Công chúng sẽ được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tay nghề cao, coi trọng tính sáng tạo, giá trị nghệ thuật, nhân văn… trong năm 2016
Sau mùa phim Tết có phần ảm đạm và nhạt nhòa, điện ảnh Việt bắt đầu một năm hứa hẹn bùng nổ và sôi động. Nhiều tác phẩm điện ảnh đa dạng thể loại, đề tài, nội dung, được đầu tư kinh phí lớn chuẩn bị “đổ bộ” màn ảnh rộng trong thời gian tới. Các đạo diễn, nhà sản xuất phim lạc quan nhận định thị hiếu khán giả thời gian qua đã có sự thay đổi tích cực, hướng đến giá trị thật hơn là các yếu tố câu khách.
Khoảng 40 phim ra rạp
Nhiều đạo diễn, diễn viên tên tuổi, tạo được niềm tin với khán giả – như: Cường Ngô, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Dustin Nguyễn, Victor Vũ, Minh Hằng, Quý Bình… – sẽ trở lại trong năm 2016 bằng các tác phẩm lớn.
Sau “Hương Ga” đình đám năm 2014, cặp đôi đạo diễn – diễn viên Cường Ngô – Trương Ngọc Ánh tái hợp trong dự án phim “Truy sát”. Đạo diễn Cường Ngô khẳng định phim này sẽ tạo đột phá về cách thể hiện, nội dung, diễn xuất. Với kinh phí đầu tư 20 tỉ đồng, ê-kíp dự án “Truy sát” có thể thực hiện phim này theo công nghệ hiện đại của thế giới. Trương Ngọc Ánh cũng được kỳ vọng khắc họa thành công hình ảnh nữ cảnh sát có cuộc đời sóng gió như vai diễn “Hương Ga”.
Không kém phần hoành tráng là tác phẩm “Tấm Cám: chuyện chưa kể” do Ngô Thanh Vân làm nhà sản xuất, đạo diễn, đồng kịch bản kiêm diễn viên. Sau “Ngày nảy ngày nay”, Ngô Thanh Vân tiếp tục có tham vọng mang đến cho khán giả những thước phim đẹp mắt bằng kỹ xảo công nghệ 3D. Theo Ngô Thanh Vân, đây là dự án được đầu tư chuyên nghiệp nhất mà cô và ê-kíp của nhà sản xuất nổi tiếng Hollywood là Harvey Weinstein quyết tâm thực hiện để khán giả Việt “mãn nhãn”.
Victor Vũ, đạo diễn từng tạo được niềm tin cho khán giả, cũng trở lại với “Status” – một phim thuộc thể loại hình sự điều tra về mạng xã hội. Trong khi đó, “Bao giờ có yêu nhau” của đạo diễn Dustin Nguyễn lại mang một màu sắc khác: lãng mạn, trữ tình. Sự kết hợp giữa Minh Hằng và Quý Bình – 2 diễn viên sáng giá được chờ đợi – sẽ viết nên một câu chuyện tình đẹp trên màn ảnh.
Ngoài ra, hàng chục tác phẩm điện ảnh khác cũng xếp hàng ra rạp từ nay đến cuối năm, như: “Valentine trắng”, “Fan cuồng”, “Taxi, em là ai”, “Nữ đại gia”, “Cô hầu gái”, “Bảo mẫu siêu quậy 2”… Đó là những tác phẩm đã sản xuất từ năm 2015, chưa kể nhiều phim sắp bấm máy vào năm 2016 nên số phim Việt dự kiến ra rạp trong năm nay là khoảng 40. Có thể nói năm 2015-2016 là thời điểm đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của điện ảnh Việt.
Cánh cửa mở cho phim “tử tế”
Doanh thu là yếu tố quan trọng nhất, được các nhà làm phim đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều nhà sản xuất coi trọng chất lượng phim, tính sáng tạo, giá trị nghệ thuật và nhân văn… trong tác phẩm hơn.
Đạo diễn Dustin Nguyễn tâm sự rằng anh làm phim bằng tất cả tâm huyết, mong muốn tạo nên những tác phẩm điện ảnh tử tế. Đó là lý do phim “Bao giờ có yêu nhau” dù không có yếu tố sốc, “sex” nhưng vẫn đủ thu hút bởi giá trị thật của nó.
Cùng quan điểm, đạo diễn Cường Ngô bày tỏ: “Phim giải trí thuần túy vốn đầu tư ít, cơ hội thắng doanh thu cao. Người làm phim tử tế luôn lo thua lỗ. Nhưng nếu không có những người dám đặt cược sáng tạo nghệ thuật với doanh thu thì sao có những tác phẩm điện ảnh giá trị?”.
Nhiều nhà sản xuất, đạo diễn tỏ ra lạc quan hơn khi thị hiếu khán giả Việt thời gian qua đã có chiều hướng thay đổi tích cực. Họ ủng hộ nhiệt tình những bộ phim nghiêm túc như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”, “Yêu”, “Vẽ đường cho yêu chạy”… Sự thành công của những phim này góp phần tạo niềm tin cho các nhà sản xuất, đồng thời chứng minh rằng làm phim tử tế không còn trở thành nỗi e ngại vì nguy cơ lỗ vốn. Trái lại, phim kém chất lượng, kinh doanh thuần túy, mục đích câu khách… được làm từ đội ngũ không có trình độ, tay nghề sẽ khó “hốt bạc” dễ dàng như trước.
Người trong giới dự đoán rằng công thức làm phim: “ngôi sao + giật gân + sốc + sex + hài nhảm” không còn có tác dụng tại thị trường Việt Nam. Minh chứng cho nhận định này là hàng loạt phim: “Hy sinh đời trai”, “Sơn đẹp trai”, “Bộ ba rắc rối”, “Kungfu phở”, “Tình + Tình”, “Ngủ với hồn ma”… đã “chết” ngay khi ra rạp. Rõ ràng một lớp khán giả mới đã hình thành, thị trường hiện sàng lọc tốt, cánh cửa cho phim tử tế đang mở.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng nhận định: “Ở mỗi thời điểm, điện ảnh Việt sẽ có một hiện tượng riêng”. Có lẽ trong năm 2016, hiện tượng ấy sẽ là những bộ phim có giá trị, có cảm xúc và được khán giả đón nhận. “Những bộ phim tử tế sẽ định hướng được thị hiếu của khán giả. Ngược lại, gu thưởng thức của khán giả cao cũng sẽ định hướng cho người làm phim” – một đạo diễn khẳng định.
Doanh thu hứa hẹn tăng vọt
Hãng CJ CGV cho biết tính đến ngày 16-2, sau hơn 2 tháng công chiếu, phim “Em là bà nội của anh” đã đạt doanh thu hơn 100 tỉ đồng với hơn 1,4 triệu lượt người xem. Như vậy, sau hiện tượng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đây là phim Việt thứ hai đạt được mốc doanh thu đáng mong đợi trong năm 2015.
Kết quả này làm “nức lòng” nhiều nhà làm phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng trong năm 2016, có thể con số doanh thu 100 tỉ đồng tiếp tục được nhiều phim xác lập. Lý do là hoạt động sản xuất, phát hành ngày càng sôi động, hệ thống rạp chiếu mở rộng và sự ủng hộ của khán giả dành cho phim Việt tử tế ngày càng cao.