.
.

Bìa sách Thúy Kiều khỏa thân: Gợi những cách tiếp nhận khác


Cuốn “Truyện Thúy Kiều” với trang bìa Thúy Kiều khỏa thân tắm giữa thiên nhiên khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi, hình ảnh này có sức gợi, tạo cho độc giả những cách tiếp nhận khác nhau.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi, Thường trực Hội Kiều học Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh cuốn sách “Truyện Thúy Kiều” (do hai tác giả Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, Công ty Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành) in hình bìa Thúy Kiều khỏa thân.

bia sach thuy kieu khoa than: goi nhung cach tiep nhan khac hinh anh 1

Bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều” gây tranh cãi

Hình ảnh này gây sự chú ý của dư luận khi bị đánh giá không xứng tầm một kiệt tác văn học.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi nhìn nhận, bức vẽ trên bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều” có sức gợi, tạo cho độc giả  những cách tiếp nhận khác nhau và đây là bức vẽ không hoàn toàn khỏa thân. Việc minh họa về “Truyện Kiều” là khát vọng thể hiện của các họa sĩ thông qua lăng kính của mỗi người.

Ông cho biết, “Truyện Kiều” đã được in và tái bản đến hàng trăm lần. Mỗi lần in là một cách khác nhau và bìa cuốn sách cũng có những thay đổi nhất định.

“Với bức tranh làm bìa được vẽ bởi một họa sĩ nổi tiếng, có bề dày về thời gian, tôi cho là điều rất hay. Khi nhìn vào trang bìa không hoàn toàn thấy bức hình khỏa thân và không quá lộ liễu. Tôi nghĩ, bìa này chí ít cũng sẽ thành công nhất định là tạo được ấn tượng đối với công chúng.

Vấn đề cần phải tránh ở đây, trong suy nghĩ cứ mặc định chỉ có một hình ảnh, một kết cấu duy nhất đúng thì tôi cho là không nên, cần là có nhiều cách tiếp cận thể hiện. Những cách thể hiện không làm hỏng nội dung mà nó tôn thêm nét đẹp về nghệ thuật tôi ủng hộ”, ông Khôi nói.

Về việc đơn vị phát hành sách lấy ý tưởng bìa từ hai câu thơ vẻ đẹp Thúy Kiều khỏa thân khi tắm: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi bày tỏ quan điểm: “Thời điểm mà đại thi hào Nguyễn Du viết hai câu thơ phải nói là quá táo bạo.

Ai đó chưa đọc Truyện Kiều thì rõ ràng không biết người phụ nữ này khỏa thân. Tả khỏa thân mà nói như vậy quá hay, quá đẹp, quá mới ở thời kỳ cụ Nguyễn Du. Bây giờ người họa sĩ ấn tượng câu thơ, tìm cách thể hiện qua bức vẽ, đó cũng là một điểm nhìn về nghệ thuật. Cách thể hiện hiện này rất chừng mực, đầy sức gợi và hay”.

Còn về tên của cuốn sách là “Truyện Thúy Kiều” thay vì “Truyện Kiều”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi lý giải, “Truyện Kiều” vốn có tên là “Đoạn trường tân thanh” mang nghĩa là “Khúc hát đứt ruột”.

Tuy nhiên, càng về sau, có nhiều nhà Kiều học in lại và họ lấy tên đơn giản hơn như là: “Kim Vân Kiều” tức Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều.

bia sach thuy kieu khoa than: goi nhung cach tiep nhan khac hinh anh 2

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi. Ảnh: Mỵ Lương

Các học giả khác lại cho rằng không không hợp lý vì nếu chỉ để “Kim Vân Kiều” thì Kim Trọng không phải là một trong những nhân vật chính và Thúy Vân cũng không phải là người có số phận từ đầu đến cuối tác phẩm.

Đến nay, “Truyện Kiều” có rất nhiều tên. Tên thứ nhất: “Đoạn trường tân thanh”, tên thứ hai: “Kim Vân Kiều Truyện”, tên thứ ba: “Kim Túy Tình Từ”; tên thứ tư: “Truyện Kiều”.

Vì vậy, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi cho rằng, tên của cuốn sách có thế nào cũng chẳng đáng ngạc nhiên bởi tất cả những tên này không phải đại thi hào Nguyễn Du đặt, mà vì người đời quá yêu đại thi hào Nguyễn Du nên nghĩ ra cách nào đó để đặt tên cho tác phẩm đẹp hơn.

“Điều này không làm thay đổi mặt nội dung mà tạo nên những ấn tượng tiếp nhận, “Truyện Thúy Kiều” hay “Thúy Kiều” và nhiều tên gọi khác cũng đều là một”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khôi khẳng định.

Theo ông Khôi, việc gọi tên tác phẩm theo thói quen là vấn đề dễ xảy ra trong giai đoạn hiện nay. Trường hợp bản dịch của bài “Nam quốc sơn hà” vừa qua cũng là một trong những ví dụ điển hình bởi bấy lâu nay, bản cũ là những câu từ như được mặc định trong lòng người đọc.

Mỵ Lương/Dân Việt



Bài viết cùng chuyên mục