Có rất nhiều thông tin hay ho về “Train to Busan” mà các fan của bộ phim không thể bỏ qua.
Phim điện ảnh mang đề tài xác sống của Hàn Quốc Train to Busan – Chuyến Tàu Sinh Tử hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các khán giả. Còn điều gì mà bạn chưa biết về bom tấn mùa hè năm nay? Hãy cùng chúng tôi điểm qua những thông tin cực kì thú vị về bộ phim này nhé.
Train to Busan là live-action đầu tiên của đạo diễn Yeon Sang Ho
Trước đó, ông chỉ được biết đến trong vai trò nhà sản xuất phim hoạt hình. Vị đạo diễn sinh năm 1978 và khởi nghiệp từ rất sớm, khi mới 19 tuổi. Hai tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là The King of Pigs (2011) và The Fake (2013).
“The King of Pigs” (trái) và “The Fake” (phải)
The King of Pigs là câu chuyện kể về một người đàn ông giết chết vợ mình sau khi vỡ nợ. Để nguôi cơn giận dữ, anh ta đi tìm một người bạn đã thất lạc suốt 15 năm, người từng cùng anh chịu đựng những trò bắt nạt khi còn học trung học. Lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Satoshi Kon và Minoru Furuya, Yeon cho biết bộ phim được xây dựng từ chính câu chuyện của cuộc đời ông, và điều đó đã khiến ông phải bật khóc khi đang viết kịch bản cho phim. Dù được đầu tư với kinh phí thấp, chỉ 150.000 USD (khoảng 3,3 tỉ VND), The King of Pigs là phim hoạt hình Hàn Quốc đầu tiên được mời tới tham dự Liên hoan phim Cannes.
Có thể thấy, các phim của Yeon Sang Ho thường mang màu sắc đen tối và ít nhiều liên quan tới chính cuộc sống của ông. Vị đạo diễn đã viết kịch bản cho The Fake vào năm 2009 vì những bất mãn chính trị liên quan tới các vấn đề về Hiệp định FTA Hàn – Mỹ và Dự án cải tạo 4 con sông lớn của Hàn Quốc. Hay như phim hoạt hình dài 30 phút The Window cũng được hoàn toàn dựa trên những trải nghiệm của bản thân ông trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Khi được hỏi về quyết định thực hiện live-action đầu tiên trong sự nghiệp, đạo diễn Yeon Sang Ho chia sẻ: “Sau thành công của hai phim hoạt hình The King of Pigs và The Fake, tôi nhận được lời đề nghị làm một bộ phim live-action. Lúc đó, tôi cũng đang trong thời gian lên cốt truyện cho Train to Busan. Người ta hỏi tôi liệu tôi có thể thực hiện phiên bản live-action cho bộ phim này không. Và tôi đã đồng ý”.
Đạo diễn Yeon Sang Ho tại hậu trường “Train to Busan”
Vị đạo diễn cho biết trong tương lai, ông sẽ luân phiên thực hiện các bộ phim hoạt hình và live-action. “Với phim hoạt hình, tôi muốn truyền tải những thông điệp mà cá nhân tôi muốn chia sẻ với công chúng. Còn với live-action, tôi muốn hoàn thành các tác phẩm mà khán giả có thể cảm thấy thoải mái hơn khi theo dõi. Tôi muốn được thử sức với nhiều cách làm phim nhất có thể”.
Gong Yoo sợ các diễn viên đóng thây ma
Không dễ dàng gì để các diễn viên Train to Busan hoàn thành vai diễn của mình. Với Gong Yoo, đây chắc hẳn sẽ là những kỉ niệm đáng nhớ của nam diễn viên về các bạn diễn thây ma trong phim.
“Mới đầu tôi nghĩ đóng phim hành động và xác sống dễ như ăn kẹo. Nhưng cuối cùng tôi đã phải vật lộn rất nhiều vì vai diễn”, Gong Yoo chia sẻ. “Trước đây tôi từng đóng một số phim hành động hiện thực nên tôi nghĩ là với Train to Busan thì mình sẽ làm được thôi. Nhưng đánh nhau với thây ma thì lại là chuyện khác và nó vô cùng phức tạp”.
Đằng sau một Gong Yoo dũng cảm trên phim…
Nam diễn viên The Suspect giải thích: “Kể cả khi tôi cố gắng bắt kịp những cử động của họ thì cơ thể của họ vẫn luôn luôn di chuyển loạn xạ. Vậy nên khi mà các thây ma tấn công, sẽ rất khó để đón được các đòn tấn công của họ. Việc tìm ra vị trí để tấn công thây ma trong các cảnh đánh đấm cũng gặp không ít khó khăn, vì họ không ngừng động đậy”.
Chưa hết, Gong Yoo còn cho biết anh rất sợ các bạn diễn thây ma trong phim: “Tôi nhát gan lắm. Hồi nhỏ, tôi rất ghét đi tới những căn nhà bị đồn là có ma. Việc đóng phim với các thây ma là một chuyện quá đáng sợ đối với tôi”.
“Trong phim có rất nhiều lần thây ma đuổi kịp tôi. Tôi nghe thấy đạo diễn hô “Cắt!” nên đứng lại ngay, nhưng các diễn viên đóng thây ma chạy phía sau tôi không nghe thấy nên cứ thế đuổi theo tôi. Vì vậy nên trong nhiều clip hậu trường, trông tôi khá là ngốc nghếch”.
… là một Gong Yoo tương đối nhát gan ở ngoài đời
Bị dọa cho sợ là thế, nhưng Gong Yoo cũng không quên dành lời khen ngợi tới các bạn diễn của mình: “Tôi nghĩ về rất nhiều điều khi làm việc cùng họ. Tôi nhận ra rằng vai diễn dù lớn hay nhỏ cũng không quan trọng. Ở nước ngoài có những khóa học riêng dành cho vai diễn thây ma, và bạn sẽ chỉ được phép đóng vai này sau khi trải qua thời gian đào tạo. Tuy nhiên ở Hàn Quốc lại không có những lớp học như vậy. Do đó các diễn viên đóng thây ma trong bộ phim của chúng tôi đã phải luyện tập rất chăm chỉ cho vai diễn. Mọi người đều đã cố gắng hết sức mình và tôi cảm thấy biết ơn vì điều đó”.
Các diễn viên đóng thây ma – những con người góp phần quan trọng làm nên thành công của “Train to Busan”
Những kỷ lục đáng nể của Train to Busan
Train to Busan là một trong ba đại diện của Hàn Quốc được mời tham dự Liên hoan phim Cannes 2016, bên cạnh The Handmaiden của đạo diễn Park Chan Wook và The Wailing của đạo diễn Na Hong Jin. Đây cũng là một trong 4 bom tấn của điện ảnh xứ kimchi trong mùa hè năm nay (3 cái tên còn lại là Operation Chromite, The Last Princess và Tunnel).
“Train to Busan” – bộ phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2016
Tại Hàn Quốc, Train to Busan khởi chiếu từ ngày 22/7. Chỉ sau chưa đầy 3 tuần, bộ phim đã chính thức vượt mốc 10 triệu lượt xem, vượt mặt A Violent Prosecutor của Hwang Jung Min và Kang Dong Won để trở thành phim điện ảnh Hàn Quốc “hot” nhất năm 2016 tính tới thời điểm hiện tại. Với 10,8 triệu lượt khán giả tới rạp, Train to Busan hiện đang đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng các phim Hàn ăn khách nhất mọi thời đại.
Nếu không tính Ma Dong Suk với Veteran, đây cũng là bộ phim đạt 10 triệu lượt người xem đầu tiên của tất cả các diễn viên trong phim lẫn đạo diễn Yeon Sang Ho.
Train to Busan cũng là phim có lượng người xem lớn nhất tính theo ngày tại Hàn với 1.280.944 khán giả chỉ trong ngày 23/7, xô đổ kỉ lục của hit 2014 Roaring Currents với 1.257.380 khán giả.
Theo The Hollywood Reporter, hiện bộ phim đang được rất nhiều hãng phim nổi tiếng trên thế giới “tranh giành” quyền remake, trong đó có 20th Century Fox, Sony Pictures của Mỹ và Gaumont, Canal Plus, EuropaCorp của Pháp.
Phần tiền truyện của Train to Busan sẽ ra mắt vào tháng 8
Và đó là Seoul Station, một phim hoạt hình của đạo diễn Yeon Sang Ho. Bộ phim kéo dài 93 phút và sẽ khởi chiếu tại các rạp Hàn Quốc từ ngày 18/8.
“Seoul Station”
Seoul Station lấy bối cảnh tại nhà ga Seoul, nơi có một người đàn ông vô gia cư ốm yếu đang phải chịu những vết thương rỉ máu ở cổ và vai. Từ những nhân viên nhà ga cho tới cậu sinh viên trường phúc lợi và ngay cả các nhân viên y tế, tất cả đều bỏ rơi ông lão tới chết chỉ vì ông ta là người vô gia cư. Chỉ có một người bạn vô gia cư của ông ta là chạy đi tìm sự giúp đỡ nhưng vô ích. Ông lão đã chết bỗng dưng sống lại trong bộ dạng một thây ma và biến cả thành phố Seoul trở thành địa ngục.
Đạo diễn Yeon Sang Ho cho biết, cả Seoul Station và Train to Busan đều tập trung vào cùng một từ khóa – “nhà”. Nếu như các tác phẩm trước của ông thường thể hiện cách nhìn có phần trần trụi về ý nghĩa của gia đình trong xã hội hiện đại, thì ở hai tác phẩm gần đây nhất, Yeon Sang Ho muốn truyền tải tới khán giả những giá trị đích thực mà một gia đình lí tưởng cần hướng đến.
Diễn viên lồng tiếng của Seoul Station Ryu Sung Ryong chia sẻ trong họp báo ra mắt phim: “Bộ phim gửi gắm một bài học đau lòng về cuộc sống – những kẻ đáng sợ nhất không phải là thây ma, mà lại là chính con người chúng ta”.
Train to Busan – Chuyến Tàu Sinh Tử xoay quanh cuộc chiến chống lại một binh đoàn thây ma mang mầm bệnh chết người của các hành khách trên chuyến tàu từ Seoul tới Busan. Phim hiện đã được công chiếu tại các rạp Việt Nam từ ngày 12/8.
(Tổng hợp)