Rồi mọi ồn ào từ câu chuyện mẹ con họ cũng qua, việc của người đời là quên. Nhưng, sau ‘clip định mệnh’ thì sự mất mát của hai người ấy là có thật…
Nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc mọi thứ không có lối thoát.
Suy cho cùng, đó là người mẹ rất tội nghiệp
Tôi tạm so sánh với một cuộc chiến. Một cuộc chiến không có thắng thua sai đúng. Một cuộc chiến mà sau nước mắt, sự bực bội, giận dữ và thương tổn (chắc chắn từ hai phía), sẽ còn lại trong ngôi nhà đó là một không khí rất nặng.
Người mẹ thì vẫn ở với Hưng. Bà chẳng đi đâu và cũng chẳng đi đâu được lúc này cả khi cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào con. Tuy nhiên, giờ bà đi đâu, ở đâu và sống như thế nào, hầu hết là tuỳ thuộc vào con trai bà.
Một người bạn của Hưng cho biết, khi clip livestream của Hưng bắt đầu ầm ầm trên mạng, người này vẫn thấy mẹ Hưng dùng điện thoại để xem clip con trai nói về mình. Tôi có hỏi về tâm trạng của người mẹ lúc đó, người đó chỉ nói: Có gì đâu, chuyện… quen rồi.
Đàm Vĩnh Hưng và mẹ ruột (ngoài cùng bên trái).
Ừ thì quen. Quen như thể, những giọt nước mắt của Hưng khi van xin mẹ hãy vì anh mà buông bỏ cờ bạc, ngưng việc dùng tiếng tăm anh để vay tiền người khác, với bà không có gì xa lạ.
Quen như thể, những đe doạ đưa đến một nơi khác sống xa con cái – mà thực ra anh cũng đã đưa mẹ đi một nơi rất xa, cũng đã trở thành ‘cơm bữa’ nhưng rồi cũng chẳng làm gì được nhau, vì bà đã quá ‘đọc vị’ được điểm yếu của đứa con sống rất tình cảm của mình.
Vâng, chắc chắn, gần 30 năm trời một vòng xoáy luẩn quẩn, có gì mà không quen đâu. Một khi người ta quen được cả sự bế tắc và thương tổn thì có gì ở bên ngoài cuộc đời kia là không quen được?.
Cơn giận dữ của Hưng để đi đến công khai câu chuyện của mình cho hàng triệu người biết, có lẽ đó là sự trừng phạt lớn mà ngay cả Hưng lẫn người mẹ, cũng chưa bao giờ quen với điều này.
Nhìn ở góc độ này chợt thấy người mẹ ấy có gì đó bẽ bàng, tội nghiệp và cô độc. Với bất kỳ ai khi một sự thật động trời bị phơi bày và hơn một nửa thế giới quay lưng lại, họ chợt trở thành bé nhỏ và bế tắc hơn bao giờ hết.
Huống gì đây, là một người già, sống cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào con cái đến mức không thể tự quyết định được việc mình sẽ ở đâu, với ai và thậm chí là điều gì đang chờ mình ở phía trước.
Hưng có nghĩ đến điều này không? Có và chắc chắn có. Chính vì nghĩ đến điều này nhiều lần nên anh cũng đã không chiến thắng được con người tình cảm và yếu đuối của mình. Anh lại mềm lòng và mọi chuyện lại mặc nhiên tiếp diễn.
Nếu ví việc công khai tất cả như một nút gỡ định mệnh cho những luẩn quẩn hơn 30 năm qua trong câu chuyện của mẹ con Hưng, thì cái cuối cùng, định mệnh này sẽ mang hai mẹ con họ đi về đâu?
Ở đây, ta chưa bàn đến chuyện người mẹ có còn nợ tiền người khác nữa hay không. Mr. Đàm có bị các chủ nợ của mẹ đến nhà gây những sức ép nhất định nữa hay không, mà là một câu chuyện khác.
Việc nói chuyện với chính con trai mình là cả một vấn đề. Và có lẽ, sự trừng phạt lớn nhất cho người mẹ, chắc chắn là con cái chỉ còn sống với mình bằng cái ‘nghĩa’, chứ cái ‘tình’ thì thực sự đã biến mất.
Tình cảm nó cũng có lý lẽ riêng của nó. Nó chỉ được nhận lại khi bạn biết cho đi dù mối quan hệ của người cho và người nhận có là máu mủ ruột rà. Khi bạn không cho, chắc chắn bạn sẽ khó có thể được nhận lại. Vì bản chất của tình cảm luôn được dung dưỡng bằng hơi ấm thật sự.
30 năm với bao va đập, thương tổn và thất vọng, ở một mặt nào đó người mẹ đã đánh mất chính đứa con trai của mình ngay trong ngôi nhà của mình. Để mọi thứ tự nhiên ấm áp trở lại, chắc chắn cần thời gian hoặc những biến cố lớn khác.
Éo le thay, rất nhiều người đã có lại được tình cảm khi họ vĩnh viễn không còn nhìn thấy nhau. Điều đó, ngoài cuộc sống này, rất nhiều.
Sự bẽ bàng, tội nghiệp của một người có lỗi, một người phụ thuộc sẽ làm cho hai mẹ con, dù muốn gần nhau hơn chăng nữa, thì vẫn có gì đó gượng gạo và mệt mỏi.
Có thể bà sống hồn nhiên đơn giản đến mức không suy nghĩ gì; cái gì còn cái gì mất không quan trọng. Nhưng, chính cái ‘nút thắt định mệnh’ kia dù muốn dù không, bà khó có thể hồn nhiên đơn giản được.
Thế nên, trong cuộc gãy đổ này, người mẹ này mới thực sự là người mất mát. Mát mất hơn chính con trai mình. Mất mát không tính bằng con số bao nhiêu tỷ.
Đàm Vĩnh Hưng rất đau lòng khi phải cảnh báo với mọi người chuyện mẹ ruột hay nợ nần.
Để Hưng ‘có mẹ’ không còn tuỳ thuộc vào Hưng
Vậy vấn đề tiếp theo sẽ tuỳ thuộc vào Đàm Vĩnh Hưng. Thực tế, clip nói rõ sự thật trên cũng nằm trong những ứng xử đúng tính cách của Mr. Đàm: Thẳng thắn, rõ ràng và bất chấp.
Nhưng ta vẫn đọc ở đó, phía sau những lời lẽ có vẻ nặng nề, là những giọt nước mắt rất thật của Hưng; là những khát khao một cuộc sống hạnh phúc đầm ấm mà cả một quãng đời gần 50 năm qua anh vẫn đi tìm.
Sẽ chẳng có gì khó khăn với Hưng khi bỏ qua hay tha thứ cho bất cứ một ai có lỗi với anh, chứ chưa nói người đó chính là người đã sinh thành ra anh, cho anh hình hài và dẫn anh đi trên từng bước đường đời dù êm đềm thì ít, trúc trắc thì nhiều.
Hưng là người có thể giương càng cua lên đối với cả nhân loại nhưng lại sẵn sàng đổ sụp vì sự chân thành của một ai đó dành cho mình.
Nhưng việc với người mẹ, không thể ngày một ngày hai. Sự tổn thương tình thân rất cần thời gian để làm lắng dịu dù bản chất thì ‘máu nào rồi cũng thâm thịt nấy’.
Và thời gian ở đây không phải là để nguôi quên hay tha thứ, mà là thời gian để kiểm chứng sự chân thành, từ phía người mẹ.
Nếu người mẹ ấy ngồi yên đấy, tận hưởng tuổi già, sống trọn vẹn với con cháu cho đến cuối đời, không gây thêm bất cứ một vết thương nào cho con cái thì chắc chắn, sẽ có ngày Đàm Vĩnh Hưng sẽ lại ôm mẹ mà khóc, hát tặng mẹ biết bao nhiêu ca khúc chứ không dừng lại ở con số 1 cay nghiệt như bao năm qua.
Dù hiện tại có những hơi thở nặng nề, những ánh mắt bẽ bàng, thì trong ngôi nhà ấy, vẫn còn rất nhiều lối mở cho cả hai mẹ con họ. Nhưng để đi đến lối thoát này, chắc chắn, họ nên xa nhau một thời gian có thể tính bằng con số năm tháng cụ thể.
Con số đó sẽ giúp cả hai cùng nhìn lại và sám hối, cùng làm việc để sống, cùng thể hiện được trách nhiệm con người với chính người mà họ đã làm cho tổn thương và giải quyết triệt để những tồn đọng cuộc sống mà họ đang gây ra cho người kia. Đặc biệt là người mẹ.
Tôi hiểu trong lòng Hưng, là luôn luôn chờ đợi sau những ngày tháng mệt mỏi, có bàn tay mềm mại của người mẹ sờ lên trán anh: ‘Con sốt rồi đấy. Ngồi đó, mẹ đi lấy cho con mấy viên hạ sốt’ như cách mà người mẹ y tá này chăm sóc các bệnh nhân của bà những năm tháng tuổi trẻ.
Hay những lúc cả thế giới có quay lưng với anh, thì có một bàn tay khẽ khàng mở cửa phòng anh ra rồi lại gần anh: ‘Con hãy chợp mắt một lúc đi, con đã thức rất nhiều năm rồi’.
Như thế, chẳng cần tha thứ hay xin lỗi, tự khắc tình cảm chân thành sẽ hoá giải tất cả mọi thứ dù nó có nặng nề ám ảnh suốt mấy chục năm đi chăng nữa.
Điều này có thể còn cơ hội bởi tôi tin, một người con sống tình cảm và ấm áp thì không lý nào lại được sinh ra bởi một người mẹ vô tâm. Một con người nhạy cảm thì khó có thể được sinh ra từ một người mẹ vô cảm.
Thế đấy. Tôi luôn tin ở con người!