Cách Facebook sử dụng để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả là cho phép người dùng đánh dấu những nội dung mà họ cho rằng có chứa tin giả.
Những nội dung bị đánh dấu sẽ được đánh giá bởi một trung tâm thẩm định độc lập và nếu bị xác nhận là tin giả, nội dung đó sẽ bị gắn cảnh báo tin giả trên bảng tin của người dùng.
Tin giả (fake news) không phải vấn đề gần đây mới xuất hiện nhưng chưa bao giờ vấn nạn tin giả trở nên nghiêm trọng đến như vậy. Từ các mạng xã hội, diễn đàn cho đến cả những đơn vị truyền thông uy tín, tin giả đang có mặt ở khắp nơi. Trong cơn bão thông tin hiện nay, việc ngăn chặn tin giả dường như trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Trước tình hình đó, nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới công nghệ thế giới đã gia nhập cuộc chiến chống lại nạn tin giả.
Tin giả (Fake news) làm đau đầu giới truyền thông toàn cầu.
Một trong những kênh lan truyền tin giả mạnh nhất chính là các mạng xã hội. Tốc độ chia sẻ chóng mặt, gần như không có cơ chế nào đánh giá độ tin cậy của tin tức là những lý do khiến tin giả nở rộ trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter…
Mới đây, Facebook đã đưa ra một giải pháp cho vấn đề này. Cách Facebook sử dụng để ngăn chặn sự lan truyền của tin giả là cho phép người dùng đánh dấu những nội dung mà họ cho rằng có chứa tin giả. Những nội dung bị đánh dấu sẽ được đánh giá bởi một trung tâm thẩm định độc lập và nếu bị xác nhận là tin giả, nội dung đó sẽ bị gắn cảnh báo tin giả trên bảng tin của người dùng.
Nhà sáng lập Wikipedia, Jimmy Wales mới đây cũng tham gia cuộc chiến chống tin giả bằng cách lập ra website Wikitribune.
Nhưng khác với Facebook dựa vào các trung tâm thẩm định để đánh giá độ chính xác của tin tức, Wikitribune lại chọn hướng “tin tức công dân”.
Wikitribune dựa vào sự hợp tác giữa giới báo chí và cộng đồng để chống tin giả.
Wikitribune vẫn hợp tác với những chuyên gia, nhà báo để xây dựng nội dung trang web nhưng các nội dung trên Wikitribune sẽ được đánh giá bởi chính cộng đồng người dùng, nhất là những nhóm có liên quan đến nội dung được đăng tải.
Khi người dùng thấy nội dung không chính xác, họ có thể yêu cầu tác giả chỉnh sửa lại. Nội dung cuối cùng là nội dung được sự đồng thuận của các bên.
Những nhãn dán xác nhận tin thật – giả là cách mà người khổng lồ Google sử dụng để chống lại nạn tin giả. Các nhà xuất bản uy tín và các hệ thống đánh giá độ tin cậy của tin tức sẽ nhận xét về độ chính xác của thông tin.
Google dán nhãn đánh giá độ tin cậy của tin tức.
Khi người dùng thực hiện một tìm kiếm trên hệ thống, công cụ mới này của Google sẽ dán nhãn cho các kết quả được đưa ra. Trên nhãn dán thể hiện các thông tin về nguồn gốc thông tin, kết quả đánh giá về mức độ tin cậy cũng như tên của đơn vị, hệ thống thực hiện đánh giá.
Dù các công ty lớn đã có những động thái tích cực nhằm hạn chế vấn nạn tin giả nhưng những biện pháp đó sẽ khó có thể có tác dụng hiệu quả nếu các tin giả vẫn được hỗ trợ bởi sự dễ dãi của người dùng và thói quen chia sẻ thiếu trách nhiệm. Bởi vậy, dành chút thời gian để suy nghĩ và tìm hiểu thay vì click theo phản xạ là bạn đang góp phần quan trọng ngăn chặn sự lan tràn của tin giả.
Theo Khám phá