.
.

Áp lực của doanh nhân thời đại dịch


Vô tình nghe câu hát “Một đời doanh nhân, đắng cay và thăng trầm… Một đời sóng gió, lái con thuyền đi tới…” trong những ngày đại dịch Covid-19 và hạn mặn trên các tỉnh miền Tây Nam bộ, lòng tôi như thêm nặng nề.

Bạn bè giới doanh nhân của tôi bắt đầu đối diện với những thử thách tăng dần hàng ngày. Vì là một người làm việc trong ngành tài chính, nên không phải ngẫu nhiên trong hơn một tháng qua, tôi đã tiếp chuyện rất nhiều những người anh em doanh nhân trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Có người tìm đến tôi chỉ để chia sẻ câu chuyện kinh doanh trong đại dịch. Có người khác tìm đến tôi để trao đổi và tìm vài góp ý cho việc ổn định lại bài toán doanh thu, chi phí. Có người thì tìm đến tôi vì một vài câu chuyện tư vấn đi vay tài chính. Họ, những người kinh doanh đang mong mỏi tai hoạ này mau chóng kết thúc vì họ đang “thấm” và “mệt” một cách thật sự.

Ngày trước tôi có rất nhiều những bài chia sẻ về nghiệp doanh nhân, đâu đó trong góc khuất của cái “nghiệp” doanh nhân, mấy ai thấu hiểu họ đang đối mặt với bao nhiêu áp lực trong hoàn cảnh lần này. Số liệu tôi biết, trong gần 90 ngày qua tính theo năm tài chính 2020, hơn 34.000 doanh nhân đã giải nghiệp. Họ giải nghiệp vì những áp lực mà có lẽ, đến trăm năm sau hậu thế còn nhắc. Đương nhiên những anh em doanh nhân tôi nói là những người kinh doanh thực thụ, không phải những doanh nhân ba không: không vốn, không trụ sở và không sản phẩm.

Thôi không lan man, tôi xin nói về các áp lực trong thời ôn dịch, tôi mạn phép kẻ sơ vài cái áp lực mà họ, những doanh nhân thực thụ đang đối mặt :

Áp lực trả nợ: các khoản nợ đến ngày thanh toán với các nhà cung cấp, với các đối tác, các khoản vay đến hạn với các tổ chức tín dụng hay đơn giản nhất là nhận được cái thông báo chậm nộp thuế tháng hoặc bảo hiểm xã hội của cơ quan nhà nước…

Cái áp lực này nó nặng kinh khủng, nặng đến mức gần như làm họ trở nên vô tri, mất cảm giác nhìn, nghe, đọc, nói vì khi khi thấy thông báo của cơ quan nhà nước… chữ bỗng dưng khó đọc.  Hay thi thoảng tiếng tin nhắn, chuông điện thoại của nhà cung cấp, chủ nợ vang lên, tai như lãng, điếc mất rồi.

Áp lực duy trì cơ nghiệp: doanh nghiệp lập ra đã muôn vàn khó khăn, duy trì nó trong điều kiện bình thường đã là một bài toán phải giải mỗi ngày. Nay trong cái thời vừa phải duy trì cơ nghiệp, vừa phải lo bảo vệ cho sức khoẻ cá nhân lẫn các biện pháp phòng chống cho từ vài chục đến vài trăm, vài ngàn con người lao động.

Bên cạnh việc duy trì trả lương trong tình trạng doanh số tụt giảm theo hàng giờ, đảm bảo đời sống cho anh em, duy trì cơ nghiệp này cũng góp phần làm cho huyết áp tăng giảm thất thường, nhịp tim hỗn loạn. Ấy thế mà xui xui lỡ chậm trễ trong một vài quyết sách, hay chế độ là xem như thành tội đồ. Nhân sự ra đi, công ty điều hiu.

Áp lực phụng sự xã hội: doanh nhân mà, khi miền Tây nước lớn, miền Trung lũ lụt… đều xuất hiện doanh nhân. Giờ dịch bệnh toàn thế giới, thế là chung tay, ai nào biết thật ra tài khoản công ty lẫn cá nhân đang báo giảm liên tục hàng giờ. Thôi thì hãy “đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta”, vẫn hiên ngang tươi cười, quần là áo lượt xông pha ra tiền tuyến.

Áp lực tinh thần khi nghe tin “khu phố, toà nhà bị phong toả”. Gia đình mà, là thành trì cuối cùng để phòng thủ, ấy vậy mà về đến nơi ở, lỡ có rủi ro vì ai đó trong khu phố dương tính, thế là “toang” luôn cái thành phòng thủ cuối cùng.

Như vậy thôi, tôi chỉ kể sơ sơ vài thứ áp lực do dịch bệnh đang hoành hành và mong những anh em cùng tình cảnh giành chút những ngày tháng ở trong nhà để suy ngẫm nhé.

Mong dịch bệnh mau qua.

Theo thesaigontimes



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục