Nhiều người lao động lo ngại sẽ bị doanh nghiệp cắt giảm các khoản phụ cấp để bù chi BHXH.
Theo Luật BHXH sửa đổi, chủ sử dụng lao động đóng BHXH trên khoản lương (như cũ) và từ 1.1.2016, đóng thêm trên các khoản phụ cấp; đồng nghĩa với việc doanh nghiệp (DN) sẽ tăng tiền đóng BHXH…
Lao động giảm thu nhập, cắt trợ cấp?
Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân khu công nghiệp Hoàng Long (Hà Nội) cho biết, đến nay mới thấy công ty thông báo từ năm tới sẽ tăng chi phí đóng BHXH, dựa trên mức lương và phụ cấp, chứ chưa rõ mức đóng cụ thể thế nào. Nữ công nhân này lo lắng, trước đây chỉ đóng BHXH dựa trên lương mà nhiều doanh nghiệp còn không thực hiện; giờ tính theo cách mới, chị sợ một số khoản phụ cấp như xăng xe, tiền ăn trưa sẽ bị cắt giảm.
“Đối với công nhân, thêm được vài chục nghìn mỗi tháng cũng rất quý. Lương tối thiểu vùng hiện nay thấp, tăng chi phí đóng BHXH thì thu nhập của bọn em chẳng còn được là bao” – chị Lan lo lắng.
Chị chia sẻ rằng không trông chờ vào lương hưu, bởi “tuổi làm việc” của công nhân rất ngắn, chỉ đi làm vài năm rồi lấy chồng hoặc về quê sinh sống, xoay sang công việc khác. Nhiều công nhân không thể chờ tích lũy đủ năm theo quy định để hưởng chính sách lương hưu.
“Mình đã gửi đóng BHXH ở công ty cũ, làm ở đây chỉ là tạm thời vì thế trước sau gì cũng chỉ nhận BHXH một lần. Vì thế giờ đóng tăng lên, hưởng ít đi thì rất buồn” – chị Lan nói.
Anh An, nhân viên của công ty truyền thông (Hà Nội) cũng có những lo ngại tương tự. “Nhiều bạn tôi, dù được kỹ hợp đồng ngắn hạn, 6 tháng nhưng cơ quan vẫn trốn đóng BHXH. Thử hỏi giờ tăng đóng BHXH, cơ quan có đóng không hay lại trốn đóng như trước”.
Đa phần lao động đều tỏ ra lo lắng vì tăng đóng BHXH có thể khiến tổng thu nhập của họ bị giảm đi. Ảnh: nhân viên công ty giày Hongfu, Khu công nghiệp Hoàng Long, Thanh Hóa
Doanh nghiệp và lao động có thể yên tâm
Ông Bùi Tất Phương – Tổng Giám đốc Cadovimex cho hay hiện nay các doanh nghiệp thủy sản đang rất khó khăn.
“Tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn, lương tối thiểu vùng tăng hơn 10%, kèm theo đó tăng cả đóng BHXH khiến cho DN chịu “một cổ hai tròng”. Mặc dù chúng tôi biết, việc tăng lương, hay tăng đóng BHXH là cần thiết giúp người lao động tái sản xuất sức lao động, tích lũy vốn để phát triển nhưng việc tăng lương, tăng đóng BHXH như vậy chưa sát thực tế, chưa phù hợp với từng ngành nghề. Tăng lương và tăng đóng BHXH lên mức cao như vậy, không biết DN sẽ tồn tại được bao lâu” – ông Phương lo lắng.
Hiện nay, Công ty Cadovimex đang có khoảng 1.800 lao động, mỗi tháng công ty phải trả gần 7 tỷ tiền lương. Giờ tăng đóng BHXH, mỗi tháng công ty chi thêm 4-5 tỷ, đấy là chưa kể khoản tăng lương tối thiểu vùng. Ước tính mỗi tháng công ty tăng thêm gần 10 tỷ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần May Hưng Yên (gần 14 nghìn lao động) cho biết: “Lương tối thiểu tăng, kéo theo mức đóng BHXH cũng tăng theo. Mặt khác BHXH lại nâng cả mức đóng, điều này khiến cả DN và người lao động lao đao. Ví dụ năm trước đóng 350.000 đồng, nếu năm nay tăng thêm 12% nữa thì người lao động sẽ phải đóng thêm từ 40- 60 nghìn đồng. DN sẽ phải đóng thêm từ 80 đến 100.000 đồng bảo hiểm cho người lao động”.
Ông Dương viện dẫn: “Bản thân DN toàn làm gia công, làm thuê, thường 3 tháng mới nhận được tiền, nhưng BHXH thu từng tháng, nên DN phải đi vay ngân hàng đi đóng BHXH. Điều này không tạo điều kiện để DN phát triển”.
Khi được hỏi về việc liệu tổng công ty có tính đến việc cắt giảm trợ cấp, hay cắt giảm lao động không, ông Dương từ chối không trả lời. “Tôi cho rằng cái này tùy hoạt động của từng DN, tuy nhiên nếu quá khó khăn thì DN cũng sẽ phải có cơ chế để cải tổ thu – chi” – ông Dương e dè.
Đa phần lao động đều tỏ ra lo lắng vì tăng đóng BHXH có thể khiến tổng thu nhập của họ bị giảm đi. Ảnh: nhân viên công ty giày Hongfu, Khu công nghiệp Hoàng Long, Thanh Hóa
Thẳng thắn thừa nhận những lo lắng của DN và người lao động, tuy nhiên ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: “Từ năm 2018, DN mới phải đóng BHXH dựa trên tổng thu nhập của người lao động. Lộ trình đặt ra là như vậy, nhưng nếu DN khó khăn thì Bộ sẽ xem xét giãn lộ trình. Thực tế, đóng bảo hiểm dựa trên tổng thu nhập sẽ làm tăng chi phí khá lớn cho DN. Bộ sẽ tính toán để áp dụng đúng thời điểm khả thi”.
Ông Huân cũng khẳng định người dân không nên băn khoăn về vấn đề trượt giá tiền sau khi về hưu. Bởi hằng năm, nhà nước luôn có điều chỉnh tăng lương để người dân khi về già có cuộc sống ổn định nhất.
Theo Dân Việt