Chỉ 2 ngày sau khi có thông tin về cá chết ở biển Đà Nẵng – dù không nhiều, lãnh đạo tỉnh này đã có câu trả lời cho nhân dân. Vậy sao những tỉnh thành có cá chết hàng loạt lại chưa thấy ai lên tiếng?
Chưa phải gánh chịu thảm họa cá chết la liệt dọc bờ biển do nhiễm độc tố, nhưng 17 con cá chết chưa rõ nguyên nhân dạt vào bãi biển Đà Nẵng làm lãnh đạo Đà Nẵng cũng phải giật mình.
Người dân thành phố biển hoang mang, lo sợ thảm họa cá chết đã chạm đến biển quê mình.
Chỉ còn hơn tháng nữa là Đà Nẵng bước vào cao điểm đón khách thập phương đến chiêm ngưỡng bãi biển đẹp nức tiếng thế giới, giờ đây lại có tin cá chết dạt vào bờ, sao lại không lo?
Mặc dù số lượng cá chết không nhiều, nhưng chỉ sau 2 ngày, lãnh đạo Đà Nẵng đã có câu trả lời cho người dân. Nguồn ảnh: Báo Giao thông
Dù chưa gánh chịu tổn thất vì cá chết nhưng Đà Nẵng cũng đã phải đối mặt với thực tế là đã có những du khách hủy tour. Đến Đà Nẵng rồi thì hủy tour đi đến Huế, Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Cũng dễ hiểu thôi, đi du lịch biển mà không được tắm biển, không được thưởng thức hải sản thì đi cũng như không. Vậy là khách hủy tour.
Chợ Đà Nẵng, tiểu thương ngành hải sản cũng lao đao vì vắng khách.
Ngành công nghiệp không khói là thế mạnh của các tỉnh miền Trung, giờ đây đang bị đại nạn cá chết đe dọa.
Ngay lập tức, lãnh đạo Đà Nẵng công bố với báo giới là lấy mẫu nước biển trên một số địa bàn để xét nghiệm. Chỉ hai ngày sau khi xuất hiện cá chết, Đà Nẵng đã công bố kết quả, thông số cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép. Bờ biển Đà Nẵng không xảy ra hiện tượng cá chết đồng loạt.
Thông tin này được báo giới loan tin. Dư luận khen Đà Nẵng đã minh bạch thông tin với người dân, chính là để không chỉ cứu dân mà cứu cả chính quyền.
Năm 2015, ngành công nghiệp không khói đã đem về cho Đà Nẵng số tiền khủng. Tổng thu du lịch đạt 12.768 tỷ đồng. Những con số này buộc chính quyền Đà Nẵng không thể im lặng, giấu giếm thông tin.
Thông cáo báo chí của Đà Nẵng nêu rõ: Từ ngày 28/4 sẽ bắt đầu thực hiện quan trắc sinh học đối với chất lượng nước biển của Đà Nẵng. Theo đó, sẽ lấy mẫu nước ở vùng vịnh và vùng ngoài khơi biển Đà Nẵng để thả nuôi cá và công bố kết quả hàng ngày trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm Kỹ thuật môi trường bắt đầu từ ngày 29/4.
Dư luận lên tiếng khen cách xử lý của Đà Nẵng, đã không để mình rơi vào khủng hoảng truyền thông. Cách xử lý này đem lại niềm tin cho nhân dân, chính quyền làm tròn vai trò trách nhiệm với dân.
Một lãnh đạo Đà Nẵng nói với tôi rằng: Giấu dân thời buổi này đâu dễ. Nếu như tình xuống xấu xảy ra là cá chết do nhiễm độc thì phải có ngay phương pháp xử lý.
Tuyệt đối không để nhân dân hoang mang trước nhiều luồng thông tin với những giả thiết đặt ra.
Trước đó, Thừa Thiên – Huế đã công bố kết quả kiểm tra mẫu nước biển ở đầm An Lập, cho kết quả hàm lượng NH4+ và hàm lượng crom đều vượt ngưỡng cao so với quy chuẩn cho phép.
Người dân hiểu cá đã nhiễm độc tố.
Dư luận cũng đã đặt câu hỏi, vì sao ba địa phương có số lượng cá chết bất thường lớn lại không công bố như Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng đã làm.
Người dân cứ loay hoay với câu hỏi, vì sao cá chết.
Minh bạch thông tin là nhu cầu thiết yếu của người dân, nếu không minh bạch thông tin thì sẽ tạo nên những kẽ hở cho những luồng thông tin sai sự thật, đồn thổi, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội
Đơn cử như, trong khi cá chết được cơ quan chức năng kết luận là do độc tố, cá vẫn cứ chết dạt đầy bờ, thì ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – Đặng Ngọc Sơn lại phát ngôn gây sốc: “Người dân có thể yên tâm tắm biển, ăn cá ở Vũng Áng”.
Cá chết hàng loạt ở miền Trung, ngư dân lao đao, trong khi đó lãnh đạo địa phương vẫn chưa có câu trả lời. Ảnh: Vietnamnet
Người dân không tin lời ông nói, bởi, ông nói hôm trước thì hôm sau một thợ lặn vùng biển cận kề Vũng Áng tử vong. Một thợ lặn khác thì kiểm tra sức khỏe thấy nhiễm độc đồng cao hơn hai lần cho phép.
Dân mời Phó Chủ tịch tỉnh tắm biển, ăn cá mà chẳng thấy ông đáp lời.
Dư luận dậy sóng với câu nói “yên tâm tắm biển, ăn cá Vũng Áng” không phải không có cơ sở. Đổi lại là sự im lặng của Phó Chủ tịch được cho là “trót” lỡ miệng.
Cuộc họp báo ngắn ngủi của Bộ Tài nguyên-Môi trường vào chiều 27/4, khiến giới truyền thông hụt hẫng. Hụt hẫng bởi cuộc họp báo không một nhà báo nào được đặt câu hỏi, trước một sự kiện được cả nước quan tâm.
Thảm họa cá chết ở bốn tỉnh kéo dài suốt từ 6/4 đến nay, tuy có giảm nhưng vẫn còn cá chết dạt vào bờ.
Và đến ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đến vùng biển Vũng Áng lấy mẫu nước và mẫu trầm tích, để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt thời gian qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây là một thảm họa môi trường hết sức nghiêm trọng, lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các bộ, ngành mặc dù có những sự nỗ lực, nhưng việc điều phối triển khai sự cố chưa có kinh nghiệm, lúng túng.
Việc xử lý còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như giới truyền thông. Với tư cách là bộ trưởng, tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này”.
Tôi cứ thấy tiêng tiếc cho tân bộ trưởng.
Giá như ông nói lời nhận trách nhiệm trong việc tìm ra “thủ phạm” từ ngay khi đã xác định là cá chết đồng loạt do độc tố, thì người dân, dư luận cũng như truyền thông đâu thấy bất ổn vì đã có người “đứng mũi chịu sào” về trách nhiệm.
Giá như lãnh đạo các địa phương, bộ ngành làm được như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế.
Giá như…
Người dân thế giới đầy ngưỡng mộ Thủ tướng Nhật – Shinzo Abe, khi người dân Fukushima hoang mang với tin đồn hải sản vùng này bị nhiễm phóng xạ, từ vụ rỏ rỉ nhà máy điện. Trước bàn dân thiên hạ, Thủ tướng Shinzo Abe đã cầm con bạch tuộc sống ăn ngon lành.
Cựu Thủ tướng Thái Lan – Thksin Shinwatra cũng đã ăn miếng gà rán ngay trên phố để người dân không nghe tin đồn, tẩy chay gà nhiễm dịch.
“Giá như” là cụm từ đầy nuối tiếc không chỉ với tôi mỗi khi xảy ra một sự cố.
Theo Khám phá