Theo The Financial Times, Facebook bắt đầu tung bộ lọc tin giả mạo tại Đức, nơi diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội vào mùa thu năm 2017.
Mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu kiểm tra tính xác thực và đánh dấu tin giả mạo cho người dùng tại Đức trong vài tuần tới. Công cụ được tung ra lần đầu tại Mỹ vào tháng 12/2016 như một phần trong quan hệ đối tác với các tổ chức xác thực độc lập.
Chính trị gia Đức đã lên tiếng cảnh báo về tác động của tin tức giả mạo đến cuộc bầu cử liên bang diễn ra mùa thu tới đây sau khi tình trạng tương tự diễn ra trong suốt cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Các nhà lập pháp đang cân nhắc phạt Facebook và các mạng xã hội khác vì cho phép chia sẻ tin xuyên tạc, trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Nga có thể can thiệp thông qua tuyên truyền hoặc tấn công mạng. Tháng trước, chính phủ Đức được cho là đã mở cuộc điều tra sau khi Breitbart xuất bản bài báo sai sự thật, đưa tin đám đông đốt cháy nhà thờ vào đêm giao thừa.
Theo hệ thống kiểm tra sự thật của Facebook, các câu chuyện bị người dùng dán nhãn giả mạo sẽ được gửi đến Correctiv, một tổ chức tin tức phi lợi nhuận có trụ sở tại Berlin. Nếu tin đó bị xem là không đúng, nó bị đánh dấu là “tranh cãi” kèm theo giải thích và Facebook sẽ cảnh báo người dùng trước khi họ chia sẻ nó. Tin này cũng xuất hiện ở vị trí bất lợi hơn trên News Feed.
Người phát ngôn Facebook cho biết công ty đang tìm kiếm các đối tác truyền thông khác tại Đức và lên kế hoạch phát hành công cụ tại các nước khác.
Nhà chức trách Đức đã thúc giục Facebook và các hãng công nghệ khác tích cực kiểm soát cả tin giả mạo lẫn phát ngôn thù địch.
Bộ trưởng Tư pháp Heiko Mass năm 2016 từng nói Facebook nên bị quản lý như một công ty truyền thông để phải chịu trách nhiệm pháp lý cho bất kỳ nội dung nào đăng tải. Chính phủ cũng được cho là đang mở bộ phận để theo dõi và chống lại tin xuyên tạc tương tự Cộng Hòa Séc dù nảy sinh lo ngại nhà chức trách có thể can thiệp vào truyền thông trước cuộc bầu cử.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Welt Am Sonntag, ông Maas cho rằng tin giả mạo đại diện cho “nguy cơ đối với văn hóa tranh luận” và các công ty mạng xã hội “có trách nhiệm” kiềm chế chúng. Theo ông, “nội dung tội ác nên bị xóa ngay lập tức một khi được báo cáo và người dùng phải được báo cáo tin xuyên tạc dễ dàng hơn”.