Vào dịp trước Tết, khi tinh thần sẻ chia lên cao, những chiến dịch tình nguyện xuất hiện nhiều, thì thậm chí những người nghèo đối mặt với nguy cơ… thừa gạo.
Một buổi tối hơn 2 năm về trước, tôi ngồi với ca sỹ Thái Thùy Linh, người bây giờ đang làm Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (thuộc TW Đoàn). Chị Linh nổi tiếng với việc duy trì 2 chương trình tình nguyện: Mặc ấm cho học sinh dân tộc miền núi và Mang âm nhạc đến bệnh viện.
“Mặc ấm cho học sinh dân tộc miền núi” là một chương trình quyên góp áo ấm, sách vở cho trẻ em miền cao khá quy mô. Mỗi năm, chương trình này chuyển hàng chục tấn quần áo lên các tỉnh miền núi.
“Mang âm nhạc đến bệnh viện”, theo nghĩa đen tên gọi của nó, là một chuỗi các cuộc biểu diễn, trong đó những nghệ sỹ nổi tiếng tới nhiều bệnh viện trong cả nước để ca hát miễn phí cho bệnh nhân đang nằm điều trị.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài tới 4 giờ sáng. Ngày hôm đó, chị Linh cảm thấy rằng sức lực của cá nhân mình không thể duy trì cùng lúc hai chương trình tình nguyện lớn. Chị đặt ra cho tôi câu hỏi: nếu chỉ có thể duy trì một chương trình, sẽ phải chọn chương trình nào và bỏ chương trình nào?
Tôi nói tôi sẽ chọn “Mặc ấm” – vì tôi tin rằng nó tác động trực tiếp lên đời sống của hàng vạn đứa trẻ. Chúng sẽ có thêm động lực để đến trường, chỉ với một hai chiếc áo khoác giữa mùa đông miền Bắc giá rét.
Còn bản thân chị Linh lại muốn duy trì “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Chị tin rằng việc truyền cảm hứng tinh thần cho con người cũng rất quan trọng, đặc biệt là những người đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Rất khó cân đo. Một nghìn tấm áo cho trẻ con, hay là một buổi diễn cho người bệnh? 4 giờ sáng, cuộc trò chuyện mới kết thúc, vì đôi bên đã quá mệt. Đến cuối, tôi cũng xuôi theo ý chị Linh. Rằng nếu buộc phải giữ, thì giữ “Mang âm nhạc đến bệnh viện”.
Vật chất cũng quan trọng. Nhưng trong những cuộc thiện nguyện, chúng ta thường xuyên quên mất khía cạnh tinh thần của những người cần được giúp đỡ.
Sở dĩ tôi nhớ lại chuyện này, vì mới đây, tôi lại đi cùng chị Linh xuống mấy xóm nghèo ở nội thành Hà Nội xem có thể giúp được gì họ đón Tết không. Một xóm chạy thận ở gần bệnh viên Bạch Mai và xóm nhà nổi ven sông Hồng ở bãi giữa.
Những bệnh nhân ở xóm chạy thận gần bệnh viện Bạch Mai ảnh: Thanh Niên
Bước vào xóm chạy thận, câu đầu tiên mà mọi người nói với ca sỹ Thái Thùy Linh là: “Đừng cho gạo nữa nhé”. Bước xuống bãi giữa sông Hồng, bác tổ trưởng của xóm nhà nổi bận không thể tiếp chúng tôi được, vì còn đang phải tiếp nhận chăn gối từ thiện.
Họ không thiếu áo ấm, không thiếu gạo thịt, bánh chưng. Rất nhiều đoàn đến đây để cho họ những thứ đó. Thậm chí là còn thừa, nhiều người ở xóm chạy thận còn không biết làm gì với gạo được cho. Ăn thì chẳng được mấy – họ là những người suy thận – bán thì rẻ.
Họ không đói. Họ không rét. Vẫn biết rằng tấm lòng chia sẻ của những nhà hảo tâm là đáng quý. Nhưng dường như có ít người nghĩ ra ngoài gạo thịt, chăn áo. Vào dịp trước Tết, khi tinh thần sẻ chia lên cao, những chiến dịch tình nguyện xuất hiện nhiều, thì thậm chí những người nghèo đối mặt với nguy cơ… thừa gạo.
Mỗi buổi tối, những thành viên của xóm chạy thận Bạch Mai ngồi trong một góc ngõ, nhóm củi thành một đống lửa to, rồi ngồi cạnh đó, trò chuyện bên một ấm nước chè. Trong đám than hồng, vùi một vài củ khoai tây lăn lóc. “Tết là đây chứ đâu. Thêm đĩa thịt lợn với cái bánh chưng thì thành Tết” – một người đàn ông cười.
Cái thiếu ở bên đám lửa ấy, của những con người vất vả này, không phải là mấy chục cân gạo hay trăm cặp bánh chưng nữa. Tôi và chị Linh lại ngồi cùng với nhau trong một quán cà phê, lại tranh luận. Nhưng lần này không cần đến 4 giờ sáng để đưa ra một quyết định về việc họ cần gì. Chúng tôi quyết định sẽ đi tìm một cành đào thật đẹp, để vào cái góc mà họ vẫn nhóm lửa trò chuyện mỗi tối.
theo Dân Việt