ẩm

Dọc các con đường Hoàng Sa, Trường Sa, Phạm Văn Đồng, Đồng Đen… lâu nay nổi tiếng với nhiều quán nhậu từ bình dân đến nhà hàng ẩm thực sang trọng, khách đến nườm nượp. Tuy nhiên, những ngày gần đây lượng khách thưa thớt dù đang là mùa cao điểm tiệc tùng cuối năm.

Anh Quốc Trung, một chủ quán trên đường Hoàng Sa (quận Phú Nhuận), cho biết một tuần nay lượng khách giảm hơn 60% so với trước khi có Nghị định 100. Số lượng bia bán ra cũng giảm đáng kể vì nhiều khách vào chỉ gọi nước ngọt, nước lọc hoặc một người uống bia, người còn lại thì không.

“Bình thường quán tôi bán được 10 két trong một tối thì  nay số lượng bia bán ra chỉ khoảng 3-4 két. Mặc dù quán tôi có bãi để xe cho khách gửi qua đêm nếu uống say nhưng mọi người vẫn chưa quen và có phần dè chừng” – anh Trung kể.

Anh NQT, chủ quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), cho hay hơn một tuần nay, lượng khách chỉ bằng khoảng 40% so với trước đây.

“Trước đây, khoảng 7 giờ tối, các bàn trong quán đã kín chỗ thì bây giờ, tới 10 giờ tối cũng chỉ lác đác vài khách. Nếu tình trạng ế ẩm này kéo dài, có lẽ tôi phải sang nhượng lại mặt bằng” – anh T. nói.

Đại lý bia méo mặt

Không chỉ chủ quán nhậu lo lắng mà các đại lý bia cũng giảm doanh thu. Ông Xuân Trường, chủ một đại lý bia ở quận Tân Bình, cho hay ở thời điểm này năm ngoái, ông đã bán ra trên dưới 700 két bia các loại cho đại lý cấp 2 và cửa hàng tạp hóa. Song từ đầu tháng 1-2020 tới nay, các đại lý chững lại, không nhập thêm hàng dù chỉ còn hơn một tuần nữa là tới tết.

Ông Trường nói: “Bia bán cho các nhà hàng, quán nhậu giảm rõ rệt nhất. Dù vậy, tôi vẫn hy vọng mấy ngày nữa khi người dân được nghỉ tết, nhu cầu tiêu thụ rượu, bia làm quà tặng hoặc mua về tiêu thụ trong tết sẽ tăng lên”.

Các đại lý bia nhỏ lẻ cũng than vì doanh thu giảm, cộng thêm chiết khấu sản phẩm khi nhập về đã ít, lại phải khuyến mãi bằng giá ưu đãi siêu thị để câu khách hàng. Chị Kim Phượng, một tiểu thương tại chợ dân sinh thuộc quận Thủ Đức, cho rằng mọi năm từ 15 âm lịch của tháng 12, rượu vang và các loại bia đã bắt đầu được tiêu thụ mạnh nhưng hiện nay, người dùng e ngại khiến doanh thu giảm thê thảm.

“Người dân sợ uống có nồng độ cồn là bị phạt, mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng thì ai dám uống” – chị Phượng nói.

Nhiều giải pháp… chống ế

Trước tình trạng ế khách, các chủ nhà hàng, quán nhậu, đại lý bia đã nghĩ ra nhiều chiêu để chống chọi. Điển hình như khuyến mãi, giảm giá, tặng quà, hỗ trợ di chuyển cho khách. Thậm chí một số nhà hàng, quán nhậu bắt đầu giảm nhân viên.

Đơn cử một nhà hàng trên đường Hoàng Việt (quận Tân Bình) căng băng rôn khuyến mãi tặng món ăn, thùng bia hoặc chai rượu vang khi có định mức hóa đơn đạt yêu cầu. Nhà hàng này còn hỗ trợ taxi miễn phí khi khách hàng ăn uống tại quán, nhưng lượng khách hàng vẫn không đông.

Tương tự, ông Hoàng Anh Tuấn, chủ nhà hàng Nhất Nướng tại quận Thủ Đức, cho biết đã tuyển chọn, huấn luyện đội ngũ nhân sự lái xe của khách hàng hoặc gọi xe ôm, Grab miễn phí để đưa khách hàng về tận nhà. “Chúng tôi luôn mong muốn khách hàng khi đến nhà hàng đã uống rượu, bia thì không lái xe. Qua đó đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, yên tâm thưởng thức cuộc vui” – ông Tuấn chia sẻ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế – tài chính, nhận định mặc dù Nghị định 100 tác động tích cực đối với xã hội, song cũng tác động không nhỏ đến doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rượu, bia cũng như các nhà cung cấp thực phẩm. Để thích nghi với tình hình mới, doanh nghiệp ngành rượu, bia phải tự thay đổi phương thức hoạt động như sản xuất vừa phải, không nên mở rộng nhà máy một cách ồ ạt và buôn bán một cách tự do như trước.

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, thì nhìn nhận Nghị định 100 “có nhiều đột phá khi tạo ra các giá trị tích cực nhiều hơn tiêu cực”. Đơn cử như nghị định đã tạo ra bước ngoặt trong nhận thức liên quan đến việc uống rượu, bia; giúp giảm bớt tai nạn giao thông và các hệ lụy của nó.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận rằng nghị định này cũng sẽ làm giảm bớt động lực tăng trưởng của ngành rượu, bia, khi ngành này đang đóng góp khá lớn cho ngân sách và tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. “Song điều này không có nghĩa là ngành này sẽ chết mà cần có sự thay đổi. Cụ thể, doanh nghiệp cần tăng cường sản xuất các loại sản phẩm rượu, bia không có cồn hoặc độ cồn rất thấp, đồng thời cũng có thể xem xét việc phát triển ngành nước uống khác gắn với nông sản, tiềm năng lợi thế của Việt Nam; tăng cường sản xuất sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, tiết giảm hoạt động rượu, bia chất lượng thấp” – ông Phong gợi ý.

Theo VNExpress



Bài viết cùng chuyên mục