.
.

Chất lượng thật sự của “Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể” như thế nào?


“Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể” – bộ phim khiến dư luận dậy sóng có xứng đáng là bom tấn của điện ảnh Việt trong năm nay?

Điện ảnh Việt năm nay chứng kiến một hiện tượng thú vị khi nhiều dự án có chuyện bên lề còn “thu hút” hơn chính bộ phim. Tiêu biểu là Bệnh Viện Ma với chuyện tình Trấn Thành – Hari Won, Mặt Nạ Máu với cuộc chiến của hai mỹ nhân Tinna Tình – Dương Cẩm Lynh, rồi đến Tấm Cám gây sốt từ trước khi ra mắt chỉ vì chuyện CGV có chiếu hay không. Quên đi tất cả tranh cãi hậu trường vài ngày qua, hãy cùng ngồi lại đánh giá chất lượng thật sự của bộ phim.

Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 1.

Cuộc chiến truyền thông còn gay cấn hơn cuộc chiến Tấm – Cám

Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể được phát triển từ câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc với người Việt. Mặc dù vậy, đúng như cái tên “Chuyện Chưa Kể” thì tác phẩm còn lồng vào nhiều chi tiết hoàn toàn mới. Xu thế này khá quen thuộc ở Hollywood vài năm gần đây với Maleficent, Frozen hay Dracula Untold. Dự án có kinh phí 20 tỷ đồng, do Ngô Thanh Vân đạo diễn cùng một ê-kíp 100% người Việt.

Phim bắt đầu bằng một cảnh quay ấn tượng khi thái tử (Isaac) cùng các võ tướng phi ngựa về kinh và tình cờ gặp Tấm (Hạ Vi). Sau đó là câu chuyện về gia đình Tấm Cám đúng như phiên bản gốc. Sống với mụ dì ghẻ (Ngô Thanh Vân) và cô em Cám gian xảo (Ninh Dương Lan Ngọc), Tấm phải làm việc vất vả nhưng luôn bị bắt nạt. Những tình tiết kinh điển như rổ tép, cá bống, nhặt đậu được tái hiện trên màn ảnh. Nghệ sĩ Thành Lộc góp mặt trong vai ông Bụt, gợi nhớ đến vở diễn không lúc nào thôi cháy vé ở IDECAF (trong đó anh thủ vai Cám). Những đoạn ở nhà Cám mang âm hưởng sân khấu khá nhiều với diễn xuất theo lối “kịch” của các diễn viên.

Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 2.

“Bộ ba mỹ nhân” Ngô Thanh Vân, Lan Ngọc và Hạ Vi trong một cảnh quay

Tham vọng của Ngô Thanh Vân thể hiện sau đó khi nâng tầm dự án của mình theo hướng kỳ ảo – giả tưởng. Nhân vật nhà vua có cá tính mờ nhạt trong truyện thì trên màn ảnh trở thành một vị thái tử anh minh, dũng cảm. Có thể nói, vai diễn của Isaac mới thật sự là nhân vật chính của phim, xuất hiện nổi bật trong hầu hết cảnh quay. Khi nước nhà bị xâm lăng, anh phải thân chinh ra trận trong lúc triều chính bị tể tướng (Hữu Châu) thao túng. Hướng đi tinh tế này giúp phim có thể lồng vào nhiều ý nghĩa như lòng yêu nước, nghĩa khí bên cạnh sự lãng mạn quen thuộc.

Cứ thế, Tấm Cám là câu chuyện về nước non, xã tắc, về vận mệnh quốc gia chứ không chỉ là chuyện tình của mỹ nhân và người hùng. Hình ảnh ba quân lao lên với khí thế ngất trời chắc chắn sẽ làm sục sôi bầu máu nóng trong mỗi người Việt Nam. Phân cảnh các võ tướng đồng thanh xin đánh như muốn truyền tải thông điệp về một dân tộc anh hùng, không bao giờ cúi đầu trước ngoại bang, đúng như câu nói của một nhân vật trong phim: “Đánh, cho chúng biết nước này còn có chủ”.

Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 3.

Cảnh chiến trận thể hiện tinh thần dân tộc

Qua đó, phiên bản điện ảnh cũng khắc họa được sự phát triển về tính cách của hai nhân vật chính. Thái tử không chỉ biết hưởng thụ, yêu đương mà còn phải chống thù trong giặc ngoài, trải qua cơn thập tử nhất sinh để giành ngôi báu. Tấm không chỉ là người đẹp chung tình suốt mấy kiếp, mà nàng còn trực tiếp cứu thái tử, giúp anh chiến đấu với kẻ thù. Một thái tử như vậy mới xứng là bậc đế vương, một nàng Tấm như vậy mới xứng là quốc mẫu thiên hạ.

Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 4.

Thái tử và Tấm xứng đôi với nhau

Phần kỹ xảo và phục trang thể hiện sự cố gắng của đoàn phim. Cảnh cung điện, tòa tháp nhìn từ trên cao mãn nhãn và tiến bộ hơn Ngày Nảy Ngày Nay. Hình ảnh cánh đồng, dòng sông, làng quê giúp phô bày vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam. Do Tấm Cám không phải phim lịch sử nên trang phục không nhất thiết phải theo thời đại nào. Chúng được xây dựng từ yếu tố truyền thống nhưng phá cách để tạo hiệu ứng thị giác mạnh hơn, thể hiện tính cách nhân vật. Tiêu biểu như như dì ghẻ có bộ áo đen và son đậm, váy áo của Cám thì sặc sỡ, diêm dúa, còn giáp của thái tử toát lên sự mạnh mẽ.

Theo Ngô Thanh Vân chia sẻ, cô chỉ có 30 người lính và một con ngựa nhưng vẫn dựng được trận đánh đông người. Những cuộc đấu tay đôi được thực hiện với biên đạo chắc tay, gọn gàng. Điều này không có gì lạ bởi bản thân đạo diễn cũng là một diễn viên võ thuật thực lực. Phân đoạn hấp dẫn nhất là khi thái tử và một võ tướng quyết đấu bên vách núi. Cảnh quay kéo dài đến vài phút và bối cảnh hùng vĩ càng làm tăng thêm ấn tượng của người xem.

Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 5.
Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 6.

Những cảnh làng quê mãn nhãn trong phim

Khuyết điểm về mặt hình ảnh của phim nằm ở tạo hình những con quái vật còn quá giả tạo, như đã thấy trong trailer. Có lẽ nếu Ngô Thanh Vân chọn hướng đi khác, cho phim kết thúc bằng một trận chiến võ thuật đúng với sở trường thì cô đã thành công hơn. Thay vì vậy, nữ đạo diễn dường như khá “tham” khi lồng vào cả yếu tố giả tưởng mà cô chưa đủ khả năng thực hiện. Trong buổi phỏng vấn gần đây, Ngô Thanh Vân cũng chia sẻ nếu có 30 tỉ thì phim đã chỉn chu hơn.

Trong dàn diễn viên, Isaac hoàn thành vai diễn dù đôi chỗ anh hơi gồng mình, “phát hiện mới” Hạ Vi lại đuối sức giữa các bạn diễn. Điểm sáng thuộc về Ninh Dương Lan Ngọc và Ngô Thanh Vân, hai nữ diễn viên thực lực bậc nhất của điện ảnh Việt. Một phân cảnh khá thú vị là khi được yêu cầu giết Tấm, mẹ con Cám đã chuyển từ tông “làm quá” bình thường sang nét sợ hãi trên khuôn mặt. Khoảnh khắc nhỏ này cho thấy một chút giằng xé tâm lý của họ chứ không hoàn toàn độc ác như trong truyện.

Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 7.

Hạ Vi dù đẹp nhưng còn quá non trong vai đầu tay

Nét chấm phá hài hước của phim thuộc về Thành Lộc, Jun 365 và Ngọc Trai. Trong đó, Jun gây bất ngờ nhất với hình ảnh thái giám nói giọng Huế, điệu đà và dễ thương. Điểm đáng tiếc của phim lại là tuyến phản diện. Kiểu hài tình huống của Hiếu Hiền có vẻ khá “lệch tông” khi anh đang đóng vai một thủ lĩnh ngoại bang xâm lược. Trong khi đó, vai tể tướng của Hữu Châu lại thể hiện sự tàn ác kiểu trực diện qua cách trang điểm và điệu cười “sân khấu” được lặp lại nhiều lần. Bản thân Hữu Châu là một nghệ sĩ gạo cội, song cách thiết kế vai diễn không tốt đã làm lãng phí tài năng của anh.

Kịch bản tổng thể của Tấm Cám hợp lý nhưng còn nhiều chỗ vụn vặt, giải quyết tình huống chưa thuyết phục. Nhân vật của Will thay đổi tâm lý xoành xoạch và gượng ép. Mẹ con Cám mất hút ở đoạn sau nhưng có một tình tiết dường như cố nhét vào để người ta không quên họ. Như đã đề cập ở trên, tuyến phản diện người Chinh La không đủ sức nặng cho câu chuyện. Mạch phim của Tấm Cám cũng không đồng nhất, phần giữa tạo cảm giác hơi lê thê với người xem.

Sau tất cả lùm xùm, chất lượng thật sự của Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể đến đâu? - Ảnh 8.

Cảnh chiến trận công phu trong “Tấm Cám”

Với phần hình ảnh đẹp mắt và thông điệp về tình yêu, tinh thần dân tộc, không quá lời khi nói Tấm Cám là phim kỳ ảo – cổ tích hay nhất của Việt Nam cho đến nay, một bộ phim đáng ngưỡng mộ. Dù còn vài khuyết điểm về câu chuyện, tạo hình nhưng tác phẩm đã cho thấy sự đầu tư, tâm huyết của ê-kíp sản xuất. Hơn thế, Tấm Cám còn mang trên mình niềm tự hào rằng người Việt, một đoàn phim 100% người Việt Nam, cũng có thể sản xuất một bom tấn mang hơi hướng Hollywood.

Dẫu kết quả phòng vé thế nào, sự liều lĩnh và nỗ lực vượt qua giới hạn của Ngô Thanh Vân xứng đáng là nguồn cảm hứng cho những người đi sau theo đuổi giấc mơ của mình, đúng như câu nói của Jerry Rice: “Ngày hôm nay tôi làm những gì người khác không làm, để ngày mai tôi đạt được những gì người khác không thể”.

Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể khởi chiếu từ ngày 19/8.

Theo Ân Nguyễn / Trí Thức Trẻ


Bài viết cùng chuyên mục