Phần kinh nghiệm làm việc trong CV của bạn là một trong một số yếu tố then chốt sẽ quyết định bạn có được phỏng vấn hay không – và có nhận được việc làm hay không. Kinh nghiệm làm việc cho nhà tuyển dụng cái nhìn sơ lược về những công việc bạn đã đảm nhiệm và đã hoàn thành trong suốt sự nghiệp của mình. Nó cần phải chính xác, hấp dẫn, thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có khả năng, kinh nghiệm, động lực để thành công trong vai trò tương lai.
Dưới đây là 6 lưu ý để trình bày kinh nghiệm làm việc trong CV thật ấn tượng!
Định dạng CV dễ đọc, dễ hiểu
Phần kinh nghiệm làm việc là mục chứa nhiều thông tin nhất trong CV, và do đó rất dễ nhìn bị rối nếu bạn không trình bày nó khoa học. Một trong những lỗi phổ biến nhất khi viết phần Kinh nghiệm làm việc là làm cho nó quá dày đặc. Bạn nên sử dụng các đoạn văn ngắn (2-3 câu), các gạch đầu dòng để trình bày… Bạn có thể tham khảo những mẫu CV ấn tượng để hiểu rõ hơn về cách định dạng chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, hãy sử dụng các tiêu đề thông thường, dễ hiểu như “Lịch sử làm việc”, “Kinh nghiệm làm việc”. Phần này chỉ nên bao gồm kinh nghiệm làm việc được trả lương, bao gồm công việc toàn thời gian, bán thời gian, thực tập và công việc tự do. Những vai trò như tình nguyện, hoạt động ngoại khóa nên được đặt trong một phần riêng biệt được gọi là “Kinh nghiệm khác” hoặc “Kinh nghiệm liên quan”.
Sắp xếp kinh nghiệm theo thứ tự thời gian đảo ngược
Đây là định dạng ưa thích của các nhà tuyển dụng, vì nó giúp họ dễ dàng nhìn thấy kinh nghiệm làm việc trong quá khứ và quá trình phát triển sự nghiệp của bạn. Bắt đầu với công việc hiện tại hoặc gần đây nhất của bạn, ghi lại tên công ty, thời gian làm việc và vị trí của bạn ở đó. Hãy đảm bảo một định dạng xuyên suốt CV, vì một bản CV cẩu thả có thể khiến bạn bị loại ngay từ “vòng gửi xe”.
Các chuyên gia tuyển dụng khuyên bạn chỉ nên liệt kê tối đa tới 10 năm làm việc đã qua trong CV của mình. Bạn có thể trình bày chi tiết hơn khi đến phỏng vấn.
Liệt kê chi tiết các nhiệm vụ
Để có phần kinh nghiệm làm việc ấn tượng, đừng chỉ liệt kê những công việc gần đây nhất mà hãy trình bày cụ thể vai trò, nhiệm vụ, thành tích đáng chú ý của bạn. Bằng cách này, nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ thấy sự phù hợp của các kỹ năng của bạn đối với các yêu cầu của họ.
Bạn nên sử dụng các gạch đầu dòng để trình bày rõ ràng và giữ cho CV của bạn trông sạch sẽ. Tuy nhiên, đừng quá lan man; 5-8 gạch đầu dòng là vừa đủ không gian để mô tả vai trò của bạn. Nếu bạn muốn nhấn mạnh hay mở rộng trách nhiệm được nêu trong CV, hãy trình bày trong thư xin việc.
Sử dụng từ ngữ có hiệu quả diễn tả cao
Khi trình bày kinh nghiệm làm việc, hãy cố gắng bắt đầu mỗi gạch đầu dòng bằng các động từ, tính từ mạnh mẽ, tích cực. Sử dụng những từ vựng như vậy có tác dụng diễn tả sinh động thành tựu và thể hiện động lực mạnh mẽ của bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng cần tránh lạm dụng từ ngữ chuyên ngành hoa mỹ hay những khái niệm trừu tượng, trừ khi bạn chắc chắn nhà tuyển dụng hiểu chúng. Mẹo này đặc biệt quan trọng trong CV tiếng Anh vì chỉ một từ ngữ được sử dụng khác đi cũng có thể giúp kinh nghiệm làm việc của bạn trông chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Ví dụ thay thế cho những từ ngữ đã quá phổ thông. Bạn có thể dùng coordinate thay vì manage, assist thay cho help…
Sử dụng số liệu chi tiết
Thêm các chỉ số hoặc dữ liệu cụ thể vào phần kinh nghiệm làm việc trong CV sẽ giúp chứng minh giá trị của bạn. Bạn có thể đề cập đến doanh thu bán hàng xuất sắc, lưu lượng truy cập trang web được bạn cải thiện hoặc số lượng nhân viên bạn quản lý. Mục đích ở đây là để cho các nhà tuyển dụng thấy những đóng góp của bạn tại nơi làm việc đã tạo ra tác động thực sự, có thể đo lường và nhìn thấy được qua các con số cụ thể.
Ngay cả khi bạn làm việc trong một ngành chủ yếu yêu cầu kỹ năng mềm chứ không phải những con số – bạn vẫn có thể tìm thấy những thành tích có thể đo lường được để thêm vào CV. Ví dụ, nhân viên pha chế có thể thêm số lượng ước tính khách hàng được bạn phục vụ hàng tháng; nhân viên chăm sóc khách hàng có thể đề cập đến số lượng cuộc gọi họ đã xử lý mỗi tháng hoặc số lượng khách hàng đánh giá hài lòng về họ.
Phải làm sao nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc?
Đừng vội hoảng loạn nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc liên quan. Có lẽ bạn đã từng làm bồi bàn, thu ngân, trợ giảng… Hãy nhớ rằng, chúng ta trau dồi kỹ năng trong mọi công việc. Ví dụ, nếu bạn làm nhân viên bán hàng thì nó sẽ cho bạn cơ hội thể hiện các kỹ năng làm việc nhóm, chăm sóc khách hàng, khả năng sắp xếp, tổ chức… Cố gắng tìm ra những kỹ năng liên quan tới vị trí bạn đang ứng tuyển và bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn.
Hà Phương