Nhiều người không tin ông Bảo Tài là cháu nội của vị vua yêu nước Thành Thái cho đến khi tới thăm nhà.
Vợ chồng ông Bảo Tài rời quê lên Sài Gòn thuê trọ để tiện cho việc chữa bệnh, bấm huyệt cho con gái
Trong số hàng trăm hậu duệ của vua Thành Thái, hoàng tôn Nguyễn Phúc Bảo Tài (52 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, Cần Thơ) là người có cuộc sống vất vả nhất. Do hoàn cảnh khó khăn nên mãi đến năm 40 tuổi, ông Tài mới lấy vợ. Hai năm sau vợ chồng ông sinh được cô con gái kháu khỉnh đặt tên là Nguyễn Phước Thanh Tuyền. Tuy nhiên, bé gái bị liệt một phần não, tứ chi không hoạt động.
Hàng xóm bất ngờ khi biết sống ngay cạnh cháu nội nhà vua
Ông Nguyễn Tấn Thành – trưởng ấp Nhơn Hưng (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền), nơi gia đình hoàng tôn Nguyễn Phúc Bảo Tài ở – cho biết, trước đây, ông Bảo Tài chạy xe ôm, bán vé số ngoài thành phố Cần Thơ nhưng về sau, gia đình chuyển về đây sinh sống, đến giờ cũng được 10 năm. Do hoàn cảnh khó khăn nên ông Bảo Tài được chính quyền địa phương hỗ trợ xây tặng căn nhà tình nghĩa.
“Ban đầu, tôi và người dân ở đây không biết chú ấy là cháu nội của vua. Chỉ đến khi tới nhà, thấy bàn thờ của gia đình chú Tài có nhiều hình ảnh các vị vua chúa rồi có cố thủ tướng Võ Văn Kiệt tới thăm, chúng tôi mới tin đó là sự thật”, ông Thành nói.
Bàn thờ vua Thành Thái trong nhà ông Bảo Tài tại Cần Thơ
Ông Nguyễn Tấn Thành, trưởng ấp Nhơn Hưng cho biết, nhiều người hàng xóm không tin ông Bảo Tài là cháu nội của vị vua yêu nước Thành Thái. Chỉ đến khi đến nhà ông, mọi người mới biết đó là sự thật.
Ông Nguyễn Văn Bul có nhà gần nhà ông Tài cho biết: “Trước đây, ngồi nói chuyện tôi hay hỏi về nguồn gốc thì được chú Tài nói là cháu của vua. Tưởng chú ấy nói đùa nhưng khi có báo chí đăng, cả xóm mới biết chú Tài là hậu duệ của vị vua yêu nước Thành Thái. Hai vợ chồng chú ấy sống hiền lắm. Tuy cuộc sống khó khăn, phải nuôi con gái bệnh nhưng chú Tài cũng thường xuyên giúp đỡ mọi người”.
Bà Nguyễn Phúc Thanh Cát – chị ruột ông Bảo Tài cho biết, trong số 7 người con của hoàng tử Vĩnh Giu (ông Vĩnh Giu là con trai thứ 19 của vua Thành Thái), Bảo Tài là út. Tất cả anh chị em đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng Bảo Tài khổ hơn.
Bà Cát nói: “Dù cuộc sống khó khăn nhưng chị em bà luôn được cha dạy rất nghiêm khắc, không vì đói khổ mà làm trái đạo lý ảnh hưởng đến truyền thống gia đình. Tôi luôn nhớ lời cha dặn “giấy rách phải giữ lấy lề”. Gốc gác hoàng tộc là điều để mình tự hào và cũng không nên vì điều này mà cao ngạo”.
Sắp được về thăm lăng gia tộc sau 10 năm biền biệt
Về đứa con bệnh tật, theo ông Bảo Tài, sau nhiều năm chạy chữa, các bác sĩ cho biết con gái ông bị liệt tứ chi không thể cử động được nhưng tinh thần rất minh mẫn.
Hằng ngày, ông Bảo Tài đi làm phụ hồ, vợ ông xin làm quét rác cho một cơ sở gần nhà trọ để tiện chăm sóc con gái.
“Tôi chuyển từ Cần Thơ lên Sài Gòn thuê trọ cũng gần 1 năm nay để tiện cho việc chữa bệnh, bấm huyệt cho con gái. Giờ cháu cũng đỡ rồi, bé Thanh Tuyền đã tự ngồi được. Tuy nhiên, số tiền dành dụm của hai vợ chồng cũng tiêu tan sau thời gian thuê nhà trọ”, ông Bảo Tài nói.
Hằng ngày, ông Bảo Tài đi làm phụ hồ, tiền công cũng được 200.000đ/ngày. Vợ ông được nhận vào làm quét rác cho một cơ sở gần nhà để tiện cho việc chăm sóc con. Trong căn nhà trọ nằm cuối đường Hoàng Hưng (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM), nơi gia đình hoàng tôn Bảo Tài thuê ở chẳng có vật dụng gì giá trị ngoài những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Thân (75 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố 45 KP 3, phường An Lạc A, quận Bình Tân) cho biết: “Hoàn cảnh của anh Tài ai cũng biết nên nhiều người trong tổ rất quan tâm, mọi người đều thương mến. Tôi đã nhận cho cháu Thanh Tuyền được tạm trú trong nhà (trên giấy tờ) để làm hồ sơ xin bảo hiểm cho cháu và đã được chấp thuận”.
Được đưa đi bấm huyệt, đến nay, sức khỏe bé Thanh Tuyền đã có tiến triển tốt.
Cũng theo bà Thân, mới đây, một phái đoàn gồm nhiều cán bộ của tỉnh Thừa Thiên – Huế có đến thăm gia đình ông Tài. Đoàn này hứa hẹn sẽ đài thọ cho gia đình hoàng tôn một chuyến đi về Huế nhân ngày húy kỵ vua Thành Thái.
“Nghe vậy cũng mừng cho chú ấy. Do cuộc sống khó khăn phải biền biệt nhiều năm giờ sắp được có cơ hội trở về cố đô Huế thăm lăng gia tộc cũng như gặp người thân trong dòng họ”, bà Thân chia sẻ.
Vua Thành Thái (tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân là nhà vua thứ 10 triều Nguyễn, trị vì từ năm 1889 đến 1907). Khi còn tại vị, vua Thành Thái không chịu khuất phục nên bị chính quyền đô hộ Pháp phế truất ngôi vua, đày cựu hoàng và cả gia đình sang đảo Reunion trên Ấn Độ Dương. Sau hơn 30 năm bị lưu đày, vua và gia đình trở về cố hương nhưng gia đình rơi vào cảnh ly tán khắp nơi.
Hoàng tử Vĩnh Giu – người con thứ 19 của vua Thành Thái và thứ phi Chí Lạc, em ruột vua Duy Tân bị người Pháp đưa về Cần Thơ làm làm trong ngành cầu đường. Đến năm 1951, hoàng tử Vĩnh Giu kết hôn với bà Lý Ngọc Hóa, sinh được 7 người con, trong đó, hoàng tôn Bảo Tài là con út. 10 năm trước, hoàng tử Vĩnh Giu mất và được đưa về lăng gia tộc ở Huế an táng.
|