Bộ LĐ-TB&XH tính toán, do dịp nghỉ Tết Dương lịch 2019 có 1 ngày làm việc xen giữa nghỉ cuối tuần và nghỉ tết, nên đề xuất hoán đổi ngày đi làm để nghỉ dịp này 5 ngày. Còn Tết Âm lịch, sẽ được nghỉ 9 ngày liên tục và không phải hoán đổi.
Bộ LĐ-TB&XH vừa có Dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, do trong năm 2019, dịp nghỉ Tết Dương Lịch, dịp nghỉ 30/4-1/5 có 1 ngày làm việc xen giữa ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hoán đổi ngày đi làm trong 2 dịp nghỉ này để người lao động được nghỉ liên tục. Riêng các dịp nghỉ khác không xảy ra tình huống trên nên không cần hoán đổi ngày đi làm.
Cụ thể, dịp nghỉ Tết Dương lịch 2019, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất cho công nhân viên chức đi làm vào ngày Thứ 7 liền sau dịp nghỉ Tết để bù cho ngày đi làm vào Thứ 2 xen giữa kỳ nghỉ. Theo đó, người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày liên tục từ Thứ 7 ngày 29/12/2018, đến hết Thứ 3 ngày 1/1/2019. Sau đó người lao động sẽ đi làm vào Thứ Bảy ngày 5/1/2019, để bù cho Thứ 2 ngày 21/12/2018 đã được nghỉ trước đó.
Với Tết Âm lịch Kỷ Hợi 2019, do luật cho phép nghỉ năm cũ 2 ngày và nghỉ năm mới 3 ngày, hoặc nghỉ năm cũ 1 ngày và nghỉ năm mới 4 ngày. Do đó, cả 2 phương án này đều có tổng số ngày nghỉ Tết Âm lịch là 9 ngày liên tục.
Cụ thể, phương án 1 là nghỉ 2 ngày cuối năm cũ và 3 ngày đầu năm mới. Theo đó, người lao động nghỉ từ Chủ Nhật ngày 3/2/2019 tới hết Chủ Nhật ngày 10/2/2019 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Tuất tới hết ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ hợi). Do ngày nghỉ Chủ Nhật (ngày 29 tháng Chạp) trùng ngày nghỉ hàng tuần nên được nghỉ bù vào Thứ 6 (ngày 4 tháng Giêng). Do Thứ 7 liền trước kỳ nghỉ với nhiều người lao động vẫn được nghỉ hàng tuần, nên tổng số ngày nghỉ của dịp này là 9 ngày.
Phương án 2 là nghỉ 1 ngày năm cũ và 4 ngày năm mới. Theo đó, người lao động sẽ nghỉ từ Thứ 2 ngày 4/2/2019 tới hết Chủ Nhật ngày 10/2/2019. Phương án này không trùng ngày nghỉ lễ và nghỉ hàng tuần nên không được nghỉ bù, nhưng do Thứ 7 và Chủ Nhật (ngày 2-3/2) trùng vào ngày nghỉ hàng tuần nên người lao động được nghỉ. Như vậy, tổng số ngày nghỉ của phương án này cũng là 9 ngày liên tục.
Từ thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn phương án nghỉ trước tế 2 ngày (phương án 1), để người lao động có thời gian chuẩn bị tết và giảm sức ép giao thông.
Với dịp nghỉ lễ Chiến thắng 30/4/2019, và Quốc tế Lao động 1/5/2019, nếu không hoán đổi ngày đi làm, người lao động sẽ nghỉ 2 ngày là Thứ 3 và Thứ 4.
Tuy nhiên, dịp nghỉ 30/4/2019, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, cho hoán đổi ngày đi làm để người lao động nghỉ liên tục 5 ngày. Theo đó, người lao động nghỉ từ Thứ 7 ngày 27/4, tới hết Thứ 4 ngày 1/5. Do ngày đi làm Thứ 2 ngày 29/4 xen kẽ giữa ngày nghỉ cuối tuần và ngày nghỉ lễ, nên người lao động sẽ được nghỉ và đi làm bù vào Thứ 7 ngay liên sau kỳ nghỉ là ngày 4/5/2019. Bộ LĐ-TB&XH nghiên về chọn phương án nghỉ 5 ngày liên tục.
Với các ngày nghỉ khác trong năm là Giỗ Tổ Hùng Vương (14/4/2019), Quốc khánh 2/9/2019 người lao động được nghỉ mỗi dịp 1 ngày theo quy định.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, những năm qua việc hoán đổi ngày nghỉ và ngày đi làm đã tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng hoán đổi ngày đi làm và ngày nghỉ khiến kỷ nghỉ dài, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy vậy, đơn vị soạn thảo cho rằng, dù ngày nghỉ có dài, nhưng thực chất số ngày nghỉ và ngày đi làm vẫn không đổi. Vì vậy, sau khi có ý kiến của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thông tin rộng rãi để người dân và doanh nghiệp sắp xếp công việc.
Kênh14