Một bạn học của thi sĩ Tản Đà sau này là một lương y nổi tiếng ở đất Hà thành vốn dòng dõi đông y gia truyền, lại say mê cô hàng thuốc Bắc nên ngày ngày đi học qua phố Lãn Ông. Anh ta tỏ tình với cô hàng thuốc Bắc kia bằng một bài thơ ghép tên các vị thuốc.
Hàng cô thuốc Bắc tiếng xôn xao
Cô bán anh mua tính thế nào?
Kia đại trần bì thì đã vậy
Còn như liên nhục kiếm lời sao?
Quy thân mấy lạng anh mua cả
Thạch nhũ bao tiền hạ giá cao?
Tri mẫu biết chăng cô liệu nhé
Thung dung anh sẽ mắc cân vào
Ảnh minh họa
Mỗi một vị thuốc, một nghĩa đen, một nghĩa bóng. Trần bì là vỏ quýt chữa tiêu đờm, nghĩa bóng là “da dẻ”, lại là… đại trần bì. Liên nhục là hạt sen, bổ âm. Ta không khỏi nhớ tới bài khóc ông Phủ Vĩnh Tường của Hồ Xuân Hương cũng có câu “Quy thân liên nhục tấm mang đi”, ta biết ngay “liên nhục” ở đây nó là cái gì đó “quy thân” bổ huyết. Quy cũng có nghĩa là rùa, ở đây lại là lời chàng trai hỏi cô gái “Quy thân mấy lạng… anh mua cả”!
“Thạch nhũ” là vị thuốc được lấy từ một loại đá. Nhũ có nghĩa là vú: Thạch nhũ bao tiền hạ giá cao?”. “Tri mẫu” giải nhiệt và cũng còn mang nghĩa “ Liệu mẹ có biết không. Mà mẹ biết, em lo giùm cho cả”. Thung dung bổ thận, có nghĩa tục nhưng lại thanh.
Chuyện ổn cả anh xin đàng hoàng đến. Anh được cô hàng thuốc Bắc “giả nhời”:
Thuốc tốt do em khéo tẩm sao
Mong anh chiếu cố chỉ ngày nào
Nữ trình chưa dễ vồ ngay được
Đỗ trọng khó bè tính lãi sao
Ngưu tất quế trân tròn với khuyết
Hoài sơn thục địa thấp cùng cao
Liên tâm ngẫu tiết chờ xem giá
Ích mẫu hương duyên đón khách vào
Thuốc “giả nhời” thuốc. Nhưng lời lẽ thật thà, kín đáo lại dịu hiền của một cô gái chưa chồng nên chăng cũng tại lòng cha mẹ cả. Chàng hãy cố lên.
Học giỏi vào, thi lấy đỗ, làm những điều đẹp lòng cha mẹ. Ngày nay, “những chàng, những nàng” ấy đã thành người thiên cổ cả. Có điều những “mối tình thơ” như thế, bây giờ sao mà hiếm thế.
Theo Dân Việt