“Chén cháo đầu tiên là chén cháo tổ nghiệp thì suốt đời vẫn uống nước chén cháo ấy, không thể nào bỏ được…”, Huyền Trâm luôn tự hứa mãi theo đuổi nghiệp hát cải lương, dù gia đình đã đi qua hết những “dãi dầu nắng mưa” với nghề.
Sao Nối Ngôi tập 7, chủ đề Giữ ngọn lửa nghề gây ấn tượng với khán giả xem đài khi thí sinh nữ duy nhất Phạm Huyền Trâm hóa thân người mẹ tần tảo, mòn mỏi đi tìm lại đứa con đang bị cám dỗ bởi “nàng tiên nâu”. Hình ảnh người mẹ chân chất, quê mùa chỉ có tấm lòng thương con vô bờ bến khiến tất cả người xem không thể cầm được nước mắt, bên cạnh những câu hát cải lương ngọt ngào, êm êm như ru.
Thái Châu nhận xét anh thấy được sự trưởng thành của Huyền Trâm như một người nghệ sĩ chuyên nghiệp, bản thân anh cố gắng dằn cảm xúc trước một tiết mục đầy giá trị. Bạch Tuyết đồng ý với nhận xét của Thái Châu, khen ngợi làn hơi tinh tế của nữ thí sinh: “Mang một chút của các nghệ sĩ Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc và những điều tốt đẹp của nghệ thuật cải lương đều hội tụ sẵn trong chính con người Huyền Trâm”.
Không riêng gì Bạch Tuyết, nghệ sĩ Thanh Thuỷ chia sẻ cô cố ngăn cảm xúc không phải sợ khóc sẽ xấu mà chiêm ngưỡng, xem hết “đường tơ kẻ tóc” nhân vật. “Diễn vai người mẹ tinh tế, tiết chế giỏi không thừa, không thiếu, câu từ nhả chữ từng lời thoại”, cô nhận xét.
Vì quá nhập tâm, kết thúc phần thi, Huyền Trâm vẫn chưa thoát vai. Cô khóc nức nở thổ lộ khi diễn nhân vật đã nghĩ đến mẹ, liên tưởng câu chuyện của chính gia đình mình. Mẹ Huyền Trâm năm 14 tuổi vì trót mê cải lương, trốn nhà theo gánh hát biền biệt. Đến 20 năm sau, ngoại Huyền Trâm mất nhưng mẹ cô không hay biết, khi trở về thì đã giáp năm chỉ nhìn thấy nắm mồ đất của bà.
Giám khảo Bạch Tuyết xúc động: “Cách diễn của Huyền Trâm cho thấy đời sống của mẹ con em có thời điểm xuống tận cùng địa ngục. Mẹ con em gian nan nên trên sân khấu, Huyền Trâm đã thực sự lột xác để đổi đời”.
Huyền Trâm mang nét hồn nhiên, ngây thơ bởi vì sau những chia sẻ đau xót cô được giám khảo Bạch Tuyết yêu cầu hát câu vọng cổ 100 chữ để lấy lại tinh thần. Cô “vô” vọng cổ ngọt ngào, sau đó chạy xuống ôm các giám khảo vì xúc động lẫn ngượng ngùng. Bạch Tuyết tin rằng từ bây giờ Huyền Trâm có thể nở nụ cười sảng khoái bởi “một người lúc nào cũng cười sảng khoái thì người ấy đã khóc hết nước mắt và đi qua cuộc đời với tất cả nắng lửa mưa dầu”.
Hồn nhiên, luôn mang tiếng cười rạng rỡ cho mọi người nhưng Phạm Huyền Trâm khi đến với nghệ thuật không có nhiều thuận lợi như các nghệ sĩ cải lương đồng trang lứa. Nội cô nghệ danh Hoài Phong Tử, ngày xưa có gánh hát Hương Mùa Xuân. Trong đoàn có cô, dì, chú hát, cha cô nghệ sĩ đàn Đằng Giao, mẹ là đào chính của gánh Như Lan. Gia đình Huyền Trâm có 6 anh chị em, cô là út. Năm 1989 Huyền Trâm ra đời một ngày mẹ cô đang đi hát thì trở dạ. Cả gia đình chèo ghe đưa mẹ cô ra Vĩnh Hưng, bà sanh và cắt rún cho Huyền Trâm, cả nhà lại chèo ghe quay về đoàn.
Thuở nhở, gia đình Huyền Trâm xuôi ngược trên sông nước, luân phiên chèo tay đến các điểm diễn. Sức khỏe ông cô yếu, không còn sức để đi xin bến, mở gánh hát. Cô chú trong nhà tiếc nuối, cố mở gánh nhưng rồi lại đóng vì mưa gió, gánh hát không có khách. Gia đình Huyền Trâm mang nợ ân tình của người dân, họ thương mà mang cho nhà cô gạo, củ khoai, sắn để đỡ đói lòng.
Thấy được cảnh khổ, cha mẹ Huyền Trâm dắt các con ra Bắc, xin theo gánh hát Sao Tháng Tám. Thuở Huyền Trâm 4 tuổi hay cùng chị chạy đến các trường học, đứng ngoài học lỏm. “Chị em tôi giống như Phạm Công – Cúc Hoa, lấy cây viết theo chữ thầy dạy. Thời đó, đi đến đâu người dân cho chỗ ở, nghỉ hè thì tá túc trong trường học, mọi người giăng mùng một góc và ngủ”, Huyền Trâm kể lại.
Cô thổ lộ thời điểm ra Hà Nội, cô vui khi cả gia đình “được lên bờ không còn phải lênh đênh dưới nước”: “Ngày xưa đến một điểm diễn gia đình phải thay phiên chèo ghe mấy ngày còn giờ thì chỉ lên xe là tới. Còn nhỏ, tôi không ý thức được nghề hát, hay nghệ thuật nhưng tôi thương cha mẹ những lúc bị chủ đoàn trả tiền ít. Có lần, tôi đứng dậy dùng chất giọng Bắc pha của mình đòi lại tiền cho gia đình”.
Huyền Trâm kể lại kỷ niệm mà trong ký ức lờ mờ, cô không thể nào quên: “Đoàn diễn ở Hà Nội có lần thuê xe đi qua địa điểm Hố Gà, đi ngang đèo Cổng Trời. Xe của đoàn chết máy, phải nhờ một chiếc xe chở gỗ kéo đi. Khi xuống dốc, xe bên tôi bóp kèn ra hiệu cho xe phía trước dừng lại nhưng chú ấy không hiểu. Xe chở gỗ lái, chú tài xế bẻ lái, nguyên chiếc xe vào vách núi, xe gỗ nằm lưng chừng bên vực, đứng giữa sự sống và cái chết. Trên xe lúc ấy có khoảng 30 người, cả gia đình tôi cùng nắm tay nhau cầu nguyện và hứa sẽ cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách đến tận bây giờ”.
Sau 8 năm, đoàn Sao Tháng Tám tan rã, 12 tuổi Huyền Trâm trở về Nam. Năm 1997, gia đình bắt đầu có giấy tờ, chị em Huyền Trâm được cấp giấy khai sinh để đi học. Gia đình 7 người tiếp tục ở dưới ghe, neo ở chợ Cá Sông Đốc, đi điểm này điểm kia qua Đầm Dơi. Nhà cô lúc đó có dành dụm được miếng đất làm sân khấu hát Lô tô. Huyền Trâm cùng chị tự ra chợ mua quần áo về nhà may tay, tự tập đánh trống, chị cô hát, cha đàn.
“Lô tô còn khổ hơn đi hát cải lương bởi 6 tháng nắng, 6 tháng mưa. 6 tháng nắng thì có khi ghe neo không trúng bến, tháng mưa thì không có khách, bà con trên bờ người ta thương người ta mang đồ ăn, cá mắm cho đoàn. Sau đó, đoàn lô tô rã, chị Trâm lên Bình Dương làm công nhân, cha và mẹ lên Cần Thơ đi đàn quán, còn tôi xin lên Sài Gòn để làm công nhân nhưng không một ai nhận”.
20 tuổi, Huyền Trâm bám trụ ở Sài Gòn, xin đi hát ở một Nhà văn hóa với mức lương 2 triệu đồng 1 tháng. Cầm số tiền lương trên tay, cô mừng rớt nước mắt bởi lần đầu tiên kiếm được số tiền lớn như vậy, trước giờ hát ở mỗi điểm thường cô chỉ nhận được 20 ngàn đồng. Sau hai năm thì công ty trụ không được, Huyền Trâm xin vào một quán đờn ca tài tử để hát. “Khi hát ở quán chủ thì thương, khách thì có đủ loại nghề, cha tôi không muốn hai cha con làm chung bởi ông sợ nhìn thấy cảnh khách nam say có hành động không tốt với con gái mình. Nhìn thấy cảnh đó sao mà ông chịu được. Tuy nhiên tính tôi mạnh mẽ, khi gặp người nói chuyện thô tục, tôi thẳng thắn đáp lại, bắt họ xin lỗi tôi cho bằng được”, Huyền Trâm kể.
Chia sẻ về ngoại hình tròn trịa, có phần mũm mĩm của bản thân, Huyền Trâm cho biết đợt H5N1, cô bị nhiễm virut CP3 phải nằm ở bệnh viện gần 1 tháng. Cô được truyền tổng cộng 38 chai nước biển thì cơ thể dần mập hơn. Từng có thời gian mong muốn giảm cân, nhưng mọi người đều khuyên giữ nguyên hình ảnh, bởi nếu cô ốm không có duyên nữa. Huyền Trâm cho biết khi tham gia Sao Nối Ngôi là một nỗ lực của chính bản thân cô. Nữ thí sinh cho biết chưa định hướng sẽ vào vai nào, bởi cô có thể nhập vào các thể loại vai, mà không e ngại thân hình quá khổ.
Từng có thời gian cùng cực với nghề, gia đình đều khuyên cô bỏ nghề hát mà chuyển qua làm một công việc nào đó. Hành trình Huyền Trâm đến với nghề có khó khăn hơn nữa nhưng cô quyết không nản lòng bởi “chén cháo đầu tiên là chén cháo của tổ nghiệp thì suốt đời vẫn uống nước chén cháo ấy”.
Trên sân khấu Sao Nối Ngôi, Huyền Trâm luôn mang đến những tiết mục, lồng ghép vào những câu chuyện cuộc đời tạo cảm xúc lớn cho tất cả người xem bởi giọng hát đẹp, trong trẻo cao vút được NSND Bạch Tuyết ví như “hơi trời”, trái ngược với thân hình mũm mĩm. Ngoài khả năng ca hát, nét diễn mộc mạc tự nhiên của Huyền Trâm còn chiếm được cảm tình, mang lại tiếng cười thoải mái bởi tính cách hồn nhiên, vô tư của cô. Ở đêm thi mở màn, cô đã xuất sắc giành được giải nhất tuần với tiết mục Tôi là Huyền Trâm tái hiện một sáng Chợ nổi Cái Răng, ngày cô cùng gia đình rong rủi trên xuồng qua hàng loạt bài tân cổ Trăng thu dạ khúc, Duyên kì ngộ, Lý sâm thương.
Đêm thi thứ 8 với chủ đề Điểm hẹn Sao Nối Ngôi sẽ phát sóng vào lúc 21 giờ thứ năm ngày 19/7/2018 trên kênh THVL1, Huyền Trâm sẽ thể hiện tiết mục Vợ thằng đậu cùng nghệ sĩ Điền Trung, diễn viên Võ Ngọc Tân, đặc biệt là Á quân Sao Nối Ngôi phiên bản thiếu nhi 2017 – Ngọc Tâm. Sao Nối Ngôi do Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Jet Studio thực hiện.
Hình ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Bảo Bảo/starpressvn.net