1% những người giàu nhất hiện giàu hơn tài sản của tất cả những người còn lại trên thế giới gộp lại theo công bố mới của Oxfam International.
Trong báo cáo mới công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, Oxfam đã dẫn số liệu từ Credit Suisse Group AG trong tuyên bố cho rằng, một số người giàu có nhất đang kiểm soát gần như toàn bộ tài sản toàn thế giới trong năm 2015.
Số liệu đưa ra cho thấy, hiện có 62 cá nhân giàu có nhất đang nắm giữ lượng tài sản tương đương tài sản của 3,5 tỷ người trên Trái Đất. Tổ chức phi lợi nhuận giảm đói nghèo Oxfam cho biết, 2015 là năm chứng kiến giới siêu giàu của thế giới gia tăng giá trị tài sản “chóng mặt”. Năm 2010, tài sản của 388 tỷ phú mới bằng một nửa thế giới. Và top 1% người giàu nhất này đã đạt được sự phát triển phi mã, sớm hơn 1 năm so với dự đoán của Oxfam.
Oxfam công bố báo cáo hàng năm trước mỗi kỳ Diễn đàn Kinh tế thế giới ở thành phố Davos, Thụy Sỹ. Thống kê này được tổng hợp từ danh sách của tạp chí Forbes và tập đoàn tài chính Credit Suisse (Thụy Sĩ).
Báo cáo cũng cho biết, tài sản của hầu hết những người giàu đã tăng 44% kể từ năm 2010 lên mức 1,76 nghìn tỷ USD trong khi đó tài sản của một nửa số người nghèo nhất đã giảm 41% tức là hơn 1 nghìn tỷ USD.
Oxfam đã sử dụng những dữ liệu này để lập luận rằng, bất bình đẳng đang ngày một tăng lên, đe dọa tới sự mở rộng nền kinh tế và liên kết xã hội. Vấn đề này đang xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thống kê của Oxfam International. Ảnh: CNN
Khoảng cách thu nhập giữa người giàu nhất và nghèo nhất cũng ngày càng rộng. 20% người nghèo nhất thế giới sống dưới chuẩn nghèo đói chỉ có chưa đến 1,90 USD một ngày, trong khi đó giới giàu chiếm 10% dân số lại tận hưởng mức tăng thu nhập lên đến 46%
Winnie Byanima – Giám đốc Oxfam International nói: “Thật khó có thể chấp nhận việc một nửa số người nghèo trên thế giới không thể có tài sản lớn hơn 62 cá nhân giàu có nhất gộp lại. Mối lo ngại của các nhà lãnh đạo thế giới về khủng hoảng bất bình đẳng đang ngày càng leo thang vẫn chưa thể chuyển thành những hành động thiết thực”.
Một báo cáo khác được công bố năm ngoái của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, nghèo đói trên toàn thế giới đã giảm gần một nửa trong thập kỷ qua. Thế nhưng, 71% dân số thế giới vẫn sống ở mức nghèo hoặc thu nhập thấp với chỉ 10 USD thậm chí thấp hơn/ngày.
Pew cũng cho rằng tầng lớp trung lưu trên toàn cầu hứa hẹn sẽ phát triển hơn. Tuy nhiên, thực tế là, tầng lớp trung lưu toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm qua lên mức 13% vào năm 2011 nhưng vẫn chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng dân số toàn thế giới.
Một số biện pháp mà Oxfam đưa ra bao gồm trả lương cho công nhân ở mức đủ sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động; chấm dứt tình trạng trả công theo giới tính và tăng cường quyền thừa kế, đất đai cho phụ nữ; giảm thiểu sức mạnh của các tập đoàn lớn và các nhà vận động hành lang lên chính phủ; gỡ bỏ gánh nặng thuế đối với người lao động và tiêu dùg; sử dụng chi tiêu công để giải quyết vấn đề thiếu cân bằng.
Oxfam cũng kêu gọi chính phủ các nước nên tiến hành các biện pháp nhằm giảm sự phân biệt đối xử, ngăn chặn trốn thuế – những nơi ước tính giúp người giàu cất giấu tới 7,6 nghìn tỷ USD.
Kết quả khảo sát của Oxfam International thường gặp nhiều chỉ trích trong giới người giàu, tuy nhiên được chú ý nhiều ở Mỹ – nơi khoảng cách giàu nghèo là một trong những chủ đề chính của các cuộc tranh cử tổng thống, và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) vào cuối tuần này.
An Mai (Theo Bloomberg/ CNN)