.
.

Cụ bà bán nước thạo 4 ngoại ngữ, ‘sứ giả văn hóa’ Sài Gòn


Cụ bà Nguyễn Thị Định bán nước vỉa hè nói được 4 ngoại ngữ được nhiều người gọi là “sứ giả văn hóa” Sài Gòn.

Luôn là Sài Gòn hoa lệ, ồn ào có phần hỗn tạp nhưng trong từng mảng nhỏ của cuộc sống, Sài Gòn thật yên bình, dễ thương và ấm áp bởi tình người, bởi sự hào sảng tự nhiên khiến bất cứ ai đã là người Sài Gòn đều cảm thấy tự hào. Cụ Nguyễn Thị Định là một trong số đó. Cụ giỏi 4 ngoại ngữ và nói chuyện rất duyên. Mọi người vẫn thường gọi cụ là “sứ giả văn hóa” Sài Gòn.

Cụ Định có thể tự tin giao tiếp với khách nước ngoài bằng 4 ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Campuchia.

“Dear Madam! What do you buy? Coffee? Water? One đô la…”. “Madame! Acheter de l’eau…”. Dù là dùng toàn “bồi ngữ” nhưng cái cách chào hỏi hồn hậu, vui vẻ của cụ bà Nguyễn Thị Định ở góc phố Công viên 23/9 đã khiến những “ông Tây, bà Tây” cảm thấy Sài Gòn thật thân thiện và gần gũi. Cứ thế, đến uống với cụ vài lần, họ thành thân quen. Không chỉ giao tiếp được tiếng Anh, tiếng Pháp cụ Định còn có thể nói được cả tiếng Miên (Campuchia) và tiếng Tàu (Trung Quốc).

“Cụ bà ngoại ngữ”

Năm nay đã 88 tuổi, thân hình thấp bé, lưng còng sát đất, cụ Định bán quán nước giải khát nhỏ trên góc phố ngã ba Phạm Ngũ Lão – Trần Hưng Đạo (Công viên 23/9, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) là người bạn của rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại Sài Gòn. Họ xem cụ như người bạn tâm giao, mỗi khi đi ngang qua quán nước đều cố ghé trò chuyện, đôi khi chỉ dăm ba câu thăm hỏi sức khỏe và cuộc sống cho đỡ nhớ cụ.

Cụ Định cho biết, cụ đã gắn bó với quán nước giải khát tại vị trí này được 38 năm. Từ khi lấy chồng, sinh đứa con đầu lòng là cụ ra đây dựng quán nước này tới tận bây giờ. “Hồi trước không có nhiều loại nước đa dạng và nhiều quán mọc lên như giờ. Ngày đó, già chỉ bán vài ba loại nước giải khát đơn giản cùng với thuốc lá. Bán ít vậy nhưng buôn bán vẫn đủ lo cho cả gia đình và các con ăn học.” – bà kể lại.

Ở tuổi 88 nhưng cụ Định sức khỏe vẫn còn tốt, gần 40 năm qua chưa một lần đau ốm.

Cũng thời đó, đối tượng bán chủ yếu là khách nước ngoài. Khi đất nước mới giải phóng, khu này mấy ông Tây, bà Đầm ở nhiều. Vậy là quán nước của cụ gặp thời. Lợi thế của cụ là hồi trẻ có đi làm đẹp cho vợ mấy ông Tây (sau này là người Hoa, Campuchia) nên được tiếp xúc với người nước ngoài nhiều. Từ đó cụ tích lũy được kha khá vốn ngoại ngữ. Rồi một thời gian sau, người nước ngoài về nước, phố này thưa dần. Sau đó cụ chuyển sang bán cho người Việt một thời gian khá dài. Mấy năm trở lại đây, người nước ngoài trở lại Việt Nam nhiều, khu phố này sầm uất trở lại. Vì thế, vốn ngoại hồi xưa của cụ lại được dịp dùng tới. Suốt thời gian dài không sử dụng nên nhiều từ cụ tưởng đã quên nhưng chỉ cần một vài tình huống là cụ lại lục lọi trí nhớ và mọi cuộc giao tiếp đều ổn thỏa.

Bà Ba, dì Ba Cụ là cái tên thân thương mà những người lao động nghèo và khách hàng vẫn dùng để gọi cụ Định. Đặc biệt hơn cụ còn được nhiều người gọ là “cụ bà ngoại ngữ” với khả năng có thể nói được bốn ngoại ngữ khá trôi chảy như tiếng mẹ đẻ.

“Bật mí” về quá trình học được bốn thứ tiếng của mình, cụ Định khiêm tốn: “Thực sự già cũng không giỏi gì hơn ai đâu, nhưng cái may của già là cái nghề nó mang tới. Già bán quán nước này gần 40 năm rồi, đó cũng chính là chừng ấy năm già được tiếp xúc với nhiều loại khách khác nhau, không chỉ người Việt mà người nước ngoài cũng rất nhiều, nhờ vậy mà già mới hiểu được thứ tiếng của họ. Cứ thế ngày qua ngày tiếp xúc và tập nói riết giờ thành quen. Lúc đầu cũng hơi ú ớ, họ hỏi một đường mình nói một nẻo, cũng khó khăn lắm chứ không dễ gì. Giờ giao tiếp lâu năm, thành thạo rồi, nói cái hiểu liền.

Những câu nói giao tiếp của già cũng đơn giản lắm, chỉ là hỏi mua cái này cái kia, bao nhiêu tiền, hỏi đường, chỉ dẫn đường, giới thiệu danh lam thắng cảnh, món ăn cho bạn bè, du khách nước ngoài nghe và biết. Nói ngoại ngữ chủ yếu là những câu giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày chứ những từ ngữ phức tạp hơn liên quan tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, xây dựng, giáo dục… thì già không thể nói được.”

Niềm vui từ việc mưu sinh

Có lẽ nhiều người khi ngang, bắt gặp một cụ bà nhỏ bé, lưng còng cặm cụi ngồi bán quán đều có chung suy nghĩ: “con cái đâu mà để cụ ra ngồi quán nước như thế này?”. Nhưng công việc của cụ Định không hẳn là mưu sinh mà trên hết là tìm niềm vui an lạc tuổi già. “Quán nước gắn với già gần 40 năm rồi. Giờ nghỉ cũng được nhưng buồn lắm. Ngày nào không ra là thấy nhớ. Con cháu đã nhiều lần khuyên nhưng già vẫn kiên quyết tự nguyện ra đây như để tìm chút niềm vui tuổi già.”

Quán nước nhỏ của cụ Định trên góc phố ngã ba Phạm Ngũ Lão – Trần Hưng Đạo.

Cụ tự hào cho biết, nhờ cái quán nước nhỏ bên đường này mà con cái của cụ được ăn học đàng hoàng, tử tế, có công việc ổn định và cuộc sống không thua kém ai. Chồng mất sớm, một mình cụ gồng gánh nuôi 3 người con ăn học và trưởng thành. Anh con trai đầu hiện là giáo viên, anh út là trưởng phòng một công ty sách và người con gái làm kinh doanh. Tất cả đều đã lập gia đình có nhà có cửa riêng.

Cuộc sống của cụ đã gắn với công việc này bao nhiêu năm, nhờ nó mà cụ mới có được gia tài lớn là những đứa con trưởng thành, khôn ngoan, hiếu thảo. Dẫu biết con cháu có lòng khuyên cụ ở nhà nhưng cụ lại thầm nghĩ về nhà ngồi một chỗ, chỉ biết ăn với chơi cũng không làm gì được. Cụ sợ sẽ buồn, sẽ chán khi tuổi già trôi trôi theo dòng đời. Cụ xem việc bán quán nước như tập thể dục vì được đi qua, đi lại nhiều. “Cũng hên là gần 40 năm qua già khỏe mạnh lắm, tới tuổi này rồi những vẫn chưa một lần đau ốm gì hết. Chỉ là một con mắt hơi mờ xíu mà thôi”, cụ vui vẻ tâm sự.

Khi nói về mọi chuyện liên quan tới công việc hàng ngày và nhất là những việc liên quan tới khả năng ngoại ngữ thiên bẩm của mình cụ trò chuyện rất hồ hởi. Nhắc tới chuyện tuổi tác cụ cười khoe: “Sau khi lo chu toàn chuyện buồn của chồng, cụ cũng đã tự kiếm tiền và mua cho mình được một phần đất để chuẩn bị mọi chuyện cho hậu sự của mình sau này, chứ không muốn nhờ tới con cháu. Giờ tụi nó có gia đình, có chồng, có con hết rồi. Đứa nào rồi cũng phải chăm lo vun vắn cho gia đình tụi nó. Bắt tụi nó phải lo cho mình nữa thì khổ. Ơn trời cho già mạnh khỏe nhờ cái quán nước này kiếm ăn qua ngày, không bệnh tật gì cho tới lúc chết giống như ngủ một giấc dài vậy là không còn gì bằng.”

Cuộc trò chuyện với cụ Định lâu lâu lại bị ngắt quãng bởi khách vào ra. Và những lần như thế, tôi lại vô cùng thán phục về sự tự tin khi giao tiếp với khách nước ngoài, dù chỉ là những câu đơn giản khi hỏi về thức uống hay giá tiền nhưng chúng tôi như cảm thấy vui vui, là lạ bởi khả năng ngoại ngữ của một cụ bà đã gần 90 tuổi đời, để lại trong lòng những ai một lần đến Việt Nam hình ảnh một đầt nước đầy thiện cảm và hiếu khách.

Theo ngaynay.vn



Related articles
Bài viết cùng chuyên mục