.
.

Công phu chế tác trống của người Jrai


Với người Jrai ở Gia Lai, trống không đơn thuần là một loại nhạc cụ truyền thống mà còn được xem là vật chứa đựng giá trị về vật chất cũng như tinh thần, mang ý nghĩa thiêng liêng trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Jrai từ bao đời nay.

cong phu che tac trong cua nguoi jrai hinh anh 1

Già làng người Jrai đánh trống trong lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả) tại xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: T.l

Vì vậy, quy trình chế tác trống của người Jrai hết sức công phu, phức tạp và phải tuân theo các luật tục, nghi thức thần linh một cách nghiêm ngặt. Trước hết là khâu tuyển chọn nguyên liệu, với tang trống phần lớn được làm từ thân cây gỗ sao (khác với tang trống của người Việt được làm từ gỗ mít) và được ghép nhiều thanh lại với nhau. Khi chọn nguyên liệu làm trống người Jrai phải giết gà, heo để cúng và lúc chọn cây họ chỉ ước lượng đường kính, chiều cao của thân cây, tuyệt đối không dùng thước đo để tránh làm náo động thần cây.

Người Jrai thường sử dụng da trâu, bò để làm mặt trống. Với quan niệm vạn vật, hiện tượng luôn luôn tồn tại song song hai mặt, âm-dương, đất-trời,… nên khi làm trống, đặc biệt với loại trống lớn có đường kính mặt trống từ 0,8 – 1,2m người ta sử dụng da của 2 con trâu (trâu đực và trâu cái). Khi trống hoàn thành, người Jrai vẫn thường gọi 2 loại mặt trống là mặt đực và mặt cái, phân biệt qua cấu tạo trên mặt trống (mặt đực có khoét lỗ thông hơi, mặt cái không khoét lỗ) và phân biệt qua âm thanh phát ra khi đánh trống (đánh vào mặt đực có âm trầm, hào hùng; mặt cái âm thanh, bay bổng).

Trống của người Jrai dù to hay nhỏ đều được làm từ gỗ nguyên thân và sử dụng kỹ thuật đục, đẽo, khoét rỗng thân cây được cắt ra và đục khoét tang trống tại nơi lấy cây. Người Jrai sử dụng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa… để đục khoét tang trống từ hai mặt dần dần vào, hoặc có khi người ta đốt lửa hai đầu cho cháy thâm vào từ hai bên sau đó dùng rìu, rựa để tu chỉnh và đục đến khi thông nhau. Tang trống  đục khoét xong sẽ không đưa về nhà ngay mà để lại ở đó cho khô, sau đó trở lại rừng và làm lễ rước trống về làng.

Tiếp đến là công đoạn bọc (bịt, bưng) trống. Những người tham gia bọc da trống phải là người biết đánh trống, thường là các già làng. Để làm căng mặt trống, người Jrai cũng dùng chèn, đai mây, búa gỗ, đinh ghim bằng tre để níu căng da trống. Trên tang trống người ta khoan nhiều lỗ để ghim đinh từ mặt trống cho đến giữa thân. Trước đây trống được bọc kín cả tang trống từ hai mặt vào và dùng đinh tre hoặc đinh gỗ, về sau người ta chỉ bọc ở hai mặt trống, tang trống để trần và dùng đinh kim loại.

Theo Thùy Hương



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục