“Ăn nên làm ra” trong thời Covid-19, các doanh nhân dưới đây đã trở thành tỷ phú, nhờ giá trị vốn hoá công ty tăng vọt.
Trước các tác động tiêu cực của Covid-19 và những biện pháp phong toả kéo theo gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cuối tháng 4 qua cho biết, khoảng 1,6 tỷ người lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức trên thế giới có nguy cơ đánh mất sinh kế vì đại dịch
Con số trên tương đương 80% lực lượng lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức – những cá nhân dễ bị tổn thương nhất trong thị trường lao động, và chiếm gần một nửa lực lượng lao động toàn cầu (3,3 tỷ người).
Đồng thời, ILO cũng cho biết, so với thời điểm trước khủng hoảng (quý IV/2019), số giờ làm việc dự kiến sẽ giảm 10,5%, tương đương 305 triệu lao động toàn thời gian (giả định số giờ làm việc là 48 giờ/tuần).
Và trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc trước những tác động tiêu cực từ đại dịch, tài sản của phần lớn tỷ phú USD trên thế giới cũng không ngoại lệ mà sụt giảm theo.
Một thống kê của Forbes công bố ngày 18/3/2020 cho biết, so với năm 2019, tổng tài sản của toàn bộ tỷ phú USD trên thế giới đã giảm 700 tỷ USD; và có 58 cá nhân đã đánh mất ngôi vị ‘tỷ phú’. Trong đó, tài sản của 51% tỷ phú đều sụt giảm so với năm ngoái.
Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân có thể thu lợi lớn giữa thời khủng hoảng, và thậm chí trở thành tỷ phú USD nhờ Covid-19, nhất là trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học. Dưới đây là 6 doanh nhân vừa trở thành tỷ phú USD nhờ Covid-19:
1. Timothy Springer
Doanh nhân, Giáo sư (GS.) hoá và dược học người Mỹ Timothy Springer là một trong số những nhà đầu tư sớm nhất của Moderna – công ty công nghệ sinh học đầu tiên đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 trên người hồi giữa tháng 3 vừa qua.
Được biết, vào năm 2010, vị GS. đến từ Trường Y Harvard này đã rót 5 triệu USD vào Moderna.
Sau 10 năm, khoản vốn đổ vào Moderna đã giúp đem về cho Springer số tiền lên tới 870 triệu USD, giúp vị GS. trở thành tỷ phú, trong bối cảnh cổ phiếu của Moderna tăng khoảng 3 lần kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố Covid-19 là đại dịch vào ngày 11/3/2020.
Theo Forbes, tài sản hiện tại của Springer ở mức 1 tỷ USD, dựa trên 3,5% cổ phần tại Moderna và cổ phần tại 3 công ty công nghệ sinh học khác là Selecta Biosciences, Scholar Rock, và Morphic Therapeutic.
Bên cạnh công việc nghiên cứu, Springer cũng khá ‘mát tay’ trong kinh doanh. Bước đột phá đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh của vị GS. đến vào năm 1993, khi ông thành lập công ty công nghệ sinh học LeukoSite.
Sau 5 năm, LeukoSite lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng và đến năm 1999, nó được tập đoàn dược phẩm Millennium mua lại với giá 635 triệu USD – thương vụ đã giúp mang về cho Springer 100 triệu USD.
2. Stéphane Bancel
Bên cạnh Timothy Springer, đà tăng giá của cổ phiếu Moderna cũng giúp CEO của công ty công nghệ sinh học này – Stéphane Bancel, trở thành tỷ phú.
Nắm giữ 9% cổ phần tại Moderna, Bancel chính thức trở thành tỷ phú từ đầu tháng 4/2020, và hiện sở hữu 1,9 tỷ USD giá trị tài sản. Được biết, vị CEO người Pháp của Moderna năm nay 47 tuổi.
Ông sở hữu bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard, và 2 bằng thạc sĩ kỹ thuật tại viện École Centrale Paris và Đại học Minnesota.
Trước khi làm việc tại Moderna từ năm 2011, vị tỷ phú từng giữ vai trò CEO cho BioMérieux – một công ty y khoa có trụ sở tại Pháp.
Hồi tháng 3, Bancel từng chia sẻ với đại diện ngân hàng Goldman Sachs rằng, vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 cần 12-18 tháng nữa để hoàn thiện, nhưng Moderna có thể cung cấp chúng cho các nhân viên y tế vào mùa thu năm nay đối với các tình huống khẩn cấp.
3. Arun Bharat Ram
‘Ông trùm’ hóa chất người Ấn Độ Arun Bharat Ram – Chủ tịch của công ty sản xuất hoá chất SRF, vừa trở thành tỷ phú vào đầu tháng 6 qua. Hiện, tài sản của vị doanh nhân 79 tuổi ước đạt 1,1 tỷ USD, nhờ giá cổ phiếu SRF tăng khoảng 63% kể từ ngày 25/3, khi chính phủ Ấn Độ áp lệnh phong toả toàn quốc để ngăn ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2.
Một trong những lý do giúp cổ phiếu của SRF tăng mạnh trong thời gian qua là tâm lý bất an hướng về Trung Quốc, khi Covid-19 khiến hàng loạt doanh nghiệp phải đánh giá lại chuỗi cung ứng hiện tại, vốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Trong khi đó, giới đầu tư tin rằng, các doanh nghiệp Ấn Độ thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hóa chất, sẽ có thể tận dụng cơ hội trước mắt để chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn, khi các khách hàng trên toàn cầu tìm kiếm nguồn cung thay thế với chi phí thấp.
Được Arun Bharat Ram thành lập vào năm 1970, SRF ban đầu là nhà sản xuất dây lốp nylon. Hiện, công ty có 13 nhà máy sản xuất, trong đó có một nhà máy ở Thái Lan và một ở Nam Phi.
4. Cui Jinhai
Theo hãng tin Bloomberg, Chủ tịch Cui Jinhai của Allmed Medical Products – công ty sản xuất bông gạc y tế có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc là một trong những doanh nhân ngành dược hưởng lợi lớn nhất từ Covid-19. Bên cạnh bông gạc y tế, Allmed Medical Products hiện đã sản xuất thêm cả khẩu trang để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc lẫn thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Allmed Medical Products đã tăng hơn 200%, giúp giá trị vốn hoá của công ty tăng 17 tỷ USD, đưa Chủ tịch Cui Jinhai trở thành tỷ phú USD. Mức tăng của cổ phiếu Allmed tỷ lệ thuận với doanh số bán hàng tại Trung Quốc – nơi người tiêu dùng và các bệnh viện nhanh chóng thu mua các sản phẩm có chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu của công ty.
5. Li Wenmei – Wang Jihua
Bên cạnh Cui Jinhai, vợ chồng tỷ phú Li Wenmei – Wang Jihua là hai doanh nhân ngành dược khác giàu lên nhanh chóng nhờ Covid-19. Giá cổ phiếu của Guangzhou Wondfo Biotech – công ty phát triển kit xét nghiệm nhanh virus và kháng thể, nơi Li Wenmei làm Chủ tịch, đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm.
6. Yang Hongchun
Kết phiên giao dịch cuối tháng 5 vừa qua, cổ phiếu của Bestore – một hãng bán lẻ thức ăn vặt có trụ sở tại Vũ Hán, đã tăng 4,1%, lên mức kỷ lục 77,28 CNY, giúp Chủ tịch Yang Hongchun trở thành tỷ phú. Hiện, tài sản ước đạt của ông chủ Bestore đạt 1,1 tỷ USD.
Theo Forbes, các công ty như Bestore được xem là một khoản đầu tư tốt trong mắt giới đầu tư Trung Quốc – những người đang hy vọng vào nhu cầu trong nước và chi tiêu của người tiêu dùng để giúp vực dậy nền kinh tế Trung Quốc tại thời điểm hiện tại.