Tết, là khi nó được nghỉ học và lon ton theo mẹ đến chợ từ sớm để hòa mình vào cảnh nhộn nhịp tất bật của chợ quê ngày tết…
Tết, là khi nó thấy người ta bày bán dưa hấu hai bên đường vào chợ để ước ao và mẹ nó luôn biến ước mơ của nó thành hiện thực vì kiểu gì thì mẹ nó cũng lo được việc nhà nó có dưa hấu ăn ngày tết.
Tết, là khi mẹ nó xẻ cá lóc làm khô cho khách và nó được ăn món bún khô nấu ruột cá lóc ngon thần sầu.
Tết, là khi chị em nó gom mùng mền, đệm gối xuống mé sông trước nhà để giặt. Cái mùng, cái mền ngày xưa may bằng thứ gì mà khi thấm nước nó nặng trời ơi luôn, phải 2-3 đứa mới vắt ráo được.
Tết, là khi nó lăng xăng phụ ngoại nhúm lửa chuẩn bị tráng bánh và thế nào cũng được ngoại cho mấy cái bánh ướt đầu tiên bị hư do chưa đều lửa…
Tết, là khi nó và mấy đứa em bà con được phân công phơi bánh phồng làm bằng khoai mì quết nước cốt dừa béo ngậy, “lỡ tay” phơi hư cái bánh thì bị rầy xíu mà được ăn… Ngon ơi là ngon!
Tết, là khi mẹ nó mua đâu đó về buồng chuối cơm (loại chuối có nhiều trái và rất rẻ) vội vàng ép, phơi vài nắng và ngào đường với gừng thơm lừng… tuổi thơ nó.
Tết, là khi nhà nó có nồi thịt kho rệu. Chị em nó thèm lem lẻm mà phải chờ sau khi cúng rước ông bà xong mới được ăn và ăn nhín nhín thôi vì sợ ăn hết là hết tết.
Tết, là khi mẹ nó cắt bộ đồ chị nó mặc không vừa nữa để sửa lại cho nó có bộ đồ… mới khoe với người ta.
Tết, là khi nó đi mua giấy báo (nó nhớ ngày xưa có báo Quân đội nhân dân, khổ lớn như bây giờ, in trắng đen), khuấy bột mì tinh làm hồ để dán lên tấm vách buồng làm bằng cây sậy đập dẹp ra, đan rất đẹp. Đến giờ nó cũng không hiểu sao phải lấy báo dán lên chi. Chắc đó là chút mong muốn che bớt… cái nghèo của chị em nó.
Tết, là khi nó và đám con nít trong xóm kéo nhau xuống sông, tắm rửa kỳ cọ thật kỹ bằng miếng xơ dừa rát rạt. Đứa nào cũng muốn mình sạch nhất nên chà muốn tróc da và tắm giống như cả năm không được tắm vậy.
Tết, là khi nhà nó có khạp gạo đầy. Mẹ nó nói để có 1 năm đủ đầy thì ngày đầu năm mọi thứ phải đầy. Thế nên hũ muối cũng là thứ ưu tiên đầy trong ngày tết nhà nó (chắc tại rẻ). Nó cũng thường được phân công xách nước đổ đầy các lu, khạp trong nhà khi tết.
Tết, là khi nó tiu nghỉu vì mẹ sai đem chục bánh tráng, đĩa chuối khô… cho mợ Tư, chị Bảy… Bởi với tuổi thơ nó thì các món đấy là tài sản. Vậy mà xíu sau đó, nó đã hớn hở vì được “lại quả” nải chuối, trái bầu…
Tết, là khi mẹ nó gom mấy chị em nó lại để cắt móng tay, móng chân. Sau này thì chị lớn thay mẹ làm cho em, rồi sau nữa nó vẫn làm cho con nó hằng năm.
Tết, là khi mẹ nó nấu nồi nước lá sả, lá bưởi để cả nhà tắm gội cho năm mới an lành, may mắn.
Tết, là khi trước giờ giao thừa, phải quét dọn lau chùi một lần nữa cho mọi thứ tinh tươm.
Tết, là khi theo lời mẹ dặn, trước giao thừa, nó đem cất cây chổi vào trong nhà dù bình thường cây chổi được máng ngoài hè. Đến giờ nó cũng không biết tại sao phải làm thế.
Chỉ mới mấy năm trước…
Tết, là khi nó “đại diện” con cái ở xa về quê với lỉnh kỉnh bánh mứt các anh chị gửi về cho mẹ…
Tết, là khi nó ngán ăn, mẹ nó nấu cho nồi canh rau, mướp với khô cá lóc ngọt ngất ngây.
Tết, là khi nó đưa mẹ đi siêu thị sắm đồ mới mà về mẹ cứ xếp cất để dành khiến nó nhăn nhó, cằn nhằn.
Tết, là khi nó mua đủ đầy hoa trái, mẹ nó vẫn lọ mọ đi chợ gần nhà và đem về hoa tàn, trái dạt… Nó không hiểu mẹ nó muốn chạm tay vào ký ức xưa, chạm vào cái thời một mình nuôi dạy bầy con nheo nhóc nên nó lại cằn nhằn…
Và giờ.
Tết, là khi nó dẫn con đi thăm mẹ nhưng chỉ được nhìn mẹ từ xa, xa lắm… Mẹ ơi, sao bỏ con!
Tết, là khi nó sai con đi biếu đòn bánh, bịch khô… và con nó cũng hớn hở khi mang về bịch gạo, chậu hoa….
Tết, là khi cả nhà nó cùng làm đầy hũ muối, thùng gạo…
Và tết là khi nồi nước lá sả, lá bưởi thơm ngát góc bếp nhà nó…
Tết, là khi nó dạy con xí xóa hết những buồn giận năm qua, mỉm cười với nhau như ngày xưa mẹ nó dạy.
Và dù tất bật, vất vả lắm luôn nhưng nó vẫn mong đời luôn có Tết.
Theo Phương Lan/ mothegioi.vn