.
.

Danh ca Phương Dung: “Tôi rình canh từng lời hát của ca sĩ trẻ”


Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ chủ đề đêm chung kết xếp hạng có sự có mặt của danh ca Phương Dung trong vai trò giám khảo. Trong hậu trường, bà tiết lộ những câu chuyện tréo ngoe về việc ca sĩ hát sai lời.

Danh ca Phương Dung là một trong những giọng ca nổi tiếng Sài Gòn những năm trước 1975. Sau đó bà sang Mỹ và trở thành cái tên đắt show ở hải ngoại. Những năm gần đây, bà trở về Việt Nam và là một trong những giám khảo không thể thiếu trong nhiều chương trình truyền hình.

PHUONG DUNG (2) - Copy

Chặng đường 63 năm ca hát của nữ danh ca giúp bà có dịp tiếp xúc với nhiều nhạc sĩ. “Tôi sống lâu, có dịp gần gũi với dĩ vãng của nhiều nhạc sĩ nên biết nhiều câu chuyện đằng sau bài hát của họ. Mỗi bài hát là một ký ức, kỷ niệm riêng của người nhạc sĩ, nên ca sĩ trước khi hát phải tìm hiểu thật kỹ nội dung bài hát, kỹ từng lời, từng chữ. Mỗi khi làm giám khảo các chương trình nhạc xưa, tôi hay kể chuyện lắm, tôi muốn ca sĩ và khán giả hiểu bài hát ra đời trong bối cảnh như thế nào”, bà tâm sự.

Nữ danh ca ví dụ bài hát “Hoa nở về đêm” của nhạc sĩ Mạnh Phát mọi người hay lầm tưởng viết về hoa quỳnh – loài hoa nở về đêm, nhưng sự thật đây là bài hát mà nhạc sĩ viết tặng cho người con gái tên Hoa trong thời gian ông công tác tại Huế.

PHUONG DUNG (12)

Ông mê mẩn người con gái ấy, dù trong khoảng thời gian này ông là một người đã có gia đình và cũng một phần do đặc thù công việc nên hai người chỉ có thể gặp nhau tâm sự vào độ đêm tối. Đây cũng chính là nguồn cơn cảm hứng của nhạc sĩ viết nên câu chuyện tình yêu ngọt ngào và da diết cho tình khúc “Hoa nở về đêm”: “Chuyện từ một đêm cuối nẻo một người tiễn một người đi. Đẹp tựa bài thơ nở giữa đêm sương nở tận tâm  hồn”.

Cũng chính vì mỗi một câu, một chữ trong bài hát đều mang ý nghĩa riêng nên danh ca Phương Dung rất nghiêm khắc đối với ca sĩ hát sai lời. Bà kể, ngày xưa mỗi khi nhạc sĩ có ca khúc mới thường kén chọn ca sĩ thể hiện. Một ca khúc hay kết hợp với một giọng ca truyền cảm thì bài hát mới trở nên nổi tiếng được. Nhạc sĩ thường mời ca sĩ về nhà, trình bày ý tưởng, nội dung bài hát, cũng như mong muốn ca sĩ nhấn nhá, bỏ nhỏ, hay lên cao trào chỗ nào. Một bài hát như thế tập đi tập lại nhiều lần đến khi ưng ý mới thu âm và phát hành băng đĩa.

PHUONG DUNG (3)

Bà kể, nhạc sĩ xưa cực kỳ khó tính, như nhạc sĩ Nguyễn Vũ, Châu Kỳ, Trần Thiện Thanh. Có nhạc sĩ khi nghe ca sĩ hát sai lời liền tức giận ném thẳng chiếc máy cát-sét vào tường, không hợp tác nữa.

Với vai trò giám khảo trong nhiều cuộc thi ca hát, danh ca Phương Dung vừa thẳng thắn vừa hài hước bày tỏ quan điểm: “Tôi đi chấm thi hay “rình” canh từng lời của thí sinh, xem em nào hát sai hay không. Tôi cũng nhận xét thẳng, không sợ thí sinh phật lòng”.

Làm giám khảo đêm quan trọng nhất của chương trình Hãy Nghe Tôi Hát – Nhạc sĩ chủ đề, danh ca Phương Dung nhận xét: “Các ca sĩ trẻ bây giờ có giọng tốt, nên cố gắng tìm hiểu bài hát cho thật kỹ, chính xác, đem đến cho người thưởng ngoạn một tiết mục nhiều cảm xúc. Có như vậy thì khán giả mới chấp nhận ca sĩ trẻ hát không thua ca sĩ trước đây.

DAO KY ANH (1)

LE THU UYEN (1)

LY THU THAO (7)

Nối tiếp những ấn tượng từ đêm chung kết 1, ba nữ ca sĩ Đào Kỳ Anh, Lý Thu Thảo, Lê Thu Uyên tiếp tục cuộc hành trình âm nhạc của mình với đêm chung kết 2. Dưới sự dàn dựng của đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân, đêm chung kết xếp hạng sẽ có những tiết mục vô cùng cảm xúc: Lê Thu Uyên (Huế xưa – Châu Kỳ); Đào Kỳ Anh (Chuyện tình nàng Tô Thị – Lam Phương); Lý Thu Thảo (Liên khúc Tiếng mưa đêm – Đường xa ướt mưa – Đức Huy). Ngoài ra, khán giả còn gặp lại sáu thí sinh với tốp ca rộn ràng: Xây nhà bên suối – Túp lều lý tưởng (Hoàng Thi Thơ).

Giám khảo gồm có danh ca Thái Châu, Phương Dung, Họa Mi. Chương trình được phát sóng vào lúc 21 giờ thứ năm 7/7/2022 trên kênh THVL1.

Bảo Bảo/starpress



Bài viết cùng chuyên mục