Cả bộ phim là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ và kiên cường.
Không kể lại một câu chuyện mới mẻ, Cuộc đời của Yến vẫn làm rung động người xem bởi chất nhân văn, trong trẻo pha trộn với sự mãnh liệt về cuộc đời của một người phụ nữ Việt Nam điển hình.
Poster phim “Cuộc đời của Yến”.
Một câu chuyện xúc động
Mở màn bộ phim với những cảnh quay mát mắt, có cánh đồng, có con sông, có những đứa trẻ dạo chơi… Cuộc đời của Yến chiêu đãi người xem một bữa tiệc thị giác thịnh soạn, hoa mỹ mà cũng đầy giản dị, thân thuộc, bởi đó là những hình ảnh của làng quê Việt Nam. Rồi bất chợt, phía sau sự đầm ấm, bình yên đó, khán giả bỗng thấy cô bé Yến được đưa về “nhà chồng” khi chỉ mới 10 tuổi, và cuộc đời cô bỗng mở sang một trang khác, mới mẻ hơn, lạ lẫm hơn và cũng nhiều chông gai hơn.
Về mặt cấu trúc, Cuộc đời của Yến là bộ phim tuyến tính đi theo trật tự thời gian rất chuẩn xác. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã thành công khi xây dựng câu chuyện như một dòng suối, khẽ khàng chảy một cách rất mượt mà. Khán giả xem phim và cứ thế để cảm xúc trôi đi rồi mới bất giác nhận ra nhân vật chính đã lớn, trưởng thành, là phụ nữ rồi chẳng mấy chốc đã già nua, tảo tần bởi chăm chồng, nuôi con.
Những hình ảnh nên thơ, trong trẻo là điểm cuốn hút đặc biệt của phim.
Thế nhưng, sự thay đổi của thời cuộc đã không làm trái tim của Yến thay đổi. Vẫn sự dũng cảm đó, cố gắng đó, bền bỉ đó, Yến lần lượt chinh phục từng thử thách của sống như một người “chiến sĩ” thực thụ. Dù là phận nữ nhi nhưng cô không bao giờ khuất phục trước khó khăn, và đó chính là điểm khiến khán giả thấy nể phục ở nhân vật. Cô có thể học mọi lúc mọi nơi, làm bất cứ việc gì miễn là lương thiện… để có được cuộc sống an toàn, hạnh phúc và vui vẻ.
Nhân vật Yến đúng nghĩa là một mẫu nhân vật của người phụ nữ Việt Nam điển hình, và chính điều đó đã kéo bộ phim xích lại gần khán giả hơn. Phần kịch bản do biên kịch Hồ Hải Quỳnh chắp bút dựa trên nguyên mẫu kịch bản Vàng – Đá viết về bà nội mình đã không làm phụ lòng chờ đợi của khán giả. Và cũng bởi là chuyện có thật, nên mọi thứ mới dung dị, gần gũi và xúc động đến thế.
Diễn xuất nhẹ nhàng, nhạc phim ấn tượng
Hầu hết các diễn viên thủ diễn vai Yến qua nhiều giai đoạn khác nhau đều tạo được ấn tượng tốt với khán giả, trong đó đáng kể nhất phải kể đến nữ diễn viên Thúy Hằng, người đóng vai Yến lúc trưởng thành. Thúy Hằng đã có những bước chuyển biến tâm lý và giằng xé cảm xúc khá tốt. Chị tạo ra được sức mạnh nội tâm của nhân vật nhưng lại không mang cảm giác bị gồng, điều đó khiến cho người xem luôn có thiện cảm với Yến.
“Cuộc đời của Yến” như phác họa chân dung người phụ nữ Việt Nam kiên cường và mạnh mẽ.
Bên cạnh Thúy Hằng, dàn diễn viên phụ cũng diễn xuất khá đồng đều. Kinh nghiệm casting và làm phim đầu tay Và anh sẽ trở lại đã giúp đạo diễn Đinh Tuấn Vũ có những lựa chọn khá tốt cho phim. Không chỉ có diễn viên, việc tìm bối cảnh, dàn dựng và chỉ đạo các cảnh quay cũng được anh thực hiện một cách rất chuyên nghiệp, chỉn chu và quan trọng là không có sạn.Cuộc đời của Yến vì thế có thể được xem là một tác phẩm rất tử tế, được đầu tư cao về cả mặt kinh phí lẫn công sức của người làm phim.
Và cuối cùng, sẽ không thể không nhắc đến một chi tiết cũng rất đáng khen của Cuộc đời của Yến chính là nhạc phim ấn tượng. Việc chọn hai ca khúc Tám chữ có và Đi qua bóng đêm của Lê Cát Trọng Lý đã làm cho mạch phim trở nên nhân văn, đằm thắm hơn và bớt u ám kể cả ở những trường đoạn phim nhiều nước mắt. Và cũng vì vậy mà sau khi trải qua gần một kiếp người, năng lượng tích cực của Yến đã khiến người xem sững sờ và không khỏi mến mộ.
Khi bộ phim khép lại, khán giả hẳn sẽ vẫn còn nhớ Yến rất lâu, và đó chính là thành công của người đạo diễn.
Theo Dân Việt