.
.

Captain America: Civil War – ‘Tình yêu không có lỗi, lỗi ở bạn thân’ phiên bản siêu anh hùng


Phần 3 của loạt phim về Captain America được ví như “phiên tòa ly dị thế kỷ”, nơi hai siêu anh hùng chủ chốt của nhóm Avengers mỗi người một ngả.

Mùa hè 2016, sau cuộc “đánh nhau để làm quen” giữa hai siêu anh hùng kinh điển của thế giới DC Comics, khán giả tiếp tục được chứng kiến cuộc “đánh nhau để chia tay” của hai siêu anh hùng được yêu thích bên nhà Marvel là Captain America và Iron Man. “Cặp đôi” này đã có một thời gian cùng chung chiến tuyến khá “mặn nồng”, cho đến khi có… người thứ ba xen vào.

Câu chuyện “tình yêu” nhiều sóng gió

Còn nhớ lần đầu tiên Captain America và Iron Man – hay Steve Rogers và Tony Stark – gặp nhau là trong sự kiện The Avengers 1. Steve là một chàng trai tới từ thế kỷ 20, có những nền tảng giá trị đạo đức xưa cũ khó còn có thể tìm thấy trong thời đại ngày nay. Trong khi đó, Tony lại là gã tỷ phú hoang đàng, người sở hữu bản tính kiêu ngạo, tự tin, sẵn sàng “đứng lên đầu thiên hạ”. Dĩ nhiên, khi mới gặp gỡ, hai luồng tư tưởng này trở nên xung đột khiến họ khó mà làm việc chung dễ dàng.

Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua và tình huống sinh tử buộc cả hai phải hợp sức, Cap và Iron chợt nhận ra họ cũng có không ít điểm chung, mà lớn nhất chính là tâm nguyện một lòng bảo vệ thế giới, bảo vệ người dân vô tội, đứng về phía chính nghĩa. Có thể nói, sự khác biệt lại chính là “nam châm” đưa họ tới gần nhau hơn, tìm hiểu nhau và cuối cùng là trở thành bạn bè. Hẳn khán giả còn nhớ những màn hỗ trợ lẫn nhau đẹp mắt giữa hai “chàng” khi phải đối đầu kẻ thù chung.

Mọi chuyện tưởng chừng như suôn sẻ cho đến khi… cậu bạn cũ của Cap trở lại.

“Đâu phải lỗi của tôi!!!”

Bucky Barnes – biệt danh “hành nghề” hiện tại là Winter Soldier – vốn là bạn thân của Steve từ thời còn cởi truồng tắm mưa. Dù là trong truyện tranh hay trong phim ảnh, cũng có thể thấy rõ quan hệ khăng khít giữa hai người từ khi Steve mới chỉ là thằng nhóc gầy guộc, mắc đủ thứ bệnh tật và suýt chết không biết bao nhiêu lần. Còn Bucky khi đó, trái ngược, lại là một chàng trai khỏe mạnh, cao lớn, thông minh và không thiếu những “bóng hồng” theo đuổi. Tuy vậy, Bucky vẫn không ngại mà chơi với Steve, bảo vệ Steve khỏi những tên lưu manh và còn chăm sóc Steve lúc ốm đau. Sau khi Steve trở thành Captain America, Bucky cũng chẳng hề so đo, ganh tị mà tiếp tục trở thành cánh tay phải đắc lực, kề cận chiến đấu bên Cap cho đến khi một tai nạn khủng khiếp đã “chia lìa đôi lứa”.

Hàng chục năm sau, Cap được rã đông và trở lại cuộc sống bình thường nhưng anh luôn cảm thấy lạc lõng giữa thời đại không phải của mình. Ngay cả những người bạn mới từ nhóm Avengers cũng không thể khiến anh khỏa lấp nỗi cô đơn trong lòng. Đúng lúc ấy, cậu bạn chí cốt của anh trở lại với nhân dạng… sát thủ HYDRA, cực kỳ nguy hiểm và tàn nhẫn. Hóa ra, vụ rớt tàu năm xưa chưa làm Bucky mất mạng mà chỉ mất một cánh tay, và cậu bị HYDRA bắt về, tẩy não, đào tạo thành sát thủ bậc nhất.

Lúc ấy, dù đã là Captain America thân mang trọng trách gánh vác hòa bình thế giới, khoác lên mình bộ đồng phục cờ ba màu, thì bên trong Steve vẫn chỉ là cậu bé 16 tuổi đến từ Brooklyn năm nào. Steve không thể bỏ mặc người bạn cũ của mình lay lắt giữa thiện và ác. Và đó là một phần lý do dẫn đến cuộc “Nội chiến” gay cấn giữa Steve và Tony, hay rộng hơn là hai nửa của nhóm Avengers.

Cô ấy rất đẹp, nhưng mà chỉ là "nữ phụ đam mỹ" thôi.
Cô ấy rất đẹp, nhưng mà chỉ là “nữ phụ đam mỹ” thôi.

Siêu anh hùng đối đầu siêu anh hùng

Captain America: Civil War diễn ra ngay sau sự kiện Sokovia ở Avengers: Age of Ultron. Lúc này nhóm Avengers phải chịu trách nhiệm cho những thương vong không mong muốn về phía thường dân mà nhóm gây ra trong lúc chiến đấu với kẻ thù. Các quốc gia trên thế giới lập ra một đạo luật, bắt buộc các siêu anh hùng phải hoạt động dưới sự kiểm soát của một cơ quan chính phủ. Trong khi Tony nhận thức được sự nguy hiểm nếu các siêu anh hùng cứ tự tung tự tác mà không được kiểm soát, ngăn chặn khi cần, thì Steve cho rằng việc nằm dưới quyền ai đó sẽ hạn chế rất nhiều tính cơ động của siêu anh hùng, bởi vậy Steve không đồng ý ký vào đạo luật và quyết định sẽ… sống ngoài vòng pháp luật.

Đúng lúc ấy, Bucky Barnes bị tình nghi là thủ phạm đánh bom trụ sở Liên Hiệp Quốc, khiến cậu trở thành đối tượng bị truy nã trên toàn cầu. Mặc dù vậy, Cap vẫn bất chấp tất cả lao đi tìm kiếm và bảo vệ Bucky khỏi những người truy đuổi cậu. Mâu thuẫn giữa phe Cap và phe Iron Man lên đến đỉnh điểm, không thể vãn hồi từ đây.

“Ôm thắm thiết rồi đường ai nấy đi nào!”

Với thời lượng ngang ngửa, nhưng tác phẩm của anh em nhà Russo giải quyết khâu xây dựng và dàn xếp “chỗ đứng” cho số lượng nhân vật lớn tốt hơn so với Avengers: Age of Ultron ra mắt năm ngoái. Ở nửa đầu phim, ta vẫn có thể thấy được quá trình hòa nhập và chấp nhận thực tại khó khăn của Cap, đồng thời với sự dằn vặt, trưởng thành từng ngày của Iron Man. Từ một tỷ phú kiêu ngạo, anh càng ngày càng điềm tĩnh, chín chắn hơn, và bắt đầu nhận thức rất rõ về trách nhiệm của người bảo vệ thế giới.

tonystark
Chưa bao giờ ta thấy một Iron Man mệt mỏi đến thế…

Tuy nhiên, sự phát triển tâm lý của Steve cũng không hề “sai lạc” như nhiều khán giả nhận xét. Bởi vì, xét từ phần Captain America đầu tiên, Steve đã luôn thể hiện mình là một gã ương bướng, thích làm trái lệnh, và đặc biệt coi trọng tình cảm. Nên sẽ rất kì quặc nếu Steve lại đồng ý ký vào Đạo luật ngay lập tức, hay bỏ mặc người bạn thân duy nhất bị vướng vòng lao lý vì những chuyện cậu làm trong lúc không tỉnh táo.

Khác với những bộ phim siêu anh hùng khác, bạn luôn có ít nhất một kẻ phản diện để đổ lỗi, thìCivil War không có kẻ thủ ác nào khác, chỉ có chính những siêu anh hùng với hai luồng tư tưởng xung khắc. Ngay vào một thời điểm thoáng qua nào đó, Steve đã phân vân đặt bút ký Đạo luật, nhưng rồi anh nhận ra biết đâu mình sẽ lại trở thành tay sai cho kẻ khác. Còn Tony thì quá ân hận và đau lòng vì những gì Ultron đã gây ra, nên muốn đặt mình vào ranh giới nào đó đáng tin cậy… Chắc chắn ngay cả sau khi đã xem xong bộ phim, bạn vẫn không thể chỉ ra phe nào mới là đúng, luận điểm của ai mới là chính xác. Đó chính là sự phức tạp hay ho của Civil War.

civilwar2
“Ly dị thôi!”

Ngoài những siêu anh hùng cũ, phim cũng giới thiệu hai gương mặt mới toanh là Black Panther – vị vua Wakanda giàu có, hùng mạnh, và Spider-man – cậu thiếu niên… nghèo rớt, lắm mồm, biết bắn tơ nhện. Điểm chung giữa hai nhân vật này là… đa số xuất hiện thông qua kỹ xảo vi tính CGI, tuy nhiên lại được khán giả ngợi khen nhiệt liệt vì cá tính thể hiện rõ ràng, hành động mãn nhãn. Đặc biệt là cậu bé Spider-man lanh lợi, hoạt bát đáng yêu đã chiếm được cảm tình của đa số người xem, mở đường cho phần phim riêng về cậu mang tên Homecoming ra mắt năm 2017 hứa hẹn sẽ là bom tấn vô cùng thành công khác của hãng Marvel.

Báo đại gia
và Nhện “nhọ”

Một nhân vật khá thú vị khác là Helmut Zemo – người nuôi trong mình sự thù hận cay nghiệt với nhóm Avengers. Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: một kẻ tầm thường không có siêu năng lực, không có trí tuệ vượt trội như Zemo làm sao có thể đối đầu với những siêu anh hùng tầm cỡ như Cap, Iron Man? Nhưng rồi người ta nhận ra rằng, dù là siêu anh hùng đi chăng nữa thì họ cũng có những yếu đuối, mù quáng, vị kỷ, và chính điều đó làm nên tính nhân văn của phim.

Quay trở lại với “chuyện tình tay ba” vô cùng rắc rối giữa Tony, Steve và Bucky. Dường như chủ đề chính trị là quá lớn hoặc quá khó giải quyết, hoặc biên kịch “lỡ tay” xây dựng hai hệ tư tưởng đều… đúng, nên cuối cùng họ buộc phải để Bucky trở thành “con tốt thí” lần nữa. Khi Cap và Iron không thể phân định đúng sai, lý do đẩy cuộc nội chiến lên cao chính là vấn đề sống chết của Bucky. Trong khi chính phủ muốn bắt nhốt Bucky, Zemo muốn thôi miên cậu và cuối cùng là Tony muốn giết chết cậu, thì Cap buộc phải đứng giữa Bucky và thế giới để bảo vệ cậu. Nói cho cùng, nguyên nhân lớn nhất gây ra “nội chiến” không phải là những mưu đồ chính trị, hay khác biệt quan điểm, mà lại là… tư thù cá nhân. Chính diễn viên Chris Evans – người thủ vai Captain America – đã từng thừa nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn không lâu trước đó.

Điều này có làm ảnh hưởng đến giá trị của bộ phim không? Một phần. Khán giả mong chờ một cuộc chiến hoành tráng và có chiều sâu, nhưng đáp lại họ là một lý do có phần quá vị kỷ cá nhân. Tuy nhiên, nếu xét về mặt cảm xúc, các diễn viên đã làm quá tốt vai trò của họ ở cảnh cuối. Tất cả đều đẩy được cảm xúc của nhân vật đến cao trào, để cho người xem thấm thía nỗi đau cũng như sự bất lực của từng anh hùng trước tình huống trớ trêu này. Có người nói, đây giống một cuộc “chia tay, đòi quà” nhưng tất cả diễn ra trong bi kịch, và hành động dứt khoát của Cap ở đoạn cuối cho thấy, anh đã lựa chọn con đường rõ ràng cho mình, cũng là con đường từ nay không còn chung lối với Tony, với một số Avengers khác…

Thế nhưng, #sautấtcả, có lẽ Civil War đã hoàn thành trọn vẹn vai trò của nó: đưa vũ trụ điện ảnh Marvel sang một trang mới, phức tạp hơn, sâu sắc hơn, và có thể là đen tối hơn. Chúng ta đã được thấy ngay cả những người hùng cũng có phần không hoàn thiện, cũng có sân si ích kỷ, bởi vậy mà họ trở nên đời thường hơn rất nhiều. Với lợi thế về nội dung, âm thanh, hình ảnh, và đặc biệt là các phân đoạn hành động “không có chỗ chê”, Captain America: Civil War có lẽ sẽ không có đối thủ tại rạp chiếu Việt Nam trong dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay.

Theo saostar.vn



Bài viết cùng chuyên mục