Các cửa tiệm bán quần áo, giày dép, phụ kiện luôn có rất nhiều chiêu trò đánh đòn tâm lý vào đông đảo khách hàng để tranh thủ “hốt bạc” dịp cuối năm.
Nếu bạn muốn chi tiêu thật hợp lý với khoản thưởng Tết của mình, hãy thật sự tỉnh táo và đừng để những món đồ hấp dẫn phía sau cánh cửa kính sáng đèn của các cửa hiệu thời trang trên phố thao túng mình.
1. Cố tình bán quần áo dễ hỏng, không bền
Không nói đến những cửa tiệm bán quần áo chất lượng kém để lẫn lộn với quần áo có đường kim mũi chỉ cẩn thận, mà ở đây còn có rất nhiều thương hiệu lớn cố tình bán những bộ quần áo hay phụ kiện, giày dép không có tuổi thọ cao, thậm chí nhanh bị bám bụi hay phai màu? Tại sao lại thế? Tất nhiên là để bạn mau muốn mua thêm quần áo mới chứ còn gì nữa.
Đây chính là cách các cửa hàng thời trang bình dân hốt bạc và chiếm khách của những doanh nghiệp tập trung vào chất lượng sản phẩm, bởi lẽ họ thà để khách mua 10 chiếc áo giá vài trăm nghìn còn hơn là chỉ mua đúng một chiếc áo giá cả triệu đồng và mặc mãi không chán.
Lý do này khiến bạn cần cân nhắc và đầu tư mua đồ thật thông minh, nên lựa chọn quần áo đúng với chất lượng mà mình cần chứ đừng nghĩ rằng nếu cùng một kiểu áo mà một nơi bán rẻ một nơi bán đắt thì dễ dàng lựa chọn.
2. Quảng cáo giảm giá khuyến mại để “thanh lý” hàng rởm
Không khó để bắt gặp những biển hiệu giảm giá vô cùng hấp dẫn trên những con phố lớn, với những tín đồ mê quần áo đắt tiền mà thấy “bắt” được đúng dịp giảm giá 50% hay thậm chí là 70% thì đừng vội tưởng là mình bắt được cơ hội lớn nhé. Hãy đặt câu hỏi ngay: “Tại sao những sản phẩm này lại “bị” giảm giá thê thảm đến như thế?”.
Tất nhiên, đúng là tâm lý nhiều người bán hàng muốn dọn sạch sẽ cửa hàng trước khi nghỉ Tết nên chấp nhận bán lỗ vốn, tuy nhiên bạn cũng nên có sự nghi ngờ, ví dụ như một mẫu giày đang rất được ưa chuộng mà lại bị bán giảm giá thì rất có thể đôi giày đó bị lỗi hoặc là hàng giả, hàng nhái. Kể cả khi bạn đặt chân vào những cửa hàng chính hãng của các thương hiệu uy tín, cũng nên chú ý đến chất liệu và thậm chí càng phải kỹ tính hơn soi xét từng milimet của những bộ quần áo ở khu vực giảm giá.
3. Quần áo nhanh lỗi mốt
Bạn có biết mục tiêu lớn của các thương hiệu thời trang là gì không? Đó là làm sao để mỗi vị khách hàng đều phải đi mua sắm ít nhất một lần mỗi tuần. Điều đó có nghĩa là quần áo hay giày dép, phụ kiện ban đầu được thiết kế có vẻ rất thời thượng, nhưng cũng dễ bị lỗi mốt chỉ trong thời gian ngắn. Bạn sẽ bị mắc kẹt trong vòng xoay luẩn quẩn: Đi mua đồ cho đúng mốt – Đồ lại lỗi mốt – Đi mua đồ mới hợp mốt hơn.
Khi bắt gặp những trang Facebook bán hàng đăng ảnh quảng cáo giới thiệu rằng họ đã cập nhật những chiếc áo khoác theo đúng xu hướng mới nhất, hay mới nhập đôi giày theo đúng trào lưu được khởi xướng từ một bộ phim Hàn Quốc nào đó, đừng vội mù quáng mua ngay, bởi rất có thể chỉ sau đêm Giao thừa, món đồ ấy đã khiến chính bạn trở nên chán ngán rồi. Do đó, đừng phụ thuộc quá nhiều vào việc những người xung quanh mặc gì, mà hãy tập trung xây dựng phong cách riêng của mình và mua sắm dựa theo tôn chỉ đó.
4. Dùng sức mạnh thương hiệu để lôi kéo khách hàng
Để các chị em dễ dàng rút hầu bao, nhiều cửa hàng đã không ngại dùng những biển quảng cáo lớn với đủ những logo của những thương hiệu thời trang hàng đầu, nêu ra tên các nhà thiết kế tên tuổi trong và ngoài nước. Những chi tiết khác cũng dễ đánh lạc hướng của khách hàng là bài trí của cửa tiệm thật sang trọng, nhân viên mặc đồng phục chỉn chu, trang điểm xinh đẹp đều khiến bạn tưởng lầm là đã bước vào một cửa hàng quần áo chất lượng cao cấp nhưng có khi quần áo treo trên giá thực ra chỉ là đồ nhập từ phía bên kia biên giới.
Vì thế, nếu không quá bận rộn, hãy dành thời gian tìm hiểu về những thương hiệu quần áo mà bạn quan tâm và muốn mua, đọc review chân thực từ những khách hàng đã từng mua, và đừng bao giờ quên rằng quần áo đắt tiền không đồng nghĩa với chất lượng xứng đáng.
5. Đồ gắn thêm chi tiết kim loại lấp lánh luôn hấp dẫn hơn
Theo một nghiên cứu tâm lý, con người thường bị thu hút bởi những món đồ có độ lấp lánh, bóng sáng, muốn sở hữu chúng, giống như khi nhìn thấy vàng bạc châu báu vậy. Đấy là lý do mà nhiều cửa hàng thường chọn những bộ đồ gắn nhiều kim sa, những đôi giày có đai hay khóa kim loại hoặc phối thêm rất nhiều trang sức óng ánh cho mannequin đứng trước cửa hàng.
Đặc biệt là tâm lý người Việt vào dịp sát Tết thì lại càng có hứng thú với những món đồ lấp lánh bắt mắt như vậy. Nhưng khi thực sự lựa chọn để mua món đồ gì thì bạn đừng để bị những thứ lấp lánh đó thôi miên nhé, chưa kể rất nhiều đồ kim loại mỹ kí như vậy rất nhanh bị bong tróc hay cũ gỉ sau một thời gian ngắn.
Theo emđẹp