.
.

“Cao Thủ Ẩn Danh”: cao thủ giật giải phim nhạt nhẽo và lê thê nhất


Sau khi xem “Cao Thủ Ẩn Danh”, người ta nhận ra cao thủ ẩn danh không phải là các nhân vật trong phim, mà cao thủ thật sự chính là… đạo diễn.

Khi quyết định xem một bộ phim để ủng hộ điện ảnh Việt, ta thường nuôi niềm tin, hy vọng vào một tác phẩm khá khẩm hay ít nhất không phải một bước lùi. Thế nhưng dường như đa số đều kết thúc trong “bi kịch”: Hóa ra không có giới hạn cho cái dở – phim trước đã dở, người ta vẫn có thể làm phim sau dở hơn. Cao Thủ Ẩn Danh nối tiếp những thảm họa phim Việt gần đây, giật giải phim nhạt nhẽo và lê thê nhất. Hãy tưởng tượng rằng với một tình tiết chỉ cần 20 giây để thể hiện, đạo diễn hào phóng dùng hẳn 200 giây – cứ thế cho cả phim.

Cao Thủ Ẩn Danh hay cao thủ rảnh, cao thủ bóng, cao thủ lố? - Ảnh 1.

Cao Thủ Ẩn Danh là câu chuyện về một chàng ca sỹ tình cờ vướng vào rắc rối với bọn buôn bán ma túy đá. Từ đó, anh chàng gặp lại cô bạn cũ. Cô bạn này cùng với mẹ đều là những “cao thủ ẩn danh”… Đường dây ân oán kéo từ mẹ của cô bạn cho đến ông trùm… nghe thì có vẻ “căng” nhưng tất cả lại được giải quyết một cách nhẹ nhàng, êm đẹp.

Nếu phải dành lời khen hiếm hoi cho phim này thì chính là diễn xuất của La Thành – trong vai thiếu gia Tommy Xinh và sự xinh đẹp lẫn tự nhiên của Khả Ngân. Còn lại thì Cao Thủ Ẩn Danh không đạt sự chỉn chu, hấp dẫn đòi hỏi ở một phim điện ảnh chiếu rạp.

Cao Thủ Ẩn Danh hay cao thủ rảnh, cao thủ bóng, cao thủ lố? - Ảnh 2.

Cả phim là tập hợp những phân cảnh kịch hóa nặng nề, với kiểu làm phim đậm chất truyền hình lê thê. Đôi khi ta tự hỏi, phim truyền hình sao lại đem chiếu rạp? Nhiều đoạn không hiểu lồng vào để làm gì ngoài mục đích chọc cười nhảm nhí, kệch cỡm, phung phí thời gian. Cảm giác như đạo diễn không biết làm gì cho hết 90 phút phim nên cứ nhồi nhét và kéo dài những cảnh kịch nói để câu giờ.

Sau khi xem phim 30 phút, khán giả vẫn khó nhận ra Cao Thủ Ẩn Danh muốn nói đến chuyện gì. Nội dung phim gượng ép, ráng kể chuyện nhưng chẳng đi tới đâu. Sau khi kết phim, khán giả vẫn chưa thấy cao thủ nào cả, có chăng chỉ là cao thủ rảnh, cao thủ “bóng”, cao thủ lố.

Cao Thủ Ẩn Danh hay cao thủ rảnh, cao thủ bóng, cao thủ lố? - Ảnh 3.

Quang Đăng đóng vai một ca sỹ đẹp trai, hát hay, được nhiều “bóng” theo. Trong một lần tình cờ đi… WC, anh phát hiện ra một bí mật nguy hiểm, nên quyết định bỏ qua việc… đi WC, anh “rảnh rỗi sinh nông nổi” lấy điện thoại ra quay lại. Vậy là cuộc đời anh bắt đầu chuỗi ngày chạy trốn. Anh là cao thủ rảnh nhất. Quang Đăng trong phim này diễn xuất không ấn tượng, thuộc dạng ai cũng có thể diễn như vậy được.

Cao Thủ Ẩn Danh hay cao thủ rảnh, cao thủ bóng, cao thủ lố? - Ảnh 4.

Có vẻ như không nhét vào một nhân vật đồng tính thì không phải phim Việt. Nhưng ở thời đại mà đồng tính đang dần được bình thường hóa thì việc cứ nhét vào một nhân vật “bóng lộ” để gây cười rất… mệt mỏi. Với phim này, La Thành tuy diễn tốt – dù vẫn thích kêu gào, la hét – nhưng nhân vật của anh thì chán ngắt, thiếu sáng tạo và đương nhiên là cười không nổi. Anh này là cao thủ “bóng”.

Danh hiệu cao thủ lố dành cho bà mẹ thích chơi nổi do Ốc Thanh Vân đóng, đánh nhau mà xách đàn ra gõ từng tưng như cao thủ võ lâm trong truyện kiếm hiệp Kim Dung. Biên kịch cũng lố không kém khi hư cấu tình huống thành nửa thực nửa ảo mộng. Còn Khả Ngân thì do nhân vật cô con gái vốn thiếu cá tính nên không thể hiện được gì hay đột phá. Khả Ngân nên tìm một vai nhiều sắc thái hơn nếu muốn tiến vào con đường điện ảnh.

Cao Thủ Ẩn Danh hay cao thủ rảnh, cao thủ bóng, cao thủ lố? - Ảnh 5.

Xem Cao Thủ Ẩn Danh, khán giả có dịp hoài niệm những năm 80 của thế kỷ trước với những màn kỹ xảo nhào lộn không thể lộ hơn và những pha đánh võ như múa mà giang hồ thường gọi là “võ mèo quào”. Phong cách dựng phim gây “bất ngờ”, có khả năng khiến người xem ú ớ, chưng hửng với độc chiêu “thích là cắt”, cắt thoải mái không cần phù hợp hay logic. Âm nhạc trong phim cũng rất “cá tính”. Nhạc được lồng “cà giật” theo kiểu nhớ bài nào lồng bài đó, đang nhạc ầm ầm, tắt phụt, xong mấy giây sau lại nhạc thể loại khác, nhạc không cần theo hoàn cảnh.

Tóm lại thì sau khi xem Cao Thủ Ẩn Danh, người ta nhận ra cao thủ ẩn danh không phải là các nhân vật trong phim, mà cao thủ thật sự chính là… đạo diễn. Để mà làm được phim như vậy, đem chiếu cho đông đảo khán giả “thưởng thức” mà không thấy áy náy thì anh quả là cao thủ!



Bài viết cùng chuyên mục